Hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng; xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn. (Nguồn: Báo Bình Dương) |
Tăng tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt nhờ các FTA
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 4/6, báo cáo nhanh về nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Công Thương tại Kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, những năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết và khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Đến nay, Việt Nam có 16 FTA đã đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác (hầu hết là những nền kinh tế lớn), phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế, với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.
Việc khai thác có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng; xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài...
Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng được tỷ trọng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định để cạnh tranh với hàng của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi, các Hiệp định FTA, phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định mới ở những khu vực còn nhiều tiềm năng. Hỗ trợ thông tin, cảnh báo, hướng dẫn doanh nghiệp có thể ứng phó với những vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài một cách hiệu quả…
Một loại gia vị Việt Nam rất được Ấn Độ ưa chuộng
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 5 đạt 1.560 tấn với trị giá khoảng 7,2 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng trước đó. Ấn Độ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hoa hồi lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 61% sản lượng xuất khẩu với 951 tấn. Prosi Thăng Long và Tuấn Minh là 2 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong tháng 5 với 241 tấn và 101 tấn.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.475 tấn hoa hồi với kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 29,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất chiếm 19,4% thị phần với 1.064 tấn. Theo sau là các doanh nghiệp Tuấn Minh 300 tấn, Nedspice Việt Nam 277 tấn, Senspices 216 tấn và Hồng Sơn Việt Nam với 195 tấn.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.475 tấn hoa hồi với kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 triệu USD. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Về các thị trường xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm, Ấn Độ vẫn là khách hàng lớn nhất với 3.360 tấn, tiếp đến là Mỹ với 399 tấn, Bangladesh với 140 tấn.
Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi.
Quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Mặt khác, lợi thế để xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi. Nước ta có diện tích trồng hồi khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu gia vị với vị trí đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
5 tháng thu về 6,1 tỷ USD nhưng ngành này vẫn tiếp tục gặp khó
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong tháng 5/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,25 tỷ USD, giảm 8% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 18,1% so với tháng 5/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 812 triệu USD, giảm 13,5% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 5,9% so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,16 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường gỗ đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 61,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 như: Dăm gỗ đạt 851,4 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là gỗ, ván và ván sàn đạt 621,4 triệu USD, tăng 23,9%; gỗ viên nén đạt 233,3 triệu USD, tăng 9,8%...
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, tăng trưởng xuất khẩu gỗ mới chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp Việt Nam đơn hàng khá yếu, công suất hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chỉ đạt khoảng 40-70%. Đơn hàng ngắn, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi đó, các đối tác khách hàng lại đặt vấn đề giảm giá. Việc này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với khó khăn kép.
Không chỉ ngành gỗ nội thất, ngành ván ép cũng đang đối diện với khó khăn tại thị trường Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Văn Đông - Thư ký chi hội Gỗ dán Việt Nam – thông tin, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu ván ép vào thị trường Hoa Kỳ, đa phần gặp khó, do giá thành xuống quá thấp.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, sức mua yếu khiến chính các nhà bán hàng tại thị trường Hoa Kỳ cạnh tranh nhau mua và bán, để có giá tốt nhất để bán. Do đó, họ yêu cầu các nhà bán hàng phải giảm giá.
Vì sao giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng cao nhất lịch sử?
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 5/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 95 nghìn tấn, trị giá 400 triệu USD, giảm 37,5% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 4/2024; giảm 36,5% về lượng, nhưng tăng 3,9% về trị giá so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 833 nghìn tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng, nhưng tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, tháng 5/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 4.208 USD/tấn, tăng 11,7% so với tháng 4/2024 và tăng 63,6% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong tháng 5, các doanh nghiệp xuất khẩu được 71.569 tấn cà phê nhân Robusta, với đơn giá 3.920 USD/tấn và 6.831 tấn cà phê Arabica, đơn giá 3.888 USD/tấn, Như vậy, giá cà phê Arabica xuất khẩu thấp hơn Robusta tới 32 USD/tấn.
Với sự bứt phá của giá cà phê Robusta xuất khẩu, đây được xem là điều chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm của ngành cà phê thế giới. (Nguồn: VICOFA) |
Trước đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê. Trong đó, Robusta là chủng loại cà phê xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, lượng đạt xấp xỉ 650,57 nghìn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 58,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta chiếm 82,17% tổng lượng và chiếm 82,15% tổng kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2024. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu cà phê Robusta đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng của ngành.
Về giá, 4 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta của Việt Nam đạt mức 3.157 USD/tấn, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang tất cả các thị trường lớn tăng mạnh. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang Đức tăng 50,4%, đạt mức 3.211 USD/ tấn; Italia tăng 59,2%, đạt mức 3.085 USD/tấn; Tây Ban Nha tăng 135,8%, đạt mức 3.164 USD/tấn…
Với sự bứt phá của giá cà phê Robusta xuất khẩu, đây được xem là điều chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm của ngành cà phê thế giới. Trước đó, tại niên vụ cà phê (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau) 2021 - 2022, giá cà phê Robusta xuất khẩu bình quân là 1.980 USD/tấn, cà phê Arabica là 4.333 USD/tấn (gấp gần 2,2 lần).
Nguyên nhân của sự đổi ngôi này là theo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, do trước đây, các nhà rang xay, chế biến dần thay đổi công thức sử dụng nguyên liệu cà phê Robusta nhiều hơn vì giá rẻ, lợi nhuận nhiều hơn. Khi Robusta được sử dụng nhiều mà nguồn cung bị hụt nên giá tăng trong khi công thức rang xay, chế biến không thể thay đổi một chiều.
Theo các chuyên gia trong ngành, Arabica và Robusta là hai dòng cà phê chính trong pha chế. Mỗi loại có một hương vị đặc trưng riêng, một mùi thơm riêng. Cà phê Arabica hay còn gọi là cà phê chè. Đây là loại đồ uống ưa thích của người dân phương Tây, một phần vì vị nhẹ nhàng, không bị đắng gắt, phần vì mùi thơm đặc trưng quyến rũ của nó. Hàm lượng cafein từ 0,9 - 1,7%, nên uống khá nhẹ chỉ giữ tinh thần tỉnh táo chứ không đến mức tăng nhịp tim. Arabica có vị đặc trưng là chua thanh và đắng nhẹ.