Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế". (Nguồn: VGP News) |
Thực thi các FTA "chắp cánh" cho xuất nhập khẩu Việt Nam
Ngày 2/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế" đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu nêu bật một số nét tổng quan về kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai sâu rộng, bài bản, hiệu quả trên tất cả các kênh đối ngoại song phương, đa phương và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến nay, nước ta đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 nước và vùng lãnh thổ; ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác; đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; có quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.
Thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư (năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp ta xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. 7 tháng đầu năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 15,23 tỷ USD), góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”.
7 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt 211.230 tỷ đồng
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 2,4%.
Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng năm 2023 đạt 374,36 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 60,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 năm 2023 thặng dư 3,07 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 7 tháng năm 2023 lên 16,48 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Về tình hình thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu từ 1/7-31/7/2023 đạt 26.235 tỷ đồng, giảm 14,6% so với tháng trước.
Lũy kế từ 1/1 - 31/7/2023 số thu ngân sách nhà nước đạt 211.230 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, giảm 19,6% (tương đương giảm 51.423 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.
Nhờ đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 01 - 03 giây.
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Công ty EPAY triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp; tiếp tục triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc hệ thống seal định vị điện tử GPS phục vụ giám sát hàng hóa vận xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.
Việc triển khai hệ thống VASSCM góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp.
Xuất khẩu cá tra sang một số thị trường đang khởi sắc trở lại. (Nguồn: Người lao động) |
Thủy sản chủ lực tăng trưởng ở 39 thị trường
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2023 đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều giảm, cụ thể, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) giảm 34%; Hoa Kỳ giảm 61%; CPTPP giảm 36%; Mexico giảm 49%; Brazil giảm 23%...
Một vài điểm sáng của xuất khẩu cá tra Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương gồm Saudi Arabia tăng 52%, Đức tăng 39%, Singapore tăng 6%, Anh tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc - Hong Kong (Trung Quốc), Hoa Kỳ và CPTPP vẫn là 3 thị trường tốp đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam khi nhập khẩu 536 triệu USD, chiếm hơn 61% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước.
Riêng quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 451 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm ở hầu hết các phân khúc sản phẩm. Xuất khẩu các sản phẩm đều ghi nhận tăng trưởng âm 2 con số, cụ thể, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh giảm 44%, cá tra tươi/đông lạnh/khô nguyên con/cắt khúc giảm 15%, sản phẩm cá tra chế biến giảm 56% so với cùng kì năm ngoái.
Về giá cá tra nguyên liệu tại thị trường trong nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho hay, với cá tra loại I tại Đồng Tháp trong tháng 4 ở mức trung bình 30.000 đồng/kg, giảm so với 32.500 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 4 đầu tháng 5/2023, giá cá tra giảm xuống còn 27.500 đồng/kg, giảm so với mức ổn định 32.500 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra từ tháng 6/2023 đến giữa tháng 7/2023 giảm xuống còn 27.000 đồng/kg.
Tính đến hết tháng 6/2023, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.220 ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thu hoạch đạt 859 nghìn tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP đạt 3.192 ha, sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn. Bên cạnh chứng nhận VietGAP, cơ sở nuôi cá tra thực hiện và được chứng nhận các tiêu chuẩn khác như Global GAP, ASC, BAP.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, mức sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái đã dần thu hẹp tại hầu hết thị trường. Giá trị xuất khẩu các tháng sau cũng đã dần tăng so với tháng trước đó. Quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 451 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 7% so với quý I/2023.
Nửa cuối năm nay, kỳ vọng lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.
Ngoài ra, một số thị trường duy trì mức tăng trưởng dương trong suốt nửa đầu năm nay như Arập Xêút, Đức, Singapore, Anh vẫn được coi là điểm đến khả quan cho ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam khi tăng từ 3% - 52%.
Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được coi là điểm đến tiềm năng khi nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các FTA.