Thịt gà chế biến của CP Food. (Nguồn: CP Food) |
Xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản
Ngày 25/10, tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, Công ty TNHH CPV Food phối hợp với Cục Thú y tổ chức “Lễ xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản”. Đây là lô hàng thịt gà chế biến dành riêng cho thị trường Nhật Bản, đồng phát triển với tập đoàn ITOCHU là đối tác mua và phân phối hàng tại Nhật Bản.
Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P Việt Nam cho biết, Công ty TNHH CPV Food là một công ty con trực thuộc C.P Việt Nam. Tại đây có một tổ hợp nhà máy chăn nuôi, chế biến thịt gà xuất khẩu chế biến hiện đại và lớn nhất Việt Nam, tọa lạc tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, xã Minh Thành, thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Theo ông Montri Suwanposri, Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng và là “đích đến” của nhiều doanh nghiệp trong việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao.
Để xuất khẩu sang Nhật Bản, CPV Food thiết lập quy trình chăn nuôi chế biến vô cùng khắt khe truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến sản phẩm, thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất theo đẳng cấp thế giới như môi trường và phúc lợi động vật… đáp ứng tất cả các tiêu chí khắt khe của Nhật Bản và các nước nhập khẩu khác.
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã cử một đoàn kiểm tra thú y đến CPV Food tại Bình Phước để đánh giá chuỗi sản xuất gà chế biến xuất khẩu, trong thời gian từ ngày 31/5/2022 đến ngày 3/6/2022.
Ngày 30/8/2022, kết luận của đoàn kiểm tra thú y Nhật Bản (MAFF) khẳng định: Công ty TNHH CPV Food đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y của MAFF để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Lô hàng gà chế biến đầu tiên với số lượng 33,6 tấn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào ngày 25/10/2022.
Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online
Trao đổi tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới (Amazon Week 2022) ngày 27/10 tại Hà Nội, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định, với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, và Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online…
Theo ông Gijae Seong, dù nền kinh tế toàn cầu hồi phục chưa đồng đều hậu đại dịch Covid-19, thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với những tín hiệu tích cực.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kép của Thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức 28,4% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2027. Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam cũng được dự kiến sẽ tăng hơn 20% mỗi năm.
Đặc biệt, trong vòng 12 tháng (từ 1/9/2021- 31/8/2022) các đối tác bán hàng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trên Amazon: gần 10 triệu sản phẩm “Made in Vietnam” được bán ra cho khách hàng Amazon trên toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon mở ra một động lực kinh tế với tiềm năng mạnh mẽ và rõ nét cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, bất chấp những thách thức lớn từ đại dịch và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon vẫn tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái; hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA), số lượng tăng hơn 90%, doanh thu bán hàng qua FBA cũng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo thống kê của Amazone, top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon bao gồm: dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân, tiện ích gia đình.
Rượu men lá Bắc Kạn "lên đường" sang Nhật Bản
Ngày 27/10, Hợp tác xã Thanh Tâm, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn đã xuất khẩu lô sản phẩm rượu đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đây là hợp tác xã thứ hai ở vùng cao, của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn có sản phẩm xuất khẩu.
Hợp tác xã Thanh Tâm chuyên về sản xuất rượu men lá ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đã ký hợp đồng với Đại lý phân phối Komeco.Ltd để xuất khẩu rượu sang Nhật Bản.
Theo hợp đồng ký kết, mỗi chuyến hàng, đơn vị sẽ xuất cho đại lý là 8.500 chai, quy cách đóng chai, mẫu mã sẽ thực hiện theo yêu cầu của phía đối tác. Trước đó, đại diện đại lý đã đưa mẫu sản phẩm đi kiểm tra và được công nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn sản xuất của nhà cung cấp đề ra.
HTX Thanh Tâm là đơn vị sản xuất rượu men lá lâu năm của địa phương. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi tháng đơn vị sản xuất, bán ra thị trường 10.000 lít rượu men lá. Hiện HTX đang liên kết sản xuất với 11 hộ nấu rượu trên địa bàn.
Trước đó, vào năm 2020, lần đầu tiên Bắc Kạn có một hợp tác xã của đồng bào dân tộc thiểu số xuất khẩu sản phẩm. Đó là Hợp tác xã miến dong Tài Hoan (Na Rì) đã xuất khẩu miến dong sang thị trường châu Âu. Đến nay, châu Âu đang dần trở thành một trong những thị trường tiêu thụ chính của Hợp tác xã.
Xuất khẩu đang trở thành thị trường tiềm năng cho nông sản Bắc Kạn. Ngoài Hợp tác xã Thanh Tâm và Hợp tác xã Tài Hoan, hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki cũng đang xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm rượu mơ quả chế biến, củ kiệu... sang thị trường Nhật Bản.
Thúc đẩy đưa hàng Việt sang Bangladesh
25 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã, các tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam đã sang Bangladesh để tìm hiểu nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường này…
Thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á- châu Phi trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức Đoàn giao dịch thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Bangladesh từ ngày 23-28/10.
Tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã được tìm hiểu về tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam sang Bangladesh, cũng như yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường Bangladesh. Quảng bá giới thiệu hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời tham dự hội thảo giao thương, kết nối trực tiếp doanh nghiệp 2 nước và gặp gỡ, làm việc với một số nhà phân phối lớn tại thị trường.
Buổi giao lưu, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh. (Nguồn: VnEconomy) |
Đặc biệt, ngày 26/10 đã diễn ra lễ ký MOU giữa Invest Global Vietnam (Liên minh Xúc tiến đầu tư quốc tế) với Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp CHITTAGONG (CCCI).
Việt Nam và Bangladesh là đối tác thân thiết và thiết lập quan hệ vào tháng 2/1973. Năm 2013, hai quốc gia đã kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam và Bangladesh đang phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2021.
Cả hai nước đã xác định 11 lĩnh vực ưu tiên bao gồm thương mại nông sản và xuất khẩu dược phẩm từ Bangladesh sang Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam và Bangladesh đã phát triển kể từ cuộc họp Ủy ban Thương mại hỗn hợp đầu tiên vào năm 2015. Cả Việt Nam và Bangladesh đều có dân số trẻ và quy mô lớn, có nghĩa là một nguồn lao động đáng kể mà các doanh nghiệp có thể sử dụng. Cả hai quốc gia cũng được hưởng lợi từ lợi thế địa lý.
Bangladesh nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ và tiếp xúc với ASEAN, nước này cũng có lối vào Vịnh Bengal, cho phép tàu bè tiếp cận thương mại vào nước này. Ngược lại, Việt Nam có đường bờ biển dài tiếp xúc với hành lang thương mại Đông Á, có các cảng, sân bay và biên giới với Trung Quốc, làm cho Việt Nam trở thành một địa điểm lý tưởng trong chiến lược Trung Quốc cộng một.
Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện một số khoản đầu tư vào Bangladesh: bao gồm đầu tư vào các đặc khu kinh tế của Bangladesh, hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT, hợp tác song phương trong lĩnh vực dệt may, thương mại sản phẩm Halal, thương mại dịch vụ phần mềm, liên kết hàng không trực tiếp, xúc tiến thương mại đay và hàng đay, hợp tác lĩnh vực ngân hàng và hợp tác lĩnh vực du lịch.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Bangladesh bao gồm clinker, xi măng, phôi thép và điện thoại di động. Ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, da, giày, thuốc và mè từ Bangladesh.