Năm 2023, "át chủ bài" FTA thế hệ mới có phát huy lợi thế?
Triển vọng xuất khẩu năm 2023 đang vô cùng sáng sủa khi Việt Nam đang nắm giữ con “át chủ bài” là hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Thực tế cho thấy, các khu vực thị trường FTA mới đã tạo cơ hội gia tăng giá trị cho nhiều loại hàng hoá tiêu dùng có thế mạnh của Việt Nam. Và bản thân Việt Nam đã tận dụng được nhiều lợi thế từ các hiệp định này.
Đơn cử, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các nước đã ký CPTPP đã tăng mạnh, khoảng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng với 45 tỷ USD. Riêng mặt hàng dệt may xuất khẩu sang Canada tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang 4 thị trường khu vực châu Mỹ trong CPTPP (gồm Canada, Mexico, Peru, Chile) đã chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, Việt Nam mới chỉ có FTA song phương với Chile (từ năm 2014). Nhờ vào lợi thế ưu đãi thuế quan từ hiệp định CPTPP đã đem lại nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt khai thác xuất khẩu sang các thị trường mới này.
Các FTA thế hệ mới đang là con "át chủ bài" của xuất khẩu Việt Nam. (Nguồn: Báo Hải quan) |
Với Hiệp thương mại thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt tăng trưởng cao, ở mức 2 chữ số.
Trong đó, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng rất tốt, cho giá trị cao như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… và đã có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá: Trong năm Quý Mão 2023, nền kinh tế nước ta nói chung và ngành công thương nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới có xu hướng tăng chậm lại, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng và lương thực vẫn chưa thể kết thúc sớm; bảo hộ mậu dịch, căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.
Đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine kéo dài sẽ khiến cho nguồn cung và giá cả năng lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sức ép lạm phát, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; việc tiếp cận thị trường và nguồn vốn của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn…
Dù vậy, việc Việt Nam tham gia vào mạnh mẽ các Hiệp định thương mại (FTA) trong giai đoạn vừa qua là hết sức đúng đắn, bảo đảm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) hay UKVFTA đã giúp duy trì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đồng thời hạn chế phần nào những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến thương mại và kinh tế của đất nước.
Có thể nhận định việc thực thi các FTA của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2023, đặc biệt là ở các thị trường được đánh giá là còn tiềm năng và dư địa tận dụng FTA cho Việt Nam do tỉ lệ thị phần của ta trong nhiều ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu còn thấp.
Đơn cử, Liên minh châu Âu với các ngành như thủy sản, gạo, dệt may, giày dép, rau quả tươi, rau củ quả chế biến (tỉ lệ thị phần các mặt hàng này của ta mới chỉ đạt lần lượt 4,2%, 2,7%, 3,8%, 20% và 2,7%) hay tương tự là Canada và Mexico với các ngành thủy sản, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ.
"Tôi tin rằng các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chung tay để các FTA tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ta, sự tăng trưởng của nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Việt Nam lọt top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn trên thế giới
Thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, năm 2021, tổng nhu cầu gỗ dán toàn cầu khoảng gần 40 tỷ USD, tương đương với khoảng trên 105 triệu m3. 11 tháng năm 2022, ghi nhận chưa đầy đủ, tổng nhu cầu thị trường toàn cầu đạt khoảng trên 28 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2021 do những yếu tố bất ổn về tình hình kinh tế - xã hội thế giới.
Trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ dán hàng đầu gồm Trung Quốc (5,89 tỷ USD); Indonesia (2,51 tỷ USD); Nga (1,9 tỷ USD); Brazil (1,2 tỷ USD); Việt Nam (1,1 tỷ USD). Các thị trường nhập khẩu gỗ dán lớn như: Hoa Kỳ (4,5 tỷ USD); Nhật Bản (1,58 tỷ USD); Đức (1,1 tỷ USD); Hàn Quốc (0,84 tỷ USD); Anh (0,8 tỷ USD).
Theo ITC, từ năm 2018 trở lại đây, Việt Nam đứng trong Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn, giá trị xuất khẩu tăng từ 774 triệu năm 2018 lên 1,2 tỷ USD năm 2021 và 1,1 tỷ vào năm 2022.
Hiện, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản là các thị trường chính tiêu thụ gỗ dán của Việt Nam. Theo ông Vũ Quang Huy - Chi hội trưởng Chi hội gỗ dán Việt Nam, lạm phát tăng cao, niềm tin tiêu dùng thấp khiến hai thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu) và Hàn Quốc (chiếm 24% giá trị xuất) giảm nhập khẩu từ tháng 7/2022 và tới quý III/2022 tất cả các nhà nhập khẩu mua hàng đều dừng đơn hàng.
Thêm vào đó, cuối quý III/2022 vụ kiện chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có những diễn biến mới đã ảnh hưởng đến toàn ngành gỗ dán xuất khẩu đi thị trường này. Tiếp đó là mặt hàng tủ bếp bị DOC khởi xướng điều tra đã tác động đến toàn bộ ngành tủ bếp của Việt Nam, từ đó, ảnh hưởng đến mặt hàng gỗ dán - đầu vào nguyên liệu cho mặt hàng tủ bếp.
Câu hỏi đặt ra là, bức tranh xuất khẩu ngành gỗ dán Việt Nam năm 2023 sẽ ra sao? Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gỗ dán tại Việt Nam đã ‘bắt đáy’ từ cuối quý III/2022 và đã kéo dài 4 tháng qua.
Khả năng phục hồi thị trường xuất khẩu gỗ dán trong năm 2023 sẽ tùy thuộc vào những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới, phân khúc thị trường, phân khúc sản phẩm mà các doanh nghiệp ‘nhắm tới’.
Ông Vũ Quang Huy cho rằng, đối với thị trường Hoa Kỳ, mặt hàng gỗ dán cốp pha phục vụ cho xây dựng sẽ hồi phục trước. Tiếp đến là gỗ dán phủ mặt birch (bạch dương) hoặc poplar (dương) phục vụ cho sản xuất mặt hàng tủ bếp. Dự kiến, từ tháng 3/2022 trở đi, nhu cầu gỗ dán cho sản phẩm ghế sofa cũng sẽ bắt đầu quay trở lại.
Đối với thị trường Hàn Quốc, dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là gỗ dán thương mại với phân khúc tầm trung. Kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt nên nhu cầu tại thị trường này cũng sẽ khó đoán định.
Malaysia - một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang thị trường này trong đó tập trung mạnh vào dòng gỗ dán phủ phim phục vụ cho xây dựng. Với khả năng cạnh tranh cao tại thị trường này, đây cũng là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp Việt.
Thị trường EU cũng được các doanh nghiệp đặt sự quan tâm nhất định bởi sản xuất nội địa của các quốc gia tại EU khoảng 3,5 triệu m3/năm, ngoài ra, họ còn nhập thêm ở các nước khác. Việc thiếu hụt khoảng 2 triệu m3/năm của thị trường này từ Nga do xung đột Nga - Ukraine sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các nhà máy gỗ dán của Việt Nam.
Hàng xuất khẩu sang EU không được có chất gây rối loạn nội tiết, ung thư
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu thông tin, theo Cơ quan Hóa chất Thụy Điển, các chất hiện được chỉ định là đặc biệt nguy hiểm là chất gây ung thư, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến sinh sản. Chúng có thể được tìm thấy trong mọi thứ từ sơn, giấy, hàng dệt may, da, lông thú, nhựa, mực in.
EU liệt kê các chất có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người hoặc môi trường trong danh sách được gọi là danh sách ứng cử viên.
Khi một chất được thêm vào danh sách, nó đặt ra yêu cầu ngay lập tức đối với các công ty sản xuất, nhập khẩu hoặc bán hàng hóa có chứa chất đó. Ví dụ: người tiêu dùng có quyền nhận thông tin theo yêu cầu nếu sản phẩm có chứa chất đó, người dùng chuyên nghiệp phải nhận thông tin mà không cần yêu cầu và các công ty cung cấp sản phẩm cho khách hàng chuyên nghiệp phải đăng ký sản phẩm trong cơ sở dữ liệu với Cơ quan Hóa chất EU.
Khi một chất được đưa vào danh sách các chất đặc biệt nguy hiểm, trong tương lai có thể cần phải có giấy phép để sử dụng, nhập khẩu các chất đó, bán hoặc vận chuyển các sản phẩm hóa chất có chứa chất đó. Mục tiêu của việc liệt kê các chất đặc biệt nguy hiểm là loại bỏ dần chúng.
Vào ngày 17/1, cơ quan hóa chất EU ECHA đã cập nhật danh sách với 9 chất và nhóm chất đặc biệt nguy hiểm được bổ sung.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng cần kiểm tra xem sản phẩm của mình có chứa các chất trên không để có sự điều chỉnh phù hợp.
Quế Việt Nam chiếm thị phần lớn tại thị trường Canada
Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, năm 2022, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại Canada như nhóm sản phẩm chè, cà phê và gia vị có mức tăng đột biến so với năm 2021.
Riêng mặt hàng quế, trong năm qua, các siêu thị lớn của Canada như Costco, Walmart đã nhập khá nhiều quế Việt Nam với kim ngạch 8,6 triệu USD, tăng 43,3% so với năm 2021.
Với đà tăng trưởng mạnh như trên, quế Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần quế tại Canada trong những năm tới.
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng. (Nguồn: Báo Hải quan) |
Hiện, Canada là nước có mức tiêu dùng cao, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao, đạt 17,5% trong năm 2022. Với những ưu đãi mà Hiệp định CPTPP mang lại, các doanh nghiệp Canada đang ngày càng quan tâm và nhận biết tốt hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam. Trong chiến lược mua hàng của Canada, Việt Nam đang nổi lên nhờ yếu tố ổn định, có thể dự báo và giá cả phù hợp.
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng, năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD. Dự kiến, năm 2022, giá trị xuất khẩu quế hồi đạt khoảng 276 triệu USD.
Thị trường chủ yếu của quế Việt Nam là Ấn Độ và Mỹ. Giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường này lần lượt là 90,7 triệu USD và 54,2 triệu USD. Đến nay, tổng diện tích quế cả nước khoảng gần 170.000ha.
Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng thứ ba trên toàn thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc. Trong đó, quế được trồng tập trung ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái và Quảng Nam. Trữ lượng vỏ quế hàng năm ước khoảng 900 nghìn - 1,2 triệu tấn.