📞

Xuất khẩu ngày 4-6/11: Viên nén gỗ có khả năng đạt 1 tỷ USD; công nghệ bảo quản hạn chế, trái cây Việt khó 'đi đường dài'

Vân Chi 16:14 | 07/11/2022
Xuất khẩu viên nén của Việt Nam có khả năng đạt 1 tỷ USD; sắt thép rời câu lạc bộ xuất khẩu hơn chục tỷ USD; trái cây xuất khẩu khó đi xa vì thiếu công nghệ bảo quản... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 4-6/11.

Xuất khẩu viên nén của Việt Nam có khả năng đạt 1 tỷ USD

Trái ngược với sự chững lại của ngành gỗ, xuất khẩu viên nén đang tăng mạnh do nhu cầu đột biến từ các nước trong bối cảnh nguồn cung khí đốt gặp khó. Dự báo, xuất khẩu viên nén của Việt Nam có khả năng đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhu cầu sử dụng viên nén trên thị trường thế giới đang tăng rất mạnh. Trong 10 tháng năm nay, xuất khẩu viên nén của Việt Nam đạt tới gần 570 triệu (tăng gần 83% so với cùng kỳ năm 2021), trở thành mặt hàng đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản (sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu, dăm gỗ). Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới.

Nhu cầu chất sưởi đốt tăng cao giúp xuất khẩu viên nén của Việt Nam có thể đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới. (Nguồn: Báo Tiền Phong)

Lý giải sự tăng vọt xuất khẩu viên nén, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho rằng, nguyên nhân chính là do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo ông Lập, năm nay, Chính phủ Nga ra lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ, trong đó viên nén gỗ đến các “quốc gia không thân thiện” nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của châu Âu (EU). Điều này khiến các nước nhập khẩu viên nén của Nga phải tìm nguồn cung thay thế.

Hiện, hơn 90% lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu (EU) giảm gần 50% so với cùng kỳ 2021. Điều này buộc các nước EU tăng cường tích trữ viên nén để sưởi ấm, nhất là trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần, đẩy nhu cầu và giá mặt hàng này trên thị trường tăng cao. Hiện giá viên nén đã tăng gần gấp đôi lên 200 Euro/tấn so với hồi đầu năm.

"Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu viên nén trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD. Trong năm 2023, viên nén có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD", Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.

Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ như: cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa... từ các cơ sở chế biến. Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Sắt thép rời câu lạc bộ xuất khẩu hơn chục tỷ USD

Sau năm 2021 tăng trưởng "nóng", tận dụng được cơ hội thị trường thế giới, đặc biệt là giá thép tăng mạnh, ngành thép đã có 1 năm tăng tốc xuất khẩu với mức tăng ấn tượng 124,3% so với 2020, gia nhập CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Hiện nay, xuất khẩu sắt thép đã giảm tốc mạnh.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng 2022, xuất khẩu sắt thép đạt 6,95 triệu tấn, trị giá 6,88 tỷ USD, giảm 37,4% về lượng và giảm 29% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Những tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm, thực hiện trong tháng 10 chỉ còn 367 triệu USD, trong khi tháng 9 đạt 458 triệu USD, tháng 8 đạt 462 triệu USD.

Với đà xuất khẩu như hiện tại, năm 2022, xuất khẩu sắt thép dự kiến chỉ có thể về đích ở mức 7,7-7,9 tỷ USD.

Sự giảm tốc về xuất khẩu sắt thép không quá bất ngờ, bởi 2021 là năm có mức tăng đột biến, vượt quá kỳ vọng của ngành trong khi từ đầu năm 2022 đến nay, giá thép trong nước giảm theo xu hướng của thế giới do nhu cầu và giá nguyên liệu đầu vào đều giảm. Hầu hết các nhà máy thép đang ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong khi đó, triển vọng xuất khẩu thép những tháng cuối năm khá ảm đạm, trong bối cảnh các thị trường khác trên thế giới cũng đang tìm kiếm thêm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Mỹ.

Nhiều dự báo đưa ra từ tháng 8 đã cho rằng xuất khẩu thép sẽ giảm tốc mạnh trong 2 quý cuối năm 2022.

Mặt hàng sắt thép năm qua có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành từ trước đến nay và có mặt trong danh sách 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Không chỉ lập đỉnh với hơn 13 triệu tấn xuất khẩu và gia nhập câu lạc bộ ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, ngành thép còn chuyển hướng để điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng có lợi hơn cho ngành.

Cụ thể, thép Việt Nam đã gia tăng xuất khẩu tới các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, giảm dần tỷ trọng sang khu vực ASEAN, Trung Quốc.

Trái cây xuất khẩu khó đi xa vì thiếu công nghệ bảo quản

Việt Nam hiện đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường lớn như EU, Australia, Canada… mang lại cơ hội rất lớn cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng. Trong đó, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam theo Hiệp định EVFTA.

Thực tế, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã đạt được kết quả tích cực: kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU bình quân tăng 7,5% qua từng năm. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp trái cây, mặc dù tình hình xuất khẩu sang EU gần đây giảm sút do thị trường này lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến sức mua, nhưng tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn.

Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam chính là khâu sơ chế, bảo quản. Đặc điểm trái cây nhiệt đới của Việt Nam là nhanh hư hỏng, trong khi để đi được đến các thị trường tiêu thụ xa mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác được các lợi thế của mình.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng rau quả, gia vị vào châu Âu, tổ chức Oxfam tại Việt Nam và VCCI xây dựng dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau, quả.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam, cho biết: “Mục tiêu của dự án tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong 3 ngành gia vị, rau, quả tăng doanh số xuất khẩu vào thị trường EU. Dự án sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho từng doanh nghiệp về quản lý chất lượng, quản lý chuỗi cung ứng và phát triển thị trường hướng đến xuất khẩu vào EU. Song song với đó là các cơ hội kết nối kinh doanh với khách hàng tiềm năng từ châu Âu”.

Nếu nâng cấp được công nghệ bảo quản dài ngày, thanh long Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn tại thị trường Mỹ. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Đối với thị trường Mỹ, mặc dù rộng lớn, tiềm năng tiêu thụ “khổng lồ” do có cộng đồng người Việt tại đây khá đông, tuy nhiên, trái cây Việt Nam khó có thể tận dụng được khi khoảng cách địa lý quá xa. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn nhất hiện nay của Việt Nam, nhận định: “Hiện nay Mỹ đã cấp phép cho các loại trái cây Việt Nam gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Tất cả các loại trái này đều được đánh giá rất ngon và được ưa chuộng, tuy nhiên lại nhanh hư hỏng. Do đó gặp nhiều khó khăn ở khâu bảo quản, khó có thể vận chuyển dài ngày bằng đường biển đến Mỹ. Nếu sử dụng đường hàng không thì lại đẩy giá bán lên cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm”.

Giải pháp để xuất khẩu trái câytươi hiệu quả vào thị trường xa như Mỹ theo ông Tùng, công nghệ bảo quản dài ngày phải cực kỳ tốt. Bởi lẽ, từ Việt Nam vận chuyển bằng đường biển sang cảng Long Beach (hải cảng lớn thứ hai của Mỹ về số lượng container bốc dỡ) với điều kiện chưa dịch bệnh là 17 ngày, cộng với thu hái trái là 21 ngày.

Từ hải cảng đi về các điểm bán buôn sỉ (wholesale) là mất 3 ngày, rồi từ wholesale đi vào các chợ, siêu thị tiếp tục mất thêm 3 ngày. Điều đó đòi hỏi công nghệ bảo quản trái cây tươi của Việt Nam phải 45 ngày mới bán được tại Mỹ. Còn nếu không đạt được khả năng bảo quản dài ngày như vậy, khi trái cây Việt sang đến Mỹ sẽ sớm hư hỏng, buộc phải đổ bỏ.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng để bán được sản lượng lớn trái cây tươi vào Mỹ bắt buộc các doanh nghiệp Việt phải nâng cấp công nghệ bảo quản để vận chuyển dài ngày theo đường biển nhằm tiết giảm chi phí thay vì đi theo đường hàng không với chi phí đắt đỏ. Chẳng hạn, với mỗi ký trái cây tươi xuất đi bằng đường hàng không qua tới Mỹ tiêu tốn hết 7-8 USD trong thời điểm này, ra thị trường sẽ khó cạnh tranh với trái cây của các quốc gia khác.

(tổng hợp)