Xuất khẩu ngày 3-6/8: Trung Quốc siết kiểm dịch nhập nông sản Việt. (Nguồn: VTV) |
Xuất nhập khẩu Việt Nam-Indonesia tăng trưởng mạnh
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia - thị trường lớn nhất Đông Nam Á tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,92 tỷ USD.
Hầu hết các nhóm hàng công nghiệp của Việt Nam đều đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần làm gia tăng mạnh giá trị kim ngạch xuất khẩu trong kỳ, trong đó 3 nhóm hàng có giá trị tăng trưởng xuất khẩu cao nhất cũng là những nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất.
Đó là: Máy tính điện tử có tốc độ tăng trưởng 167,3%, đạt giá trị kim ngạch 261,12 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 95,1% đạt giá trị 150,28 triệu USD; sắt thép các loại tăng 93,6% với giá trị đạt 254,06 triệu USD.
Tổng giá trị xuất khẩu của 3 nhóm hàng này đạt 665,46 triệu USD, chiếm 34,6% tổng giá trị xuất khẩu trong kỳ.
Ở chiều ngược lại, than và dầu mỡ thực vật tiếp tục là nhóm hàng nhập khẩu chính từ Indonesia trong 6 tháng đầu năm 2021 với 894,12 triệu USD, chiếm 24,7% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu từ Indonesia. Trong đó giá trị kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng than đạt 573,57 triệu USD, tăng 25,3% và nhóm dầu mỡ thực vật đạt 320,55 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia đạt 3,61 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gần 27%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt trên 53,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 24,7 tỷ USD, tăng 42,8%.
Như vậy, giá trị xuất siêu đạt khoảng 3,9 tỷ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, 7 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng trên 15%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16%.
Cũng trong 7 tháng, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế…
Về thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á chiếm 42% thị phần, tiếp đến là châu Mỹ với 31%, châu Âu 11%, châu Phi gần 2%...
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam là Mỹ với kim ngạch trên 8,2 tỷ USD, chiếm gần 29% thị phần; trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới trên 72% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản sang thị trường này.
Đứng thứ 2 là Trung Quốc với kim ngạch gần 5,5 tỷ USD, chiếm 19,2% thị phần thị trường xuất khẩu; trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới gần 27%. Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD, chiếm gần 7% thị phần.
Hải Dương mở vườn thu hái nhãn xuất khẩu sang EU
Ngày 5/8, UBND TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương phối hợp với các sở ban ngành mở vườn thu hái nhãn đạt chuẩn quốc tế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU)…
Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND TP. Chí Linh, cho biết, vụ nhãn năm 2021, Chí Linh có 740ha nhãn, sản lượng ước đạt 4.000 tấn trong đó hơn 40 ha nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Dự kiến sản lượng nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Australia, New Zealand... đạt khoảng 250 tấn.
Quả nhãn tươi Việt Nam tiếp tục được yêu thích tại nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ. (Nguồn: QĐND) |
Trong bối cảnh dịch Covid-19, TP. Chí Linh đã tập trung liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và đưa nhãn vào các cửa hàng thực phẩm, siêu thị, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến… qua các sàn thương mại điện tử như: Viettel Post, Lazada...
Hiện, nhãn Chí Linh đã chính thức được bán trên sàn thương mại điện tử voso.vn với mức giá 93.000 đồng/hộp 3 kg.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Bùi Văn Thăng cho biết, ngoài các thị trường 'thân quen' như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng,... thời gian tới, địa phương tập trung khơi thông, mở rộng, phát triển những thị trường mới, có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Riêng đối với thị trường xuất khẩu, tiếp tục duy trì ổn định và nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường đã có như Trung Quốc, Mỹ, EU, Australia, Singapore, Nhật Bản... đồng thời đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng thị trường mới.
Đại diện Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa cho biết, doanh nghiệp đang bắt đầu thu mua, sơ chế nhãn để xuất khẩu sang châu Âu trong vài ngày tới.
Dự kiến vụ nhãn năm 2021, Fusa sẽ xuất khẩu khoảng từ 20 - 30 tấn nhãn Chí Linh đến với 300 siêu thị ở Anh và các nước EU.
Trung Quốc siết kiểm dịch nhập khẩu
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản phía Bắc và phía Nam diễn ra sáng 3/8, một trong những vấn đề được nêu ra ở cuộc họp là đầu ra của trái thanh long.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT thông tin, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Riêng đối với trái Thanh Long, vừa rồi, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) có hiện tượng họ lấy mẫu trên thùng xe có phát hiện xe chở thanh long dương tính với virus SARS-CoV-2. Do đó, họ đã dừng thông quan một ngày để làm công tác khử khuẩn.
Tuy nhiên, sau việc này, việc thông quan thanh long diễn ra chậm, mỗi ngày chỉ khoảng 20 - 30 xe.
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 1 triệu tấn. Tình trạng trên ảnh hưởng ít nhiều đến xuất khẩu trái cây, đặc biệt là thanh long. Giá thanh long tại Tiền Giang nhiều nơi xuống 6.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm chưa phải thực hiện giãn cách xã hội là 25.000 - 27.000 đồng/kg, loại ngon là 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Trước đó, phía Trung Quốc cũng đã thông báo về việc cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) sẽ tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ 0h ngày 18/7 đến 24h ngày 17/8/2021. Điều đó có nghĩa, xuất khẩu trái thanh long sang Trung Quốc có thể gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Không chỉ đối với trái thanh long, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) cách đây 2 hôm phía Trung Quốc phát hiện mẫu virus SARS-CoV-2 đối với măng cụt của Việt Nam nên hiện nay đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh rất chặt.
Trung Quốc nên hiện nay tăng cường kiểm soát dịch chặt, trước đây phía Trung Quốc chỉ kiểm tra cả xe hàng, thì nay từng thùng hàng1 phải phun khử trùng, lượng hàng đi chậm. “Ngày 2/8, tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được 97 xe, giảm 60-70% so với cùng kỳ, xe tồn ở bãi lên vài trăm xe chủ yếu thanh long”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Hiện, Cục Bảo vệ Thực vật vẫn trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, để kiểm soát tình hình tốt hơn.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh. (Nguồn: quangninh.gov.vn) |
Một số mặt hàng thông thương trở lại tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái
Ngày 5/8, ông Nguyễn Tiến Nam, Phó Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, một số mặt hàng đông lạnh, bột sắn đã thông thương, tuy số lượng chưa nhiều nhưng những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu dần được tháo gỡ.
Trước đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp kiểm dịch tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Từ ngày 31/7, một số mặt hàng đông lạnh, hoa quả bị tồn đọng tại bãi kiểm hóa đầu cầu phao Đông Hưng, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.
Thời gian tới, để các mặt hàng nông sản, đông lạnh đi qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái được thông quan thuận lợi, Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam thông tin, thành phố đang đề xuất với tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa; nhanh chóng triển khai test nhanh Covid-19 cho lái xe và các hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời, có phương án đưa hàng qua Cửa khẩu Bắc Luân II, giảm giá dịch vụ kho bãi cho các xe hàng đỗ chờ thông quan.
Theo thống kê của Cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đến đầu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1.140 triệu USD, tăng 121% so với cùng kỳ, với các nhóm hàng chủ yếu như: hoa quả tươi, tinh bột sắn, hạt tiêu, hạt điều, hải sản tươi sống và đông lạnh.