Việt Nam chiếm hơn 10% hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp. (Nguồn: Fair Observer) |
Việt Nam lọt Top 4 quốc gia châu Á dẫn đầu về xuất khẩu chip vào Mỹ
Theo Bloomberg, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia nổi lên như những thị trường dẫn đầu cuộc đua xuất khẩu chip vào Mỹ trong năm, tính đến thời điểm hiện tại, khi thị trường sản xuất chất bán dẫn bắt đầu rời xa các "ông lớn" như vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục.
Nhập khẩu chip của Mỹ đã tăng 17% so với năm ngoái lên 4,86 tỷ USD trong tháng 2, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Mỹ, với châu Á chiếm 83% trong tổng số đó. Trong đó, xuất khẩu chất bán dẫn của Ấn Độ vào Mỹ tăng 34 lần lên 152 triệu USD, trong khi Campuchia đạt mức tăng trưởng ấn tượng 698%, chỉ kém Nhật Bản ở mức 166 triệu USD, con số chưa từng có trong những năm trước đây.
Việt Nam và Thái Lan, hai thị trường sản xuất chip lớn, đã tăng các giao dịch thương mại với Mỹ trong lĩnh vực này lần lượt là 75% và 62%. Đặc biệt, Việt Nam đã chiếm hơn 10% hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.
Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về việc đất nước đang phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài để sản xuất ra những con chip tiên tiến nhất.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hàng năm ở Colorado vào tháng 7: “Sự phụ thuộc của chúng ta vào chip Đài Loan là không thể kiểm soát được và không an toàn".
Số liệu tháng Hai là số liệu mới nhất cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử của quốc gia, bao gồm thông qua các động thái như việc Apple Inc. chuyển dần sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc sang những quốc gia khác, ví dụ như Ấn Độ. Malaysia, một thành trì truyền thống về đóng gói chip, vẫn dẫn đầu về nhập khẩu của Mỹ nhưng thị phần đã giảm xuống 20% trên tổng số trong tháng 2.
FTA Việt Nam - Isarel "tiếp nhiên liệu" cho ngành Thủy sản
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ cuối năm 2022 và đặc biệt là trong quý I/2023, xuất khẩu thủy sản đã có xu hướng chững lại và giảm mạnh.
Cụ thể, theo các thống kê của VASEP, tính đến hết quý I/2023 xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Ghi nhận từ các doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm này đều đang rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm do sức cầu từ các thị trường lớn, truyền thống đều đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Dự báo thủy sản xuất khẩu sẽ còn tiếp tục khó khăn và các doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì hoạt động.
Do đó, việc Bộ Công Thương hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Israel vào ngày 2/4 vừa qua rất có ý nghĩa với doanh nghiệp thủy sản.
Phân tích cụ thể, ông Hòe cho biết, hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Các thống kê cho thấy, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra… Trong đó, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
“Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế, dù FTA Việt Nam - Isarel chỉ mới ký kết nhưng theo lộ trình như các FTA khác thì thuế quan sẽ dần giảm về 0%. Việc này sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, giúp họ có thời gian chuẩn bị và có ưu thế hơn so với các đối thủ do họ chưa có FTA với quốc gia này”- ông Hòe đánh giá.
Cũng theo ông Hòe, không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam - Israel được ký kết còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
“Theo chúng tôi được biết, quy mô dân số của Israel chỉ khoảng 9,3 triệu người nhưng đây lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Chính vì vậy, Israel có vị thế là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam ở khu vực Trung Đông”- ông Hòe nói thêm.
Liên quan đến những “hành trang” cần chuẩn bị cho doanh nghiệp thủy sản để thâm nhập thị trường Isarel, ông Hòe cho biết, do thị Hiệp định chỉ mới vừa ký kết nên VASEP sẽ cần thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để phổ biến tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã tận dụng được từ các FTA khác như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…, VASEP tin tưởng các doanh nghiệp thủy sản sẽ tận dụng được lợi thế từ FTA với Isarel.
Một loại lá cây Việt bất ngờ "đắt khách"
Xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi kim ngạch tăng mạnh. Đáng nói, xuất khẩu lá cây nguyệt quế trong tháng 2/2023 tăng đột biến 5.083,3%.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 3 năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một trong số ít nhóm hàng của ngành nông nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực lao dốc.
Lá nguyệt quế tỏa ra mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu, có tác dụng giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng,... Loại lá này còn được sử dụng làm gia vị chế biến. (Nguồn: Vietnamnet) |
Về các chủng loạt hàng rau quả xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay, thống kê cho thấy, mặt hàng lá câyxuất khẩu chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng riêng tháng 2/2023 lại ghi nhận mức tăng 38,3% so với tháng 2/2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu lá tre tháng 2/2023 tăng đột biến 1.150% so tháng 2/2022. Còn tính đến hết tháng 2 năm nay, xuất khẩu loại lá này tăng 302,4% so với cùng kỳ năm trước đó.
Mặt hàng lá cây nguyệt quế ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2023 tăng kỷ lục 5.083,3% (gấp gần 52 lần) so với tháng 2 năm ngoái. Cộng dồn hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu lá nguyệt quế tăng 906% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, xuất khẩu rau quả trong hai tháng đầu năm 2023 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, tháng 2/2023, một số loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến so với cùng kỳ như: sầu riêng tăng 589%; mít tăng 150%, dưa hấu tăng gần 123%, xoài tăng 59,8%...
Trong hai tháng đầu năm nay, sản phẩm rau quả chế biến tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 2/2023, chanh leo chế biến xuất khẩu tăng 238%, hạt dẻ cười tăng 298,6%, xoài tăng 93,3%, dừa tăng 40,9%...
Mặt hàng rau củ, hoa xuất khẩu trong tháng 2 vừa qua cũng tăng lần lượt 40% và 38,3% so với tháng 2/2022. Tính đến hết tháng 2 năm nay, kim ngạch hai mặt hàng này chỉ tăng 4,7% và 15,1% so với cùng kỳ năm 2022.