📞

Xuất khẩu ngày 28/2-4/3: Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng gì đến xuất nhập khẩu? Việt Nam lần đầu chiếm 10% thị phần giày xuất khẩu thế giới

Vân Chi 11:40 | 04/03/2022
Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng gì đến xuất nhập khẩu?; ách tắc hàng hóa lại tái diễn ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn; Việt Nam lần đầu chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 28/2-4/3.

Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng gì đến xuất nhập khẩu?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có những đánh giá về tác động của chiến sự Nga - Ukraine đến tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp sang hai thị trường Nga và Ukraine.

Theo Bộ NN&PTNT, xung đột Nga - Ukraine, các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây và các phản ứng từ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài, đặc biệt là các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Điều đáng lo ngại là các hãng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga, khiến chi phí vận chuyển tăng.

Thủy sản là mặt hàng có giá trị xuất khẩu đáng kể của Việt Nam sang Nga. (Nguồn: VnBusiness)

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt 550 triệu USD vào năm 2021, trong đó một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu đáng kể như thủy sản (164 triệu USD, chiếm 3%), cà phê (173 triệu USD, chiếm 6%), tiêu, điều (60 triệu USD, chiếm 2%).

"Khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác", Bộ NN&PTNT cho biết.

Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mì (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mì), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi; phân bón (10% tổng nhập khẩu phân bón).

Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm nhà cung ứng từ các nơi khác như Australia, Nam Mỹ, Nam Phi.

Quan trọng hơn là sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu.

Để khắc phục, trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ làm việc với các hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam để bàn giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine.

Làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước.

Lạng Sơn: Ách tắc hàng hóa lại tái diễn

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng 2/3, ở các cửa khẩu ở tỉnh còn tồn hơn 1.493 xe hàng, trong đó hoa quả tươi chiếm khoảng gần 70%.

Trước đó, để giải quyết sự tồn ứ hàng ở biên giới, Lạng Sơn bàn bạc, thống nhất với phía Trung Quốc thí điểm áp dụng 2 phương thức giao nhận hàngtại cửa khẩu Hữu Nghị (từ ngày 1/3) và Tân Thanh (từ ngày 22/2).

Ngay từ ngày đầu tiên áp dụng thí điểm, tại hai cửa khẩu trên đã xảy ra những va chạm, không đồng thuận giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các đơn vị chức năng địa phương dẫn đến việc ùn ứ, ách tắc xảy ra.

Tại Tân Thanh, ngày 22/2 mới xuất được 9 xe, ngày hôm sau được 19 xe và duy trì ở mức trên dưới 20 xe/ngày cho đến ngày hôm nay (chỉ bằng 1/8 so với trước đây). Tại cửa khẩu Hữu Nghị (ngày 1/3), chỉ xuất được 2 xe hàng; ngày 2/3 không xuất được xe nào, đến sáng nay (3/3), mới có 1 xe làm thủ tục thông quan.

Nguyên nhân được xác định là do các doanh nghiệp không đồng tình với việc phải thuê xe đầu kéo “đội chuyên trách” của các đơn vị bến bãi với giá khoảng 3-4 triệu đồng/chuyến để trung chuyển container qua cửa khẩu.

Chưa hết, khi hàng sang đến bãi chờ tại Trung Quốc cắt container, thêm một lần nữa doanh nghiệp lại phải trả phí 2.500 NDT/lượt (khoảng 9 triệu đồng Việt Nam); khiến chi phí bị đội lên quá nhiều.

Một khó khăn khác là khi doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục thông quan để chờ xe đầu kéo mang hàng sang Trung Quốc phải chờ đợi rất lâu vì “đội lái xe chuyên trách” có nhiều người bị nhiễm Covid-19, đang bị cách ly. Việc chậm trễ này cũng gây những bức xúc cho doanh nghiệp, người dân.

Tiếp nhận thông tin này, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm xử lý ngay những phát sinh khi áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu mới. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai ngay các giải pháp nâng cao hiệu suất thông quan; giảm thiểu thời gian thao tác khi thực hiện cắt container; tăng cường giám sát hoạt động của đội lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu và bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Việc thay đổi, thích ứng linh hoạt các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu khó tránh khỏi phát sinh những vướng mắc. Tỉnh Lạng Sơn cam kết lắng nghe và giải quyết có tình, có lý những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân với mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm đạt 8 tỉ USD

Theo NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 14,2 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, về xuất khẩu tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,3 tỉ USD. Lũy kế 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỉ USD, so với cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt khoảng 6,3 tỉ USD.

2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỉ USD. (Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỉ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, thủy sản đạt gần 1,5 tỉ USD, lâm sản chính đạt gần 2,9 tỉ USD.

Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh gồm cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, thịt, phụ phẩm thịt, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, mây tre, cói…

Về thị trường xuất khẩu, châu Á và châu Mỹ là 2 thị trường chiếm tỉ trọng lớn nhất khi chiếm tới 70%, tiếp đến là châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.

Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt trên 2,3 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,9% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 1,3 tỉ USD với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm tới 33,3% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Như vậy có sự thay đổi về thứ hạng mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc, từ nhiều năm nay rau quả luôn là mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.

Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 2 tháng ước trên 6,2 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng đầu là thị trường Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 607 triệu USD. Tiếp theo là Argentina đạt khoảng 564 triệu USD.

Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Czech…

Giá than thế giới tăng vọt, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than năm nay

Năm nay, Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc được xuất khẩu 2,03 triệu tấn than.

Kế hoạch xuất khẩu than năm 2022 vừa được Bộ Công Thương gửi hai doanh nghiệp này. Chủng loại than xuất khẩu là than cục và than cám (loại 1, 2 và 3).

Theo đó, TKV được xuất khẩu tối đa 2 triệu tấn than, trong đó 60% là than cám (tương đương 1,2 triệu tấn), còn lại là 800.000 tấn than cục. Còn Tổng công ty Đông Bắc được xuất khẩu tối đa 30.000 tấn than cục.

Như vậy, tổng lượng than xuất khẩu của hai doanh nghiệp này năm nay tăng gần nửa triệu tấn so với năm 2021.

Bộ Công Thương lưu ý, việc xuất khẩu than không được ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu phục vụ tiêu thụ, sản xuất trong nước. Ngoài ra, việc xuất khẩu này phải đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với bán trong nước và tối đa lợi ích kinh tế cho nhà nước, doanh nghiệp.

Giá than trên thị trường thế giới đang tăng nhanh chóng. Ngày 3/3, hợp đồng tương lai với than nhiệt chất lượng cao tại châu Á đã tăng lên 446 USD một tấn, mức cao nhất từ năm 2008.

Lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga và một số nguyên nhân khác như quyết định cấm xuất khẩu than của Indonesia vào tháng 1, hay thiếu lao động ở Trung Quốc... là những nguyên do khiến giá than thế giới tăng vọt.

Việt Nam lần đầu chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu

Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 (World Footwear Yearbook 2021) vừa được công bố, lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu.

Theo trang tin chuyên về ngành da giày của Đức Schoez.biz ngày 2/3 cho biết trong khi tỷ trọng xuất khẩu giày dép toàn cầu của Trung Quốc giảm 12% trong thập kỷ qua, từ 73,1% năm 2011 xuống 61,1% năm 2020, thị phần của Việt Nam đã tăng từ 2% lên 10,2% trong cùng thời gian trên.

Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty Hồng An, tỉnh Hòa Bình. (Nguồn: TTXVN)

Tổng cộng, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020 và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu da giày. Số liệu này vừa được Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha APICCAPS công bố trong Niên giám Da giày thế giới năm 2021.

Đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu là Trung Quốc với tổng số 7,4 tỷ đôi giày xuất khẩu trong năm 2020. Sau Việt Nam, Indonesia đứng ở vị trí thứ ba, với 366 triệu đôi giày xuất khẩu, chiếm 3% (từ mức 1,6% thập kỷ trước) thị phần giày xuất khẩu toàn cầu, tiếp đến là Đức với 2,5% và Thổ Nhĩ Kỳ 2,3%.

Đức đã vượt qua Bỉ và Italy để trở thành nhà xuất khẩu giày lớn nhất châu Âu trong 10 năm qua.

Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi giá trị quốc tế, dẫn đến giảm tỷ trọng sản xuất xuất khẩu từ 62% xuống 59%. Tổng cộng, khoảng 12,1 tỷ đôi được xuất khẩu trên toàn thế giới trong năm 2020.

Cũng như những năm trước, châu Á là nơi xuất khẩu của hầu hết số giày dép xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020, song tỷ trọng trong lượng xuất khẩu toàn cầu đã giảm dần trong thập kỷ qua và năm 2020 không phải là ngoại lệ. Châu Âu là châu lục duy nhất có tỷ trọng trong toàn cầu tăng gần 4% kể từ năm 2011.

Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ lớn nhất với 3,9 tỷ đôi giày (chiếm 20,8%), tiếp đến là Ấn Độ 2 tỷ đôi (chiếm 10,6%), Mỹ 1,8 tỷ đôi (chiếm 9,6%), Indonesia 821 triệu đôi (chiếm 4,3%), Brazil 3,6% và Đức 2%.

Niên giám Da giày thế giới do APICCAPS công bố hàng năm, là báo cáo toàn diện phân tích các xu hướng chính trong lĩnh vực giày dép trên toàn thế giới nhằm phân tích vị trí của các quốc gia liên quan trong ngành da giày theo các thông số khác nhau như sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu dùng.

(tổng hợp)