Thanh long là trái cây xuất khẩu được thị trường Australia ưa chuộng. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia?
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam-Australia trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)” diễn ra sáng nay 30/3 tại Hà Nội, ông Vũ Huy Phúc - Phó trưởng bộ môn nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông tin, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 845 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân 9%/năm trong giai đoạn 2009 - 2022. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là sản phẩm thuỷ sản, tiếp đến là các mặt hàng rau quả cũng tăng mạnh nhờ mở cửa thị trường. Tuy nhiên, một số sản phẩm hạt điều, tiêu, cà phê, gỗ giảm nhẹ trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều nông sản từ Australia. Tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam từ Australia năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Australia 32,6%/năm (giai đoạn 2009 - 2022).
Cộng đồng người Việt tại Australia lớn. Nhu cầu của người dân Australia với các sản phẩm của Việt Nam ngày càng lớn (trái cây, gia vị…). Australia là một nền kinh tế mở, cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Việt Nam và Australia cùng là thành viên của nhiều FTA song phương và đa phương. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Australia.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông sản của Việt Nam chủ yếu nhỏ, lẻ. Khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu yêu cầu chất lượng rất cao. Mặt khác, tình trạng tồn dư hoá chất trong các lô hàng xuất khẩu vẫn diễn ra. Chi phí logistic của Việt Nam lớn so với các nước trong khu vực. Nông sản Việt chưa chú trọng vào thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối của Australia,… Đây đang là những thách thức không nhỏ đối với nông sản của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này.
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, ông Vũ Huy Phúc nêu quan điểm, việc tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng tại Australia là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi. Hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản xuất khẩu sang Australia. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước. Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản.
Thương mại các sản phẩm nông sản giữa Việt Nam và Australia có xu hướng tăng trưởng cao. Cơ cấu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Australia có sự chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến. Chất lượng hàng nông sản của Việt Nam tại thị trường Australia đang được cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Australia còn thấp. Sự đa dạng mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường Australia và ngược lại chưa nhiều.
Nông sản Việt Nam và Australia vừa bổ trợ, vừa tương đồng nhau. PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng, Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội – nhận định, để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia, cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin về các FTA và lợi ích ngoài thuế quan của các FTA. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin về thị trường Australia, việc này không chỉ hướng đến các nhà xuất khẩu và chế biến nông sản, mà cần hướng tới cả những người trồng nông sản.
Về phía các doanh nghiệp, cần chú ý hơn đến các sản phẩm nông sản đông lạnh và nghiên cứu để xuất khẩu các sản phẩm trái cây đông lạnh vì đây là những sản phẩm không bị ràng buộc bởi giấy phép xuất khẩu....
Thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với những nước nào?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, sản xuất trong quý I/2023 có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm mạnh ở những tháng đầu năm. Tổng sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt hơn 703.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai mặt hàng thủy sản có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất là tôm và cá tra cũng đang gặp nhiều khó khăn khi các nước nhập khẩu áp dụng nhiều chính sách mới. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hạn ngạch, thuế đang "cản đường" xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc.
VASEP cho hay, Hàn Quốc chiếm 14% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, EU và Nhật Bản. Mỗi năm Hàn Quốc nhập khẩu trên 50.000 tấn tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang thị trường này đang thực hiện theo cơ chế hạn ngạch, nếu ngoài hạn ngạch, thì mức thuế nhập khẩu có thể lên tới 20%.
Số liệu của VASEP cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 46 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc những tháng đầu năm nay đi theo xu hướng giảm chung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng, sức mua giảm.
Theo VASEP, sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị vướng quy định về hạn ngạch. Đó là Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua hạn ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14-16% giá trị nhập khẩu.
Nếu ngoài quota thì mức thuế nhập khẩu là 20%. Như vậy, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hàn Quốc chịu mức thuế 14-20%. Đây là một bất lợi lớn và làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc.
Đối với thị trường Mỹ, có chiều hướng sụt giảm từ quý 4/2022 và tiếp đà giảm sâu trong 2 tháng đầu năm nay. Đến nay, Mỹ chỉ còn chiếm 14,5% tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng vẫn giữ vị trí thị trường nhập khẩu số 1.
Tính đến hết tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 155 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tôm chiếm 37%, cá ngừ chiếm 23%, cá tra chiếm 17% và các mặt hàng cá biển khác chiếm 15%.
Còn đối với thị trường Trung Quốc, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi 2 đối thủ là Ecuador và Ấn Độ, khi hai nước này chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc.
Theo VASEP, thế mạnh của Ecuador và Ấn Độ là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Không chỉ tôm, đối với các mặt hàng thủy hải sản khác, như các loài cá biển, mực, bạch tuộc... Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và các thương gia thủy sản từ các nước khác.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ phục hồi trở lại sau quý 1/2023.
Mỹ giữ vững "ngôi vương" thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam quý I/2023
Số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ vẫn giữ vững "ngôi vương" thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam quý I/2023. (Nguồn: VnEconomy) |
Xét về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
Cả nước có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số đó, có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác; dệt may.
Xét về cơ cấu hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến có tỷ lệ cao nhất, chiếm 88,7% tổng kim ngạch. Tiếp đến là nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản là 2,3% và nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Về cơ cấu hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất có kim ngạch nhập khẩu cao nhất, ước đạt 70,22 tỉ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch. Tiếp đến là nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng, ước đạt 4,88 tỷ USD, chiếm 6,5%.