📞

Xuất khẩu ngày 24-28/4: TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu năm 2022; Hà Lan tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam

Vân Chi 13:58 | 28/04/2023
TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu năm 2022; nhiều nhóm hàng chủ lực có giá trị tỷ USD giảm mạnh... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 24-28/4.
Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh có kim ngạch xuất khẩu 47.545.537.771 USD, đứng đầu cả nước. Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Hải quan)

TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu năm 2022

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 lần lượt là: TP. Hồ Chí Minh có kim ngạch 47.545.537.771 USD; Bắc Ninh 45.062.954.539 USD; Bình Dương 34.332.291.545 USD; Thái Nguyên 29.880.822.193 USD; Hải Phòng 24.956.949.890 USD; Đồng Nai 24.600.045.278 USD; Bắc Giang 22.628.594.217 USD; Hà Nội 17.131.320.127 USD; Phú Thọ 11.800.308.391 USD; Hải Dương 10.461.101.116 USD.

Tính sơ bộ tổng kim ngạch xuất khẩu của 10 địa phương “Chim đầu đàn” dẫn đầu xuất khẩu này vào khoảng 270 tỷ USD, đóng góp khoảng 72% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2022, 10 tỉnh có thành tích xuất khẩu tốt nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ. Như vậy không có thay đổi về địa phương dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cả nước; song tỉnh Phú Thọ và Hải Dương đã hoán đổi vị trí. Theo đó, Phú Thọ từ vị trí số 10 đã chuyển lên vị trí số 9.

Trong khi đó, 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu 20.468.841 USD, Sơn La 21.801.054 USD, Bắc Kạn 33.466.825 USD, Điện Biên 42.686.980 USD, Ninh Thuận kim ngạch 46.223.574 USD, Cao Bằng 60.200.126 USD, Hà Giang 88.014.734 USD, Đắc Nông 111.800.984 USD, Tuyên Quang 137.569.864 USD, Quảng Bình 196.610.302 USD.

Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 đánh giá về mặt tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng ở mức cao dù nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn; cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực và diện mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng; thị trường xuất khẩu đa dạng, duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới; nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Về những điểm hạn chế, Báo cáo phân tích, từ tháng 9/2022, xuất khẩu bắt đầu xu hướng giảm. Bình quân 4 tháng cuối năm 2022, xuất khẩu đạt 29,7 tỷ USD/tháng, giảm 9,7% so với mức bình quân tháng 3 đến tháng 8.

Xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính, linh kiện điện tử có xu hướng chững lại. Nếu không tính điện thoại và mặt hàng máy vi tính, linh kiện điện tử, phụ kiện, xuất khẩu năm 2022 tăng 12,9% so với năm 2021, cao hơn mức tăng 10,6% của tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối các doanh nghiệp FDI. Năm 2022, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 11,8% so với năm 2021trong khi xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chỉ tăng 6,8%.

Hà Lan tăng nhập khẩu cao su từ thị trường Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hà Lan đạt 3,03 nghìn tấn, trị giá 4,38 triệu USD, tăng 31,2% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.447 USD/tấn, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR CV60 được xuất khẩu sang Hà Lan nhiều nhất, chiếm 53,2% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023.

Tiếp theo, chủng loại Latex chiếm 19,65% và SVR 3L chiếm 18,63% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023.

Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023 hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là Latex giảm 22,7%; SVR 10 giảm 21,5%; SVR 3L giảm 20,1%; SVR CV60 giảm 18,3%…

Còn theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), năm 2022, Bỉ, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hà Lan. Trừ Bỉ và Đức, nhập khẩu cao su của Hà Lan từ các thị trường này đều tăng cả về lượng và trị giá so với năm 2021.

Trong năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 10 cho Hà Lan với 8,82 nghìn tấn, trị giá 16,13 triệu USD, tăng 53,7% về lượng và tăng 28,9% về trị giá so với năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 2,76% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hà Lan, cao hơn so với mức 2,02% của năm 2021.

Như vậy, tại thị trường Hà Lan, thị phần cao su của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Hà Lan. Trong khi đó, Hà Lan đẩy mạnh nhập khẩu cao su của Thái Lan, Trung Quốc nên thị phần cao su của hai thị trường này trong năm 2022 cũng cao hơn so với năm 2021.

Sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành cao su Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách. Những điều này gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su cũng như các doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên trở nên gay gắt hơn về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe.

Theo đó, ngành cao su Việt Nam phải được thực hiện thống nhất về quản lý chất lượng trên phạm vi cả nước, tăng cường áp dụng kỹ thuật tiến bộ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo yêu cầu thị trường, mở rộng đầu tư chế biến sâu, từng bước hình thành ngành công nghiệp cao su phụ trợ; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại ngành cao su theo chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mặt khác, xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác, do vậy gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…

Tại thị trường Hà Lan, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan và Bờ Biển Ngà. Do đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường của Hà Lan để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Nhiều nhóm hàng chủ lực, có giá trị tỷ USD giảm mạnh

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong kỳ 1 tháng 4/2023 (từ ngày 1/4 đến ngày 15/4/2023), tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 26,08 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 4,71 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2023.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 4/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/4 đạt 179,74 tỷ USD, giảm 14,6% (tương ứng giảm 30,7 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 20,7 tỷ USD).

Điện thoại các loại và linh kiện, một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sụt giảm mạnh. Ảnh minh họa. (Nguồn: VnEconomy)

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 13,24 tỷ USD, giảm 19,2% (tương ứng giảm 3,14 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 3/2023.

Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 4/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2023, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 672 triệu USD (tương ứng giảm 25,2%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 565 triệu USD (tương ứng giảm 22,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 434 triệu USD (tương ứng giảm 21,7%); sắt thép các loại giảm 230 triệu USD (tương ứng giảm 47,7%); hàng dệt may giảm 211 triệu USD (tương ứng giảm 15,2%)...

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/4, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 92,5 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 12,73 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, một số nhóm hàng giảm như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,71 tỷ USD (tương ứng giảm 15%); hàng dệt may giảm 1,84 tỷ USD (tương ứng giảm 18,1%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,45 tỷ USD (tương ứng giảm 30,3%); giày dép giảm 1,05 tỷ USD (tương ứng giảm 16,8%)... so với cùng kỳ năm 2022.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 9,56 tỷ USD, giảm 20,5% (tương ứng giảm 2,47 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3/2023.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 68,6 tỷ USD, giảm 11% (tương ứng giảm 8,48 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 12,84 tỷ USD, giảm 10,9% (tương ứng giảm 1,56 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 4/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 448 triệu USD (tương ứng giảm 12,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 264 triệu USD (tương ứng giảm 14,2%); sắt thép các loại giảm 138 triệu USD (tương ứng giảm 24,5%)...

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/4, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 87,24 tỷ USD, giảm 17,1% (tương ứng giảm 17,97 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 4,29 tỷ USD (tương ứng giảm 65,3%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 3,4 tỷ USD (tương ứng giảm 13,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 1,83 tỷ USD (tương ứng giảm 14,5%) so với cùng kỳ năm 2022.

(tổng hợp)