Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 8/2021 tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 7/2021. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Loạt nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực giảm mạnh trong tháng 8/2021
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước (7/2021). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% và nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5%.
Đáng chú ý, cả xuất khẩu, nhập khẩu đều có nhiều nhóm hàng chủ lực có kim ngạch giảm mạnh 2 con số.
Đối với xuất khẩu có thể kể đến như: dầu thô ước đạt 45 triệu USD, giảm 70,2%; clinker và xi măng ước đạt 61 triệu USD, giảm 23,9%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 115 triệu USD, giảm 25,8%...
Các mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh như: xăng dầu các loại ước đạt 197 nghìn tấn, kim ngạch 116 triệu USD, giảm 59,2% về lượng và giảm 62,7% về kim ngạch; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước đạt 1,79 tỷ USD, giảm 19,8%; sắt thép các loại ước đạt 590 nghìn tấn, kim ngạch 615 triệu USD, giảm 16,8% về lượng và giảm 16,6% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu ước đạt 310 nghìn tấn, giảm 19,4% và kim ngạch 487 triệu USD, giảm 21,2%; ô tô nguyên chiếc các loại ước đạt 7,3 nghìn chiếc, kim ngạch 185 triệu USD, giảm 49,3% về lượng và giảm 35,6% về kim ngạch.
Dù bị sụt giảm trong tháng qua nhưng tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn ước đạt 428,82 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% và nhập khẩu ước đạt 216,27 tỷ USD, tăng 33,8% số với cùng kỳ năm 2020.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 ước tính thâm hụt 1,3 tỷ USD. Tính chung trong 8 tháng, con số nhập siêu lên đến 3,72 tỷ USD, ngược với kết quả xuất siêu lên tới 13,69 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Gạo Việt vào thế bí vì giá cước vận tải
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 8/2021 tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước đó, trong bối cảnh nhu cầu từ khách hàng nước ngoài chậm, cước phí vận chuyển cao, dịch Covid-19 tái bùng phát và nguồn cung cao bởi đang vụ thu hoạch Hè Thu. Ngoài ra, việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm cũng tác động đẩy giá gạo Việt Nam giảm theo.
Tại Việt Nam, giá gạo tuần này ở mức 385 USD/tấn trong bối cảnh nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giãn cách xã hội để chống Covid-19, khiến cho hoạt động giao hàng của các nhà xuất khẩu buộc phải trì hoãn lại.
Điều này đã tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu gạo trong tháng 8/2021. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong nhóm nông thủy sản, khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.
Theo ông Nam, giá cước vận tải đã lên rất cao, đặc biệt là khu vực châu Phi, trong khi tàu hàng vào cảng lâu, nhưng không thể đưa hàng lên tàu được. Điều này, khiến việc giải phóng lượng hàng trong kho của doanh nghiệp rất khó khăn.
Dự báo tình hình xuất khẩu gạo trong nửa đầu tháng 9 của Việt Nam còn diễn biến chậm do dịch vụ đóng rút gạo tại một số cảng chính đã tạm dừng hoạt động. Chẳng hạn, cảng Tân Cảng Hiệp Phước (TP.Hồ Chí Minh) đã tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan của đơn vị này, sớm nhất cũng phải đến trung tuần tháng 9/2021 mới hoạt động trở lại do có công nhân mắc Covid-19.
Xuất khẩu thủy sản ảm đạm
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm ở hầu hết sản phẩm chủ lực so với tháng 8/2020.
Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao, cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6%, đạt 5,5 tỷ USD.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng qua giảm nhiều do chỉ có khoảng 30-40% các doanh nghiệp thủy sản tại phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ" và cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động tham gia sản xuất. Do đó công suất sản xuất trung bình chỉ còn 40-50% so với trước.
Cùng với đó, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển. Doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian giãn cách quá lâu, thiếu nguyên liệu sản xuất nên không đảm bảo tiến độ giao hàng, thủ tục xuất nhập khẩu bị chậm trễ ách tắc, chi phí đầu vào và chi phí vận tải tăng.
Hiệp hội này dự báo, xuất khẩu thủy sản tháng 9 vẫn ảm đạm, sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Nguyên nhân bởi diễn biến dịch bệnh còn căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, trong khi việc tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn hạn chế và không đồng đều.
Hiện nay, một số tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang... kiểm soát dịch bệnh tốt và linh hoạt nên tình hình sản xuất sẽ hồi phục sớm hơn. Đây là những tỉnh trọng điểm sản xuất và xuất khẩu tôm. Do vậy mặt hàng tôm được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế mức sụt giảm mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm.
Sản xuất và chế biến cá tra tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc sông Hậu, vẫn đang ảnh hưởng nặng nề vì sản xuất 3 tại chỗ. Hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa, tình hình xuất khẩu cá tra khó cải thiện trong tháng 9.
Hàng hóa sang Ai Cập phải đăng ký theo quy định mới
Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập mới đây đã nhận được tài liệu chính thức của Bộ Tài chính Ai Cập giải đáp về Hệ thống thông quan điện tử một cửa (ACI) sẽ được Hải quan áp dụng từ ngày 1/10, kéo dài thêm 3 tháng so với thời điểm dự kiến ban đầu từ 1/7.
Nhằm tự động hóa quy trình hải quan, đơn giản hóa thủ tục và giảm thời gian thông quan, Ai Cập đang áp dụng thử nghiệm Hệ thống thông quan điện tử một cửa mới (ACI system) theo Nghị định số 38/2021 của Bộ Tài chính.
Theo đó hàng hóa phải được đăng ký trên hệ thống điện tử ít nhất 48 giờ trước khi vận chuyển từ nước xuất khẩu.
Đối tượng bị điều chỉnh bởi quy định này là các công ty xuất nhập khẩu, dịch vụ thông quan và công ty vận chuyển đường biển/hàng không.
Do đó doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này cần phối hợp với đối tác nhập khẩu và hãng vận tải trong khai báo thông tin theo đúng quy định. Thông tin chi tiết về hệ thống ACI được đăng tải chính thức tại địa chỉ: https://www.nafeza.gov.eg.
Trước đó, Bộ Tài chính nước này cho biết Hệ thống một cửa (MTS) sẽ được triển khai chính thức từ ngày 1/7. Khi đó hàng hóa vận chuyển vào Ai Cập bắt buộc phải thông qua hệ thống ACI.
Bộ trưởng Tài chính cũng chỉ đạo cơ quan Hải quan cấm thông quan bất kỳ hàng hóa nào không đăng ký trước qua hệ thống ACI kể từ ngày 1/7. Tuy nhiên thời hạn áp dụng Hệ thống quản lý này được kéo dài thêm 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1/10.
Do thời điểm Hải quan Ai Cập chính thức áp dụng sắp đến, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này nhanh chóng nghiên cứu tài liệu và đăng ký tài khoản (trên trang web chính thức NAFERA) cũng như phối hợp với đối tác nhập khẩu để có thể thử nghiệm trước hệ thống.