📞

Xuất khẩu ngày 5-7/3: Hàng Việt sang Nga gặp khó vì chiến sự; nguy cơ 'nhập khẩu' lạm phát

Vân Chi 13:23 | 07/03/2022
Xuất khẩu hàng Việt sang Nga gặp khó vì xung đột Nga-Ukraine; Bộ Công Thương ban hành kế hoạch thực hiện “siêu” Hiệp định RCEP; nguy cơ "nhập khẩu" lạm phát... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 5-7/3.
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Xuất khẩu hàng Việt sang Nga gặp khó

Nga là thị trường tiềm năng của Việt Nam, xét cả khía cạnh nhập khẩu và xuất khẩu. Số liệu của hải quan cho thấy, năm 2021, Việt Nam xuất sang Nga 3,2 tỷ USD; nhập khẩu từ nước này 2,3 tỷ USD, tăng 15%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Nga, gồm điện thoại và linh kiện (chiếm 33% kim ngạch của Việt Nam sang Nga); máy vi tính và sản phẩm điện tử (13%), dệt may (10,5%), cà phê (5,4%), thủy sản (5,1%).

Còn với Ukraine, kim ngạch xuất khẩu không lớn, dưới một tỷ USD, nhưng nước này lại là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu USD, tăng gần 51% so với cùng kỳ 2020. Thuỷ sản, giày dép, máy tính điện tử... là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang quốc gia này.

Theo lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ, trực tiếp và tiêu cực tới sản xuất, xuất nhập khẩu, lạm phát, cung cầu; vận chuyển, lưu thông hàng hoá, thanh toán hợp đồng thương mại... Các doanh nghiệp có dự án hợp tác với Nga, Ukraine, Belarus và các nước liên quan trong cuộc khủng hoảng cũng sẽ chịu tác động.

"Cuộc khủng hoảng này gây ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực, trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính, tới chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của thế giới cũng như Việt Nam", đại diện Vụ thị trường châu Á, châu Âu nhận xét.

Trước tiên là nguồn cung các nguyên, nhiên liệu khi cuộc xung đột này đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá khí đốt - dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô... do thị phần sản xuất và xuất khẩu Nga, Ukraine với các mặt hàng này lớn.

Việc thanh toán các hợp đồng thương mại với Nga cũng sẽ gặp khó, sau khi Mỹ và các nước phương Tây đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng của Nga, đóng băng tài sản Ngân hàng Trung ương Nga...

Những bước trừng phạt này trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng sử dụng thanh toán bằng USD. Đồng Ruble mất giá rất mạnh khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đề nghị dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình ổn định.

Hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa.

Ngoài ra, việc cấm vận hàng không cũng khiến các hãng phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa. Theo các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu vừa qua đã quá cao, giá cước vận tải tăng cao khiến chi phí bị đội lên rất mạnh và họ có thể "không còn lợi nhuận".

Chưa kể, việc đồng Ruble mất giá sẽ làm giảm khả năng nhập khẩu của Nga. Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này sẽ phải tính lại bài toán chi phí, thị trường.

Theo Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ, thương mại song phương Việt - Nga sẽ không tránh khỏi các tác động tiêu cực nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục tăng các biện pháp trừng phạt mạnh và toàn diện về tài chính lên Nga. Cơ quan này khuyến cáo doanh nghiệp đang xuất khẩu sang 2 nước trên cần chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng...

Vụ thị trường châu Á, châu Âu lưu ý, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng tối đa ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hoá thị trường. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất hàng sang Nga và Ukraine, có thể liên hệ thương vụ Việt Nam tại hai quốc gia này để được hỗ trợ, tìm phương thức tháo gỡ.

Bộ Công Thương ban hành kế hoạch thực hiện “siêu” Hiệp định RCEP

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 197 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giai đoạn 2022 – 2026. Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Hiệp định này đầy đủ, hiệu quả.

Kế hoạch tập trung triển khai 3 nhiệm vụ chính là: xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.

Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế, trong Kế hoạch, Bộ Công Thương xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định RCEP; tiếp tục thực hiện rà soát pháp luật trong nước trong quá trình thực hiện Hiệp định RCEP nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khác để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

Phối hợp với các nước thành viên Hiệp định RCEP để xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực hiện Hiệp định.

Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, Bộ sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc phổ biến, giới thiệu nội dung Hiệp định RCEP.

Xuất bản các ấn phẩm giới thiệu, phân tích tổng thể và chi tiết các cam kết của Hiệp định RCEP trong một số lĩnh vực, ngành hàng cụ thể cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể, ngành hàng cụ thể; phân tích cơ hội tận dụng Hiệp định để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và triển khai các phương án phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Bộ Công Thương sẽ xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước thành viên Hiệp định RCEP; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại tại các nước thành viên Hiệp định RCEP...

Ớt tươi Việt có "visa" sang Trung Quốc sau 1 năm tạm dừng

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo chấp thuận cho 5 doanh nghiệp sản xuất ớt tươi của Việt Nam được đăng ký xuất khẩu sang thị trường nước này kể từ ngày 3/3.

Đây là 5 doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép xuất khẩu chính ngạch trở lại sau một thời gian Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu ớt tươi của Việt Nam.

Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, tính đến nay, có hơn 1.800 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu chính ngạch.

Doanh nghiệp gỗ "vật lộn" với bão giá nguyên liệu đầu vào

Năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản có một năm thành công khi đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD. Song vừa bước sang năm 2022, ngành gỗ đã phải đối mặt với những khó khăn liên hoàn từ giá nguyên liệu, cước vận tải...

Thông thường, cao điểm xuất khẩu gỗ sẽ vào tháng 4 – 5 hàng năm. Lẽ ra, thời điểm này các doanh nghiệp phải tăng tốc chuẩn bị các đơn hàng, làm thủ tục để giao cho khách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gỗ vẫn đang chật vật vì nguồn cung nguyên liệu khan hiếm.

Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cho biết: "Gỗ nguyên liệu chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành các sản phẩm. Tuy nhiên, tỷ trọng này tăng đáng kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Nguyên nhân là nguồn cung gỗ ở Mỹ, châu Âu khan hiếm và giá cước vận chuyển cũng tăng 5-6 lần so với trước đại dịch, đẩy giá gỗ và cước vận chuyển lên một mặt bằng mới".

Sau khi xung đột Nga-Ukraine, giá dầu thế giới vượt ngưỡng 110 USD/thùng và có thể tiến tới 150 USD/thùng. Điều này có nghĩa giá cước vận tải, chi phí sản xuất sẽ tiếp tục tăng, đẩy doanh nghiệp vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Thông thường, các doanh nghiệp chỉ dự trữ gỗ trong khoảng 1-3 tháng để đảm bảo tài chính, vốn lưu động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá xăng dầu, nguyên liệu tăng sốc là kịch bản không thể lường trước, chi phí sản xuất cứ thế tăng cao, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Nhập khẩu lạm phát xảy ra khi giá nhập khẩu (giá mua hàng từ nước ngoài) và tỉ giá đồng thời tăng hoặc chỉ một yếu tố tăng mạnh.

Dấu hiệu nhập khẩu lạm phát đã xuất hiện khá rõ nét khi kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước trong khi số lượng nhập một số mặt hàng có dấu hiệu giảm, như sắt thép, phế liệu sắt thép, than, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hạt điều, than…

Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về giá nhập khẩu từng mặt hàng từ các thị trường song nhiều phân tích cho thấy kim ngạch nhập khẩu tăng cao có nguyên nhân quan trọng do giá nhập khẩu tăng chứ không hoàn toàn do số lượng.

Dấu hiệu nhập khẩu lạm phát đã xuất hiện khá rõ nét khi kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: VnEconomy)

Thậm chí, số lượng nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước không những không tăng mà còn có dấu hiệu giảm, ví dụ: phế liệu sắt thép, hạt điều, than, khí đốt hóa lỏng, sắt thép, kim loại thường khác…

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng chậm lại so với mức tăng cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu sử dụng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất không cao.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, khá thấp so với mức tăng 6,8% của năm 2021. Nếu tính riêng tháng Hai, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với mức tăng của cả tháng trước lẫn cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định, căng thẳng giữa Nga và Ukraine tuy ít tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam nhưng lại là yếu tố tác động gián tiếp theo hướng tiêu cực đến thương mại của Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới, kéo theo nguy cơ nhập khẩu lạm phát tăng cao.

Nguyên nhân là bởi cục diện chính trị - quân sự giữa Nga và Ukraine cùng lệnh trừng phạt từ Mỹ, châu Âu với Nga sẽ tác động đến ít nhất đến 2 thị trường quan trọng là thị trường nhiên liệu, nguyên liệu cơ bản và thị trường lương thực.

"Giá dầu thô và giá lương thực đã tăng rất cao trong năm 2021 và tiếp tục tăng mạnh ngay từ đầu năm nay. Nga hiện chiếm 70% nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới trong khi Việt Nam nhập khẩu 100% phân NPK. Do đó, dù nhập phân bón từ quốc gia nào thì Việt Nam cũng khó tránh đối mặt với hiệu ứng tăng giá nhập khẩu.

Còn với thị trường khí đốt, động thái từ Mỹ có thể khiến nguồn cung bị ảnh hưởng phần nào. Song vấn đề ở đây là không có Nga cung cấp dầu thì sẽ có nguồn cung từ quốc gia khác nhưng chắc chắn giá sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa", TS. Vũ Đình Ánh phân tích.

(tổng hợp)