Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam là 3 thị trường chính xuất khẩu tôm sang Mỹ. (Nguồn: Tạp chí Thủy sản) |
Xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt sang Canada tăng vọt
Theo tính toán từ số liệu của Cơ quan thống kê Canada, tháng 7/2021 Canada nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 179,5 triệu USD, tăng 11,8% so với tháng 7/2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada đạt 1,49 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ là 3 thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Canada trong 7 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Canada nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt 551,8 triệu USD, tăng 65,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 37% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada.
Tiếp theo là nhập khẩu từ Việt Nam đạt 262,3 triệu USD, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ trọng chiếm 17,6%. Nhập khẩu từ Mỹ đạt 224,9 triệu USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 15,1% tổng trị giá nhập khẩu.
Về mặt hàng, 7 tháng đầu năm 2021, ghế khung gỗ là mặt hàng Canada nhập khẩu với trị giá lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 576,8 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 38,7% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada.
Tôm Việt vẫn bị cạnh tranh khốc liệt tại Mỹ
Theo Cơ quan Thủy sản Quốc gia Mỹ (NMFS), nhập khẩu tôm của Mỹ tháng 7/2021 tăng 13,8% về lượng và tăng 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 83 nghìn tấn, trị giá 904,52 triệu USD, tăng tháng thứ 8 liên tiếp.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 518,7 nghìn tấn, trị giá 5,25 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng và tăng 36,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tôm của Ấn Độ trong tổng nhập khẩu của Mỹ ổn định so với cùng kỳ năm 2020, trong khi thị phần của Ecuador và Việt Nam tăng. Cụ thể, thị phần tôm của Ecudor tăng từ 15,4% lên 20,8%. Thị phần tôm Việt Nam tăng từ 6,9% lên 7,9%.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá: "Cũng phải chịu những tác động nặng nề do Covid-19 gây ra nhưng Ấn Độ và Ecuador đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ để giữ vững thị trường đầy tiềm năng này. Do đó, tôm của Việt Nam sẽ ngày càng phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn với 2 thị trường cung cấp này trên thị trường Mỹ".
Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, xuất khẩu tôm của Ecuador sang thị trường Trung Quốc gặp trở ngại do Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu tôm từ một số công ty chế biến lớn của Ecuador và luôn duy trì các biện pháp kiểm tra vệ sinh nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng gặp phải một số trở ngại khi các container từ Ấn Độ bị từ chối tại biên giới Trung Quốc.
Do vậy, Ecuador và Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và nhập khẩu tôm của Mỹ từ 2 thị trường cung cấp này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm.
Trong khi cả 2 nguồn cung là Ấn Độ và Ecuador đều có chiến lược gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về logistics, giá thuê container tăng liên tục, thiếu container và thời gian vận chuyển dài hơn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nông nghiệp nhận định, Việt Nam có lợi thế hơn về chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, tôm hấp, bóc vỏ rút chỉ lưng phục vụ phân khúc bán lẻ, phân khúc thị trường đang có nhiều tiềm năng khi xu hướng tiêu dùng thủy sản tại nhà của Mỹ ngày càng tăng.
Sau nhiều tháng tăng liên tục, xuất khẩu cá ngừ quay đầu giảm
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 8 đạt gần 49,4 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ 2020. Xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU và CPTPP đều đồng loạt giảm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đánh giá, đây là kết quả trong dự tính sau khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các nhà máy đóng cửa hoặc giảm tối đa công suất để thực hiện "3 tại chỗ".
Với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong tháng 8 giảm gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu cá ngừ đóng hộp của nước này đã ổn định sau khi tăng bất thường vào đỉnh dịch năm ngoái. Ngoài ra, do mặt hàng này được bán theo giá FOB, tức các nhà nhập khẩu chịu phí vận chuyển, nên họ ít nhập hơn do cước tăng cao.
Xuất khẩu sang EU cũng giảm 28% trong tháng qua. Trong số 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam nhiều nhất trong khối này, Tây Ban Nha là nước duy nhất tăng trưởng, còn Italy và Đức giảm. Lượng cá ngừ tồn kho cao và cước vận chuyển ngất ngưỡng cũng là lý do khiến nhu cầu thị trường này suy yếu.
CPTPP là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch tháng qua giảm 4,3%, đạt gần 7 triệu USD. Trong số 4 thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong khối này, hiện chỉ có Mexico tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tháng 8 quay đầu giảm, nhưng nhờ tăng trưởng tốt trong những tháng trước nên luỹ kế 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 470 triệu USD.
Nhập khẩu ngô từ Ấn Độ tăng hơn 500 lần
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, riêng trong tháng 8 cả nước chi hơn 10 triệu USD nhập khẩu gần 34 nghìn tấn ngô từ Ấn Độ. Qua đó nâng lượng nhập khẩu từ đầu năm lên hơn 1 triệu tấn, với tổng kim ngạch 306 triệu USD.
So với cùng kỳ 2020, lượng ngô nhập khẩu từ Ấn Độ trong 8 tháng qua tăng gấp hơn 562 lần (cùng kỳ chỉ đạt gần 2 nghìn tấn), trong khi kim ngạch tăng gấp khoảng 494 lần.
Hết tháng 8, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài sự tăng trưởng đột biến của mặt hàng ngô, các nhóm hàng lớn có tăng trưởng mạnh như: kim loại thường đạt 269 triệu USD, tăng hơn 300%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 203 triệu USD, tăng khoảng 220%; bông đạt 226,3 triệu USD tăng gần 200%...
Tuy nhiên, nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ quốc gia Nam Á này là sắt thép lại giảm khá mạnh.
Cụ thể, hết tháng 8, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ hơn 925 nghìn tấn sắt thép, kim ngạch 751,6 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 1,9 triệu tấn, kim ngạch đạt 833 triệu USD.
Chiều ngược lại, hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,95 tỷ USD, tăng 26,73% so với cùng kỳ 2020. Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện đạt 821 triệu USD, giảm khoảng 50 triệu USD.
Như vậy, hết tháng 8, nước ta nhập siêu khoảng 750 triệu USD từ Ấn Độ.
Pháp tăng nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhập khẩu hạt tiêu của Pháp từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 2.863 tấn, trị giá 8,18 triệu EUR (9,6 triệu USD), tăng 28,6% về lượng và tăng 44,3% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020.
Pháp là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng đối với các nhà xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu. Ngoài tiêu dùng nội địa, Pháp nhập khẩu hạt tiêu để tái xuất sang các nước châu Âu.
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Eurostat cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Pháp tăng từ Việt Nam, Brazil, nhưng giảm từ Đức, Indonesia, Hà Lan.
7 tháng đầu năm 2021, Pháp tăng nhập khẩu hạt tiêu từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Brazil. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hạt tiêu của Pháp từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 2.863 tấn, trị giá 8,18 triệu EUR (9,6 triệu USD), tăng 28,6% về lượng và tăng 44,3% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 30,72% trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng lên 37,2% trong 7 tháng đầu năm 2021.