3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang Mỹ chiếm 21,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước. (Nguồn: ocop.gov.vn) |
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, cao nhất trong 10 năm
Ngày 29/4, Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất siêu 1,29 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,21 tỷ USD.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%.
Trong 4 tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 35,69 tỷ USD, tăng 24,8% khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,92 tỷ USD, tăng 34,2%.
Trong 4 tháng đầu năm 2021 có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch hơn một tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Hàng Việt vào Mỹ tăng 50%
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%.
Thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; thị trường ASEAN đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%;
Thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; Mỹ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ tăng trưởng tích cực
Thị phần nhiều loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Mỹ những tháng đầu năm 2021 tăng mạnh. Sự cải thiện về chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu là yếu tố quan trọng giúp sự hiện diện của nông, lâm, thủy sản Việt Nam ngày càng khởi sắc tại thị trường này.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cho biết, 2 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu 272,62 nghìn tấn cao su, trị giá 514,32 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 10 cho Mỹ, đạt 8,45 nghìn tấn, trị giá 14,64 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ chiếm 3,1%, tăng nhẹ so với mức 2,49% của 2 tháng đầu năm 2020.
Cùng với cao su, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng. Trong 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt điều của Mỹ từ Việt Nam đạt 22,2 nghìn tấn, trị giá 135 triệu USD, tăng 7,4% về lượng, nhưng giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 84,75% trong 2 tháng đầu năm 2020, lên 89,23% trong 2 tháng đầu năm 2021.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ đứng thứ 2 (sau Trung Quốc), với kim ngạch 23,4 triệu USD, chiếm 4,2% thị phần, tăng 3,7%.
Xuất khẩu cà phê sang Mỹ tăng 7,2%; xuất khẩu điều của Việt Nam sang Mỹ chiếm 21,5%; xuất khẩu thủy sản đạt gần 189,15 triệu USD, chiếm 18,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020...
Riêng đối với mặt hàng gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cập nhật số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, quý I/2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 2,29 tỷ USD, tăng tới 77,02% so với cùng kỳ năm ngoái; chiếm tới 61% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của toàn ngành (tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2020 đạt 50%).
Doanh nghiệp không mặn mà với ô tô cũ nhập khẩu theo hạn ngạch CPTPP
Bộ Công Thương cho biết, lượng hạn ngạch thuế quan ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu năm 2021 theo cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có 72 xe; trong đó có 36 xe dung tích động cơ trên 3.000 cm3 và 36 xe có dung tích động cơ từ 3.000 cm3 trở xuống.
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá từ ngày 8 đến ngày 24/3/2021 và thời gian tổ chức đấu giá vào ngày 5/4/2021. Tuy nhiên, do quá thời hạn nộp hồ sơ vào tháng 3 nhưng không có doanh nghiệp nào tham gia nên Bộ không tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng này.
Liên quan đến việc doanh nghiệp không mặn mà đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo CPTPP, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, có nhiều điều kiện doanh nghiệp không đáp ứng được từ Thông tư 04 của Bộ Công Thương và Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô của Chính phủ.
Doanh nghiệp 'méo mặt' vì giá thép leo cao
Giá thép liên tục tăng cao từ cuối năm ngoái, khiến cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng "kêu trời", song vấn đề giá cả này lại khó có thể được giải quyết khi nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mặt hàng này đang bị phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.
Theo Lao động, Ban Quản lý xây dựng Công ty AZ Thăng Long cho biết, thời gian này, giá thép tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp xây dựng “méo mặt”. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá thép phi 6 Việt Mỹ phục vụ cho công trình xây thô chỉ 3,5 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 4 triệu đồng/m2.
Theo ông Tùng, thời điểm này, không những giá thép tăng cao mà việc nhập thép cũng rất khó khăn, có dấu hiệu ghim hàng. Một số nhà máy sản xuất thép không nhận đơn đặt hàng hoặc nếu có đơn thì số lượng cũng ít hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán rất nhiều.
Theo PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giá thép Việt Nam tăng mạnh chủ yếu do thiếu cân đối trong vấn đề sản xuất, đối ứng cung - cầu thép. Sau thời điểm “ế” từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì đến nửa sau năm 2020, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều công trình xây dựng trở lại, nguồn cầu về thép tăng cao dẫn đến hàng bị khan hiếm. Kết hợp với giá dầu thế giới tăng trở lại, đẩy giá thép tăng cao.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá thép tăng cao chỉ mang tính cục bộ, 6 tháng tới thì cung - cầu sẽ điều tiết lại.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào cao. Cùng kỳ năm ngoái, giá quặng là 90 USD/tấn, nhưng hiện nay giá quặng đã lên 193 USD/tấn.
Trong khi đó, nhu cầu hiện hữu rơi vào khoảng 15 triệu tấn quặng sắt mỗi năm nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Hay giá thép phế, trước đó là 260 USD/tấn, đến nay đã rơi vào khoảng 430 USD/tấn.
Ông Thành phân tích: "Thực tế, Việt Nam đang rất lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Trong nước, với thép chế tạo, Fomasa sản xuất được 3,5 - 4,5 triệu tấn, Hoà Phát sản xuất được 600 ngàn tấn. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn thép mỗi năm. Điều này dẫn đến việc giá thép leo cao".