Giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA đạt 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA là 9,25 tỷ USD. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Hàng Việt xuất sang Trung Quốc, EU, Hàn Quốc... hưởng ưu đãi thuế cao theo FTA
Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2021 vừa được Bộ Công Thương công bố đạt 69,08 tỷ USD, chiếm 32,66% trên 211,50 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA.
Theo công bố này, năm 2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 1.232.703 bộ C/O ưu đãi với trị giá 69,08 tỷ USD, tăng 24,33% về trị giá và 23,34% về số lượng C/O so với năm 2020.
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 32,66% cùng với tốc độ tăng trưởng 24,33% cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt trong thời điểm hai năm 2020 - 2021, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 32,66% không có nghĩa là 67% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao.
Một trong những nguyên nhân là thuế nhập khẩu MFN tại một số thị trường như Singapore đã là 0% nên hàng hóa không cần phải có C/O ưu đãi mới được hưởng mức thuế 0%. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore được cấp C/O ưu đãi (322,68 triệu USD) chỉ chiếm gần 8,13% trong 3,97 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước đối tác khác có thuế suất MFN ở mức thấp (1 - 2% hoặc tương đương với thuế FTA) nên nhiều thương nhân không đề nghị cấp C/O. Ví dụ: Australia và New Zealand đã áp thuế MFN 0% đối với nhiều mặt hàng thủy sản, do đó mặt hàng thủy sản của Việt Nam không cần C/O khi xuất khẩu sang thị trường hai nước này.
Hơn nữa, theo lộ trình giảm thuế FTA, một số mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm cao, danh mục loại trừ hoặc lộ trình giảm thuế dài nên dù có C/O thì cũng không được hưởng thuế quan ưu đãi.
Trong cơ cấu ngành hàng năm 2021, mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD, giảm nhẹ 2,78% so với năm 2020.
Nhựa và cao su là các nhóm sản phẩm đứng thứ hai với tỷ lệ sử dụng lần lượt 69,02% và 67,37% với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 2,87 tỷ USD và 2,38 tỷ USD, tăng tương ứng 33,25% và 30,42% so với năm 2020.
Tiếp đó là sản phẩm dệt may với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 9,14 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 59,90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này (hơn 15,26 tỷ USD) sang các thị trường có FTA và tăng 13,35% so với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi của mặt hàng này năm 2020.
Nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản có tỷ lệ sử dụng ưu đãi tương đối tốt như thủy sản (66,34%), rau quả (65,16%), chè (47,35%) và hạt tiêu (42,03%).
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, về kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi theo thị trường, Trung Quốc dẫn đầu với C/O mẫu E cấp cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường này trị giá hơn 18,9 tỷ USD. Tiếp đó là C/O mẫu EUR.1 với 8,1 tỷ USD cấp cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. C/O mẫu AK/VK và mẫu D đạt lần lượt gần 11,18 tỷ USD và 11,56 tỷ USD cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước ASEAN.
C/O mẫu S có kim ngạch không đáng kể và số liệu thống kê không ghi nhận việc cấp C/O mẫu X do phần lớn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia sử dụng C/O mẫu D (trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN).
Sở dĩ, tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu S (10,3%) không cao và doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O mẫu X do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp sử dụng C/O mẫu D thay cho mẫu S và X.
Ngoài ra, tỷ lệ cấp C/O mẫu CPTPP không cao, chỉ đạt 6,34% một phần do hầu hết các nước đối tác trong CPTPP đều đã có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, quy tắc xuất xứ dễ hơn và mức thuế suất ưu đãi tốt hơn so với CPTPP trong những năm đầu hiệp định này có hiệu lực.
Hồng xiêm đông lạnh Việt Nam đã tới với người tiêu dùng Australia
Ngày 30/4, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại bang New South Wales, Queensland và Nam Australia, đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức buổi quảng bá, giới thiệu hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là quả hồng xiêm đông lạnh, tới người tiêu dùng "xứ chuột túi".
Sự kiện này đồng thời cũng đánh dấu lần đầu tiên một lô hàng sản lượng lớn hồng xiêm đông lạnh Việt Nam được chính thức nhập khẩu vào thị trường Australia.
Sự kiện được tổ chức dưới hình thức quầy hàng giới thiệu sản phẩm, thực hiện tại khu chợ nông sản cuối tuần nổi tiếng của Australia là chợ Pardington Market, ở thành phố Sydney, bang New South Wales.
Tin liên quan |
Sau nhãn, xoài, thành long..., hồng xiêm đông lạnh Việt Nam đã tới với người tiêu dùng Australia |
Có mặt tại sự kiện, Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, Queensland và Nam Australia Nguyễn Đăng Thắng chia sẻ, cùng với việc đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở cả Việt Nam và Australia trong thời gian qua, hoạt động thông thương giữa hai nước cũng đã được nối lại và đang trên đà phát triển hết sức tích cực.
Theo Tổng lãnh sự, trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản từ Việt Nam sang Australia đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là một tín hiệu rất tốt, vì năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước cũng đã tăng trưởng vượt bậc so với năm trước đó, vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Thắng cho biết, sự kiện này là cơ hội để Tổng lãnh sự quán Việt Nam kết hợp với Cơ quan Thương vụ và doanh nghiệp giới thiệu nhiều hơn nữa hàng hóa nông sản Việt Nam, để người dân Australia có thể trải nghiệm các loại sản phẩm mới, cụ thể là quả hồng xiêm đông lạnh.
Đây là hướng đi mới trong việc tiếp thị sản phẩm của Việt Nam đối với các thị trường quan trọng, trong đó có Australia.
Gạo Việt tấp nập đơn hàng
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong các nước XK gạo. Điển hình, đầu tuần tháng 4/2022, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã tăng 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm và khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 3/2022, lên mức 415 USD/tấn - cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Trong khi đó, loại gạo này của Thái Lan hiện giao dịch ở mức 408 - 412 USD/tấn - mức giá cao nhất trong 4 tháng qua.
Bộ Công Thương lý giải, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu gạo XK từ loại phẩm cấp thấp sang cấp cao là một trong những nguyên nhân giúp giá trị XK gạo tăng nhanh chóng. Hiện, các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở các thị trường khó tính. Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước XK truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.
Đơn cử, tại khu vực Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chỉ rõ, châu Âu (EU) không tự túc được hoàn toàn gạo. Khoảng 60% nhu cầu được đáp ứng bởi sản xuất trong khu vực, khiến nhu cầu nhập khẩu của khu vực lên đến 1,8 triệu tấn gạo xay xát. Triển vọng nông nghiệp của EU giai đoạn 2020 - 2030 dự kiến, nhu cầu gạo nhập khẩu sẽ tăng đến năm 2030. Trong thập kỷ tới, nhập khẩu sẽ tăng khoảng 250.000 tấn. Đây là lý do thời gian qua, XK gạo của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.
Bên cạnh đó, kiên định mục tiêu giảm dần sản lượng và tăng giá trị XK gạo, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030".
Theo đó, Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt. Từ đó, hình thành và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, giúp thích ứng với sự thay đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người nông dân, đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, ngoài cải thiện giống và chất lượng gạo theo đúng thị hiếu, điều cần làm để tăng giá trị XK gạo bền vững là xây dựng thương hiệu. Bởi, cùng một chất lượng gạo, loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn 10 - 20%.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị cho gạo XK.
Hơn 236 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển trong 4 tháng
Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa qua cảng biển ước đạt hơn 236 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, lượng hàng hóa nội địa thông qua tăng mạnh nhất với gần 99 triệu tấn, tăng 10%.
Tàu container hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN) |
Về lượng hàng hóa container, tính trong 4 tháng, khối lượng thông qua cảng biển đạt khoảng 8 triệu TEUs, tăng 2%. Hàng container nhập khẩu có tỷ lệ tăng mạnh nhất với hơn 2,8 triệu TEUs, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
“Riêng tháng 4/2022, tổng khối lượng qua cảng biển ước khảng 59 triệu tấn, tăng 3%. Mặt hàng container ước khoảng 2 triệu TEUs, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020,” Cục Hàng hải thông tin.
Trước đó, thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, một số khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng như khu vực Quảng Ninh tăng 11%, khu vực Quảng Nam tăng 19%, khu vực Đồng Nai tăng 8%, khu vực Thanh Hóa tăng 6% (từ 9,5 triệu tấn lên 10,1 triệu tấn).
Một số khu vực cảng biển có lượng hàng giảm mạnh như khu vực Bình Thuận giảm 13%, khu vực Cần Thơ giảm 12%, khu vực Nghệ An giảm 7%, khu vực Hà Tĩnh giảm 4%. Khu vực cảng biển lớn như Vũng Tàu cũng ghi nhận mức giảm nhẹ 3%.
| Công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021; áp lực cho xuất khẩu nông sản do Trung Quốc phong tỏa các thành ... |
| Nông sản Việt chinh phục thị trường "siêu khó tính" Mỹ, xuất khẩu tôm sang EU tận hưởng lợi thế từ EVFTA, doanh nghiệp xuất ... |