Bản tin xuất khẩu: Chuối Việt Nam được quảng bá tại chuỗi siêu thị Nhật Bản. (Nguồn: VTV) |
Vải thiều, chuối Việt được chào bán tại 350 siêu thị Aeon tại Nhật Bản
30 tấn vải từ Bắc Giang và Hải Dương đã "góp mặt" tại Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon ở Nhật Bản được tổ chức từ ngày 25 - 27/6 ở Trung tâm thương mại Aeon Lake Town, tỉnh Saitama (địa điểm chính) và 350 cửa hàng trong chuỗi bán lẻ toàn quốc của Tập đoàn Aeon tại Nhật Bản.
Bên cạnh vải thiều, Aeon sẽ tiếp tục chú trọng quảng bá thêm quả chuối của Việt Nam, hướng tới mục tiêu tăng mạnh lượng nhập khẩu chuối vào thị trường Nhật Bản.
Song song với việc triển khai trực tiếp tại các cửa hàng, chương trình còn được triển khai trên hệ thống bán hàng online của Tập đoàn Aeon tại Nhật Bản.
Bên cạnh những sản phẩm được trưng bày và bán giới thiệu tại tuần hàng như: Nông sản, thực phẩm (mỳ tôm, phở khô, bánh tráng, gia vị, cafe...); thủy sản (cá basa trắng), dệt may, da giày, đồ gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, quả vải tươi sẽ tiếp tục là điểm nhấn của tuần hàng.
Kể từ năm 2019, sau khi được phép nhập khẩu vào Nhật Bản, quả vải tươi của Việt Nam với hương thơm dịu và vị ngọt đậm đặc trưng được người dân Nhật Bản yêu thích đã được bày bán rộng rãi trên toàn hệ thống siêu thị của Aeon cùng các loại hoa quả nhiệt đới khác của Việt Nam như chuối, thanh long, xoài, dừa.
Xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiềm năng tăng mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng tháng 5/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang 5 thị trường nói trên đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái tới ba con số. Trong đó, có những thị trường tăng rất mạnh như Nga (đạt 4 triệu USD, tăng 458%), Colombia (1,9 triệu USD, tăng 230%), Mexico (6,42 triệu USD, tăng 167%)...
Tổng 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt 30,3 triệu USD (tăng 61,7%); Brazil đạt 27,2 triệu USD (tăng 65,5%); Thái Lan đạt 25,6 triệu USD (tăng 18,7%); Colombia đạt 17,9 triệu USD (tăng 65,7%) và Nga đạt 16,9 triệu USD (tăng 124,5%). Đây là những kết quả tăng trưởng rất đáng chú ý.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu của cá tra Việt Nam với giá trị đạt gần 165,5 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 26% tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong thời gian này cũng tăng mạnh khi đạt 134,2 triệu USD (tăng 55,3%). Trong đó, hai tháng gần đây liên tục tăng mạnh (tháng 4 đạt 30,3 triệu USD, tăng 136% và tháng 5 đạt 32,2 triệu USD, tăng 173,4%)…
Tính đến hết tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 637,8 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 5 đạt 148,4 triệu USD, tăng 39,3%. Với kết quả XK ngày càng tích cực hơn, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long đang cố gắng vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, vừa ổn định sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.
Xuất khẩu 25 tấn xoài tượng da xanh của Sơn La sang Australia
25 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Rồng Đỏ (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH TM&DV Trường Mai (Sơn La) thu mua, đóng gói xuất khẩu sang thị trường Australia.
Việc xuất khẩu lô xoài đầu tiên trong vụ này sang thị trường Australia khẳng định sản phẩm xoài của Sơn La đảm bảo uy tín, chất lượng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Đồng thời, giúp nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm quả xoài, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất và người tiêu dùng, tạo kết nối chặt chẽ và bền vững phát triển thương hiệu xoài Sơn La trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia…
Tỉnh Sơn La hiện có hơn 19.000 ha xoài, sản lượng ước đạt 65.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như lai ghép, tỉa cành, tạo tán, bao trái xoài, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP).
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu xoài đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Cụ thể như: Lai ghép, tỉa cành, tạo tán, bao trái xoài, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP).
Đồng thời, Sơn La xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến... Hiện, toàn tỉnh đã được cấp 71 mã số vùng trồng xoài xuất khẩu với diện tích gần 1.600 ha.
Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ, EU sôi động trở lại
Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong tháng 5 đạt 66 triệu USD, tăng 48% so với tháng 5/2020. Luỹ kế 5 tháng, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 292 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
VASEP cho biết, thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 5 rộng mở hơn với 88 thị trường trên thế giới.
Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ, đăc biệt là ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hai thị trường lớn chi phối xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng tốt, ổn định.
Tại Mỹ, việc tiêm chủng mở rộng và gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ đang là động lực để nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản, trong đó có cá ngừ, phục hồi không chỉ ở phân khúc dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, mà cả ở phân khúc bán lẻ.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng trưởng liên tục trong 3 tháng trở lại đây. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt hơn 124 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Hiện Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh, giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp. Bởi, lượng cá ngừ đóng hộp tồn kho của Mỹ còn nhiều và chi phí vận chuyển cao đang ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này.
Tại EU, hiệu ứng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước thuộc khối thị trường này.
Riêng trong tháng 5, xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng gần 75% so với cùng kỳ. Một số thị trường trong khối EU đang có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tốt như Italia tăng 121%, Đức tăng 18%, Ba Lan tăng 444%, Rumani tăng 110%, Pháp tăng 74%...
Theo VASEP, xuất khẩu 4 nhóm mặt hàng cá ngừ đều tăng trong tháng 5. Trong đó, cá ngừ đông lạnh tăng mạnh nhất 44%, thịt/philê cá ngừ tăng 28%, cá ngừ đóng hộp tăng gần 2,5% và các sản phẩm cá ngừ chế biến khác.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang mất lợi thế
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam sau khi điều chỉnh giảm nhẹ từ gần 1 tuần nay vẫn neo ở mức 478 USD/tấn, cao hơn gạo Ấn Độ 90 USD/tấn; cao hơn gạo Pakistan 70 USD/tấn; cao hơn gạo Thái Lan 55 USD/tấn.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cũng nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, bởi cạnh tranh về giá từ các thị trường có mức giá rẻ hơn, đặc biệt là từ thị trường Ấn Độ, Thái Lan, vì cho tất cả các nước xuất khẩu vào quốc gia này.
Philippines là khách hàng g⁸ạo trắng lớn nhất của Việt Nam, nhưng hiện nay xuất khẩu gạo sang thị trường này đang chững lại. Các thương nhân xuất khẩu gạo cho biết, hiện nay nhiều thương nhân ngành lúa gạo của Philippines đang xin lùi thời hạn giao hàng do lượng gạo tại quốc gia này đang tồn khá lớn.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho thấy, lượng gạo tồn trong kho của Philippines chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2021 đã lên tới 2,444 triệu tấn.
Hiện tại, giao dịch lúa gạo tại thị trường trong nước kém sôi động do xuất khẩu đang chậm lại. Mặt khác, lượng gạo tồn trong kho của các doanh nghiệp tại Việt Nam còn khá lớn, nên lượng gạo thu mua khó có thể bật tăng nếu việc xuất khẩu sang Philippines không có sự khởi sắc.