Vải đóng hộp Việt Nam lên kệ siêu thị tại Pháp
Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết hơn 20 tấn vải đóng hộp của Việt Nam đã lần đầu tiên lên kệ hệ thống siêu thị tại Pháp.
Lô hàng này là lô vải đóng hộp đầu tiên được nhập khẩu trực tiếp bởi Tang Frères, hệ thống phân phối bán lẻ, nhà nhập khẩu, nhà phân phối bán buôn thực phẩm châu Á lớn nhất tại Pháp.
Những hộp vải “Made in Vietnam” đầu tiên được bày bán tại kệ siêu thị Tang Frères ở thủ đô Paris (Pháp). (Nguồn: TTXVN) |
Đây cũng là lần đầu tiên trái cây đóng hộp của Việt Nam được bày bán trên kệ hàng của một chuỗi phân phối bán lẻ tại Pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá sự kiện này là một thành công rất quan trọng, mở ra một hướng phát triển mới cho trái cây Việt Nam trên thị trường Pháp và Liên minh châu Âu (EU).
Ông chia sẻ: “Mặc dù chúng ta đã có những doanh nghiệp mạnh về trái cây đóng hộp, nhưng cho tới nay các sản phẩm này mới chỉ được nhập khẩu vào Pháp với số lượng ít, qua các đầu mối nhập khẩu nhỏ. Vì vậy, đối với phân khúc thị trường trái cây này, chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa, và các doanh nghiệp cần phải tận dụng tối đa cơ hội, giảm tải cho sức ép rất lớn về đầu ra mỗi khi đến mùa vụ thu hoạch, đồng thời cũng khẳng định năng lực cung cấp trái cây ổn định của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các đối tác quốc tế".
Tuy nhiên, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng lưu ý các doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có được một kế hoạch phát triển bài bản, dài hạn đủ để có thể tiếp cận thị trường khó tính châu Âu, qua đó xây dựng cho bức tranh chung Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).
Theo ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, để có được thành công này, Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, trong việc lựa chọn các nhà cung cấp có năng lực và hiểu biết về thị trường.
Tết Nguyên Đán, xuất khẩu nông thủy sản lại gặp khó với thị trường Trung Quốc
Quyết định tạm ngưng toàn bộ dịch vụ ở cảng xuất nhập khẩu trong vòng 6 tuần Tết Nguyên đán của Trung Quốc khiến nông thủy sản Việt Nam xuất sang nước này tiếp tục gặp khó mùa giáp Tết.
Đây là thông tin đưa ra tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu cây ăn trái” mới đây do ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt nam, cảnh báo. Ông Nguyên giải thích Trung Quốc đang tập trung cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào đầu tháng Hai năm sau, động thái siết hàng nhập khẩu vào cảng xuất phát từ lễ hội đó và từ chính sách “Zero Covid” mà quốc gia này theo đuổi.
Không chỉ với rau quả, việc tạm ngưng dịch vụ cảng biển của Trung Quốc khiến hàng xuất khẩu thủy hải sản Việt cũng bị ảnh hưởng lớn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP), cho biết hàng thủy hải sản Việt nam sang Trung Quốc chủ yếu đi bằng đường biển, thời gian tàu chở container lạnh sang Trung Quốc nay cũng rút ngắn, tầm 7 - 10 ngày. Trong vòng 2 năm qua, thị trường Trung Quốc chiếm 17 - 18% xuất khẩu thủy sản Việt Nam với trên 1,4 tỉ USD/năm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách siết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục. Đến quý III/2021, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chỉ còn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu.
VASEP dự báo, trước tình hình kiểm soát khắt khe của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tiếp tục giảm sâu 3 tháng cuối năm nay, đạt 242 triệu USD trong quý 4, giảm 40%; cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỉ USD, giảm 26%.
Kiến nghị bỏ quy định kiểm dịch thủy sản đông lạnh dùng làm thực phẩm
VASEP vừa có văn bản gửi lên Chính phủ và Thủ tướng báo cáo về vướng mắc lớn nhất của cộng đồng thủy sản hiện nay đó là hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm lại bị áp vào danh mục kiểm dịch.
Bất cập này đã tồn tại suốt 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi theo quyết nghị cụ thể về nội dung này ghi rõ tại các Nghị quyết 19 (năm 2016, 2017, 2018, 2019) và Nghị quyết 02 (năm 2020, 2021) của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như Nghị định 85/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp và nghiên cứu chuyên môn của chuyên gia, VASEP nhận thấy hoạt động kiểm tra nhà nước đối với hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại các Thông tư về kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, gồm Thông tư 26/2016 hướng dẫn về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản; Thông tư 36/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2016; Thông tư 11/2021 hướng dẫn danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, là chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra này với nhóm sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm.
Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm để sản xuất, xuất khẩu hoặc gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.
VASEP còn kiến nghị bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa, bởi những sản phẩm này được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thuỷ sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người).
Thép Việt nâng cao năng lực phòng vệ thương mại
Tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững” mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), kiêm Chủ tịch Hiệp hội Thép Đông Nam Á chia sẻ, các vụ kiện phòng vệ thương mại với ngành thép không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Australia, châu Âu…, mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Theo Bộ Công Thương, nếu năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 30 tỷ USD, thì cuối năm 2020 đã vượt 545 tỷ USD, dự kiến năm 2021đạt trên 600 tỷ USD. Năng lực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh là lý do chính khiến các biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu cũng gia tăng.
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký VSA cho rằng, Việt Nam đã có 15 hiệp định thương mại tự do được ký kết, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Đối với ngành thép, 5 năm gần đây, tăng trưởng bình quân xuất khẩu đạt hơn 20%/năm, trong đó riêng xuất khẩu thép thành phẩm tăng khoảng 12%/năm. Lũy kế đến ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đã vượt 10 tỷ USD, tăng 136,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VSA, vượt qua được giai đoạn lúng túng, thiếu kinh nghiệm và hạn chế về năng lực phòng vệ ở thời kỳ đầu, đến nay, năng lực ứng phó trong các vụ việc phòng vệ của doanh nghiệp trong ngành đã cải thiện nhiều. Những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Tôn Đông Á… xuất khẩu sang Mỹ, EU thường xuyên bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, đã dành nguồn lực thỏa đáng cho việc ứng phó và thu được kết quả tích cực trong không ít vụ việc.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, phòng vệ thương mại là lĩnh vực rất phức tạp, khi có những quy định cụ thể nhưng vẫn bị thay đổi thường xuyên, đặc biệt là vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung kỹ thuật, tài chính, kế toán kiểm toán và thậm chí cả bất đồng ngôn ngữ. Trong các vụ việc phòng vệ thương mại, các ngành sản xuất đều phải có chiến lược ứng phó kịp thời và chi tiết.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hạn chế tình trạng tăng xuất khẩu đột biến sang một thị trường, đồng thời lưu trữ tốt hồ sơ về quá trình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đó với từng thị trường để chủ động ứng phó khi có tình huống không mong muốn xảy ra.
“Doanh nghiệp cũng cần lưu ý xu thế gia tăng bảo hộ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, ông Dũng khuyến cáo.
Đề xuất giảm phí và lệ phí trong lĩnh vực hàng hải
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị cụ thể về các chính sách giảm phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải.
Trong đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Tuy nhiên, chưa có mức giảm cụ thể.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí) |
Qua các cuộc đối thoại doanh nghiệp hàng hải, Cục Hàng hải nhận được nhiều ý kiến đề nghị giãn (lùi thời gian áp dụng thu) hoặc giảm mức thu hiện hành đang được các UBND, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng thực hiện với các đối tượng là chủ hàng có hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan qua các cảng biển nhằm tháo gỡ, giảm chi phí cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tác động do hậu quả của dịch bệnh Covid-19.
Vì vậy, đối với đề xuất này, Cục Hàng hải đề nghị Bộ GTVT xem xét có ý kiến gửi Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để chỉ đạo các UBND, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.
Hiện nay, Cục Hàng hải và các đơn vị trực thuộc đang thu một số khoản phí, lệ phí hàng hải được quy định như phí, lệ phí hàng hải thu tại cảng biển, phí thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển, cấp lý lịch liên tục của tàu biển, phí, lệ phí trong hoạt động chuyên ngành hàng hải.
Theo Cục Hàng hải, về đề xuất việc giảm phí, lệ phí hàng hải do phí, lệ phí hàng hải tại cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa và hàng hải quốc tế, trong đó giữ nguyên các mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động hàng hải nội địa - loại phí có đối tượng nộp chủ yếu là doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.