Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 01/2022 tăng không đáng kể. (Nguồn: VnEconomy) |
Kim ngạch xuất khẩu tháng đầu năm giảm do sát Tết Nguyên đán
Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 1/2022 của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 ước tính đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải con số giảm của xuất khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù đây là tháng đầu của năm 2022 nhưng lại là tháng cuối của năm âm lịch, là dịp sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 nên số ngày làm việc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tháng nay chỉ là 24 ngày (kể cả thứ 7 và tính đến hết ngày 28/01/2022, tức là hết ngày 26 âm lịch).
Ngoài ra, tại một số địa phương đã ban hành quy định người dân từ các vùng dịch về quê ăn Tết phải cách ly 7 ngày nên nhiều công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp đã xin nghỉ làm trước Tết khoảng 7-10 ngày để kịp thực hiện cách ly khi về quê ăn Tết. Do đó, số ngày làm việc thực tế của các công nhân này trong tháng 01/2022 chỉ khoảng 15 ngày.
Do vậy, cùng với sự tăng nhẹ của sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng không đáng kể khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2022 ước tính đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD giảm 16,9% so với tháng trước nhưng tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,8 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên trong tháng 1/2022, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Hàng dệt may và may mặc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hàng hoá tăng nhẹ kéo theo kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2022 ước tính đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 6,7% so với tháng trước.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10 tỷ USD, giảm 4,3% so với tháng trước nhưng tăng 12,8%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước nhưng tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Trong tháng 1 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Cụ thể, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng trước. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,8 tỷ USD, giảm 5%. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 2 tỷ USD, giảm 12%.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong tháng 2 và các tháng tiếp theo, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản nhằm thâm nhập vào các thị trường mới.
Đồng thời tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch.
Bên cạnh đó, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Tập trung củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu...
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 dự kiến tăng trưởng trên 20%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 12,4% so với tháng trước đó và tăng 6,84% so với tháng 12/2020. Lũy kế cả năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020, trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,07 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 7,464 tỷ USD, tăng 22,24% so với năm 2020 tăng cao so với mức 19,7% của toàn ngành; chiếm tới 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Trong quý III/2021, bức tranh ngành gỗ trở nên ảm đạm khi chịu tác động của dịch Covid-19, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Người lao động không có việc làm, rời công ty trở về quê; việc chậm trễ trong giao hàng cho đối tác, kim ngạch xuất khẩu lao dốc, tại thời điểm này ngành gỗ gần như khó đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với dịch, cùng với sự nỗ lực của từng doanh nghiệp trong duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong quý IV/2021 ngành gỗ đã bứt phá và đạt kết quả ấn tượng trong năm 2021.
Năm qua, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,2% so với năm 2020, trong đó riêng xuất sang Mỹ đạt 8,77 tỷ USD, tăng 22,4%, chiếm tới 59,24% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức tăng trưởng của toàn ngành. Tiếp theo là thị trường châu Á đạt 4,4 tỷ USD, tăng 16%; châu Âu đạt 910 triệu USD, tăng 18,6% so với năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng nhanh sang thị trường châu Mỹ, điển hình là Mỹ đã góp phần thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam có kết quả ấn tượng trong năm 2021.
Về mặt hàng, đồ nội thất là nhóm hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này giảm nhẹ trong năm 2021, nhưng trị giá xuất khẩu đạt 9,99 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020.
Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng cần được chú trọng để đẩy mạnh xuất khẩu bởi đây là nhóm hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.
Tiếp theo là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 2 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2020. Mặc dù, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thị trường xây dựng trên toàn cầu vẫn diễn ra sôi động, đây là yếu tố chính thúc đẩy mặt hàng này tăng mạnh.
Ở chiều nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2021 tăng mạnh, đạt 2,928 tỷ USD, tăng tới 14,5% so với năm 2020. Như vậy, năm 2021, ngành gỗ Việt Nam đã xuất siêu 11,88 tỷ USD
Dự báo năm 2022, kinh tế toàn dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ hàng hóa tăng lên, vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tăng trưởng trên 20% trong năm 2022.
Nhiều tín hiệu lạc quan cho ngành thủy sản năm 2022
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỉ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Nhóm hàng tôm vẫn là “át chủ bài” trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, mang về giá trị kim ngạch lớn nhất.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2022, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.
Những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong năm 2022 về xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục đóng vai trò “thị trường chính” là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu (EU). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực khai mở, tháo gỡ những khó khăn của các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP - nhận định, năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.
Cùng với xuất khẩu tôm, xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và thị trường Trung Quốc - HongKong vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra. Đây là thông tin lạc quan, bởi theo Vasep, từ cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hongkong (Trung Quốc) đã tăng trưởng trở lại.
Còn theo bà Tạ Hà - chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, từ tháng 9/2021, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cho rằng, nguồn cá tra dự trữ của họ để chuẩn bị cho dịp lễ tết cuối năm hay tới mùa hè năm 2022 đã cạn nên họ cũng chờ đợi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm tra hàng hóa để tăng cường mua hàng.
"Hiện nay, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Trung Quốc - Hongkong, trở thành nhà cung cấp cá tra đông lạnh “độc quyền” tại Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc đang thiếu cá tra và dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong thời gian tới” - bà Tạ Hà nhận định.
Được biết, từ cuối tháng 1/2022, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại do nhu cầu chế biến, xuất khẩu tăng.
Việt Nam đề nghị Trung Quốc được xuất khẩu các lô hàng nông sản đã có mã số. (Nguồn: Thời báo Tài chính) |
Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Văn bản của Văn phòng SPS Việt Nam nêu rõ, thời gian qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc đáp ứng quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Tính đến ngày 8/2, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.528 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc.
Cụ thể, một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký với Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/11/2021 theo hướng dẫn tại Công hàm số 353 ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; đã có đơn hàng, đã thông quan tại cảng xuất khẩu của Việt Nam, đã có tờ khai hải quan trước ngày 01/01/2022, hiện các lô hàng đang tại cảng của Việt Nam nhưng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã.
Vì vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu các lô hàng nêu trên vì doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký đúng quy trình hướng dẫn.
Ngoài ra, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết thêm, hiện có 6 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký với Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/11/2021 theo hướng dẫn tại Công hàm số 353 ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã...
Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra hồ sơ của 7 mã sản phẩm không thuộc thẩm quyền quản lý của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); đề nghị cấp lại mật khẩu cho doanh nghiệp và mật khẩu cho cơ quan thẩm quyền của Việt Nam là Cục Thú y.
Để đảm bảo không làm gián đoạn thương mại nông sản giữa hai nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy việc cấp mã sản phẩm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam đã đăng ký qua cơ quan thẩm quyền trước và sau ngày 01/11/2021 và có giải pháp xử lý các vướng mắc nêu trên.
Giá mít xuất khẩu "nhảy múa" còn hơn giá vàng
Ngày 9/2, nhiều vựa thu mua mít tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã rao mua mít tại vườn với giá mít loại 1: 23.000 đồng/kg, mít loại 2: 13.000 đồng/kg. Anh Đỗ Huỳnh, chủ hộ trồng mít tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: Hồi mùng 7 tết cách đây mấy ngày tôi bán mít loại 1 chỉ có 11.000 đồng/kg, quay đi quay lại giá mít đã tăng gấp đôi.
Anh Hoàng Minh, chủ vựa thu mua mít tại Hậu Giang, chia sẻ: Giá mít mấy ngày nay nhảy liên tục còn hơn cả giá vàng, một ngày tăng 2 - 3 lần. Có hôm mình đưa giá buổi sáng, chủ vườn đồng ý, đến lúc chạy đến nơi thì giá lại tăng lên nữa, chủ vườn đổi ý không chịu bán.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn,, sau nghỉ tết, hoạt động thông quan hàng hóa tại 2 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh đã hoạt động trở lại. Mặc dù số lượng xe container còn ứ đọng tại khu vực cửa khẩu còn khá cao, tuy nhiên, động thái mở cửa khẩu thông thương trở lại từ phía Trung Quốc đã tạo cú hích cho giá trái cây trong nước tăng lên.
Giá mít tăng mạnh đã khiến nhà vườn hết sức phấn khởi, tuy nhiên, nhiều chủ vườn chưa yên tâm khi giá mít nhảy múa liên tục. Đến sáng 10/2, giá mít đã giảm xuống còn 19.000 đồng/kg, giá mít xô bán chợ cũng đứng ở mức khá thấp khoảng 5.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Nam, chủ vườn mít tại Đồng Tháp, lo lắng: Vườn nhà tôi còn hơn 20 ngày nữa mới cắt, mà giá phập phù quá nên rất lo. Giá mít xuất khẩu nghe nói tăng cao, nhưng giá mít bán chợ nội địa thì vẫn thấp. Bình quân vườn của tôi thu hoạch thì hết một nửa là loại bán chợ, tính ra thu nhập vẫn còn khá thấp.