10 tháng năm 2021, Việt Nam nhập siêu 1,45 tỷ USD
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/10 cho thấy, ước tính tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2021, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%).
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Người Lao động) |
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 44,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9%. Thị trường ASEAN đạt 23 tỷ USD, tăng 21,3%. Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%. Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 2,2%.
Ước tính tháng 10/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2021 có 39 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 45,5 tỷ USD, tăng 21,4%. Thị trường ASEAN đạt 33 tỷ USD, tăng 34,8%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 9%. Thị trường EU đạt 13,8 tỷ USD, tăng 15,9%. Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 13,5%.
Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may giảm tháng thứ 2 liên tiếp
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 9 vừa qua đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm hơn 14% (tương ứng giảm 377 triệu USD) so với tháng trước và giảm 855 triệu USD so với tháng 7/2021. Đây là hệ quả từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các địa phương trọng điểm phía Nam, địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp dệt may của cả nước.
Như vậy, tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu hàng dệt may bị sụt giảm. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng này cũng đạt thấp thứ hai kể từ đầu năm đến nay, sau tháng 2, thời điểm có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Hết tháng 9, xuất khẩu hàng dệt may đạt 23,41 tỷ USD, tăng 5,6%, tương đương tăng gần 1,23 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của dệt may là Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong đó, thị trường Mỹ đạt 11,62 tỷ USD, tăng 11,1%; thị trường EU đạt 2,75 tỷ USD, tăng 2,4%; thị trường Nhật Bản đạt 2,28 tỷ USD, giảm 11,6%.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các mặt hàng chủ lực trong ngành đều tăng trưởng đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2020 như: hàng may mặc đạt tăng 5%; vải tăng 37,4%; xơ sợi tăng 56,2%; vải không dệt tăng 77,3%; phụ liệu dệt may tăng 21,8%...
Tuy nhiên, ngành hàng dệt may hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 9, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt, may, da, giày (bao gồm bông các loại; vải các loại; xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may da giày) lên tới 19,6 tỷ USD, tăng 26,9%, tương ứng tăng 4,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 52%, với 10,1 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc với 1,86 tỷ USD, tăng 13%; Đài Loan với 1,83 tỷ USD, tăng 26%; Mỹ với 1,4 tỷ USD, giảm 3,3%.
Đáng chú ý, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày có xuất xứ từ Brazil đạt 617 triệu USD, tăng tới 59% so với cùng kỳ năm trước.
8 tháng, xuất khẩu sang EU tăng trưởng ấn tượng nhờ EVFTA
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang 6 quốc gia thành viên đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA đều đạt mức tăng trưởng cao.
Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu đạt 25,85 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá trị hàng hóa tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA (được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O EUR.1) đạt 5,66 tỉ USD, chiếm 21,9% giá trị xuất khẩu sang EU.
Bộ Công Thương nhận định, có được kết quả bước đầu này, trước hết phải khẳng định rằng EVFTA là một Hiệp định mà ta đã đàm phán được với đối tác EU những cam kết về mở cửa thị trường sâu, rộng, nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, mong đợi.
Bên cạnh đó là tính chủ động trong việc tổ chức triển khai thực thi EVFTA ngay từ những ngày đầu tiên khi Hiệp định được ký kết, trong đó có thể kể đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định tại hiệp định, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cấp C/O, tổ chức các hội thảo tuyên truyền, phổ biến EVFTA…
Từ kết quả này, có thể hy vọng rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp để hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA, việc khai thác cơ hội từ EVFTA sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Xuất khẩu thủy sản đang dần khôi phục nhờ nới lỏng giãn cách
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9 đã giúp các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản từng bước khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải “canh cánh” nhiều nỗi lo về nguồn lao động, chi phí, đảm bảo phòng chống dịch để sản xuất an toàn…
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, VASEP cho biết tháng 9/2021, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam đạt 233,5 triệu USD, tăng 3,9% so với tháng 8/2021 và giảm 24% so với tháng 9/2020.
Nguyên nhân xuất khẩu thủy sản giảm trong tháng 8 và tháng 9 là do hoạt động sản xuất bị đình trệ do giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 từ giữa tháng 7 năm nay, nhà máy chế biến giảm công suất, thiếu nguyên liệu sản xuất, chuỗi cung ứng gián đoạn, đi lại vận chuyển không thông suốt.
VASEP nhận định với tình trạng dịch Covid-19 chưa thể được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất sau giãn cách từ giữa tháng 9 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhân công, nguồn vốn, chi phí tăng, cộng với chi phí phòng chống dịch để sản xuất an toàn. Vì vậy, sản xuất và xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 10/2021.
Thương mại điện tử đang là công cụ đắc lực để quảng bá cho hàng hóa Việt Nam ra thế giới. (Nguồn: ICT News) |
Thương mại điện tử thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới
Theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện nay có tốc độ phát triển TMĐT khá nhanh trong khu vực.
Với doanh thu TMĐT B2C (kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, đặc biệt đối với hàng Việt.
Trên thực tế, xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới có rất nhiều hình thức và tại mỗi thị trường thì lại có những yêu cầu khác nhau về tính năng sản phẩm. Chính vì vậy phải nhìn nhận TMĐT xuyên biên giới là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi mà kênh xuất khẩu truyền thống còn đang gặp khó khăn thì việc DN ứng dụng TMĐT để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua TMĐT xuyên biên giới là một kênh rất phù hợp. Tuy nhiên, để có thể triển khai được TMĐT xuyên biên giới một cách hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Hiện, Cục TMĐT và Kinh tế số đang triển khai hợp tác chặt chẽ với các đối tác như: Amazone, Alibaba… để thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các DN trong việc nhận thức về TMĐT, phương thức đưa hàng hóa lên sàn TMĐT, logistics TMĐT...
Theo đó, để có thể vận hành luồng hàng TMĐT xuyên biên giới, Cục đã hợp tác với các sàn TMĐT trong nước như Vỏ Sò và đã xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang trong niên vụ 2021.
Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo hình thức TMĐT xuyên biên giới của Vỏ Sò, nền tảng TMĐT của Việt Nam, là dấu mốc đặc biệt.