📞

Xuất khẩu ngày 7-11/3: Tìm 'đường dài' cho nông sản Việt sang Trung Quốc; cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo khi xuất khẩu điều vào Italy

Vân Chi 11:12 | 11/03/2022
Cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo khi xuất khẩu điều sang Italy, xuất khẩu sang Trung Quốc cần đi đường dài, phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 7-11/3.
Hàng nghìn container chở nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. (Nguồn: Thời báo Tài chính)

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch

Chủ trì cuộc họp vào chiều 9/3 với các hiệp hội ngành hàng nông sản và một số doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp để bàn về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch tại thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch là cuộc cách mạnh cần có sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,39% so với năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết thách thức đối với hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện nay là thị trường ngày giám sát chặt chẽ các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch.

Thời gian qua, một số mặt hàng như: sầu riêng, chanh leo… vẫn xuất qua các đường mòn, lối mở theo phương thức trao đổi cư dân biên giới, nhưng nay cũng không thể nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam.

“Chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm với mục đích hạn chế và duy trì lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo hướng có lợi nhất. Chẳng hạn như Trung Quốc chỉ định hoặc cấp phép nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc chỉ thông quan một loại hàng hóa tại một cửa khẩu... khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường bị động”, ông Nguyễn Quốc Toản thông tin.

Theo ông Toản, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid”, thắt chặt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 trên cả bao bì hàng nông sản…, gây ùn tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu biên giới; có thời điểm ngừng thông quan tại một số cửa khẩu do phát hiện virus SARS-CoV-2 đối với người và hàng hóa khi thông quan.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định Trung Quốc là thị trường lớn, yêu cầu nghiêm ngặt. Những chính sách, cách tiếp cận đang làm tốt để xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Nhật Bản… là tính hệ thống.

Do đó, việc quản lý chất lượng sản phẩm sang Trung Quốc cũng phải theo hệ thống. Đồng thời, cần huy động sự tham gia của cả chuỗi ngành hàng và xác định vai trò cụ thể của các bộ, doanh nghiệp, địa phương.

"Với cách làm này thì doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận thông tin để thực hiện. Bên cạnh đó, nông sản phải có sự đầu tư kho bảo quản, kể cả kho khô và kho lạnh. Để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhà nước cần có chính sách đất đai và vốn”, ông Nguyễn Hoài Nam khuyến nghị.

Cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo khi xuất khẩu điều sang Italy

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều tối 9/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết trong 100 container theo cam kết ban đầu với người mua tại Italy, có 36 container đã được doanh nghiệp xuất đi và thất lạc chứng từ gốc, số còn lại các doanh nghiệp kịp thời ngưng giao dịch sau khi phát hiện có yếu tố lừa đảo.

Dựa vào hợp đồng, giá trị 36 container điều này trị giá khoảng 7,025 triệu USD (tương đương 162 tỉ đồng).

Vinacas đã làm việc với 5 ngân hàng Việt Nam, các doanh nghiệp, hãng tàu liên quan nhưng hầu hết đều cho biết việc tìm bản chứng từ gốc lô hàng vượt quá khả năng. Ngoài ra, các đơn vị này cũng nhận được phản hồi thờ ơ, không rõ ràng từ phía ngân hàng tại Italy khiến vụ việc càng khó khăn.

"Vấn đề trở nên gấp rút vì đã có 2-3 container nằm tại cảng của Italy, và các container còn lại sẽ cập cảng trong tháng Ba này. Trong khi đó, hiện hãng tàu cho biết họ làm theo thông lệ quốc tế. Nghĩa là, ai có bộ chứng từ gốc thì nhận được hàng. Vì nếu không giao hàng, người có bộ chứng từ gốc đủ căn cứ thưa kiện hãng tàu", đại diện Vinacas thông tin.

Theo Vinacas, đơn vị đã và sẽ có văn bản gửi các bộ ngành trung ương, và cơ quan ngoại giao tại Italy, hãng tàu mẹ tại Trung Quốc... nhờ can thiệp, tác động để giúp giữ hàng tại cảng, không giao cho người mua lấy dù có trình bản chứng từ gốc.

Trước đó, ngày 8/3, Vinacas đã có văn bản hỏa tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, Thương vụ Việt Nam tại Italy đề nghị hỗ trợ trong "tình huống khẩn cấp" khi 100 container điều xuất khẩu của các doanh nghiệp có nguy cơ bị lừa đảo.

Cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Thụy Điển và Na Uy

Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2022, Cục XTTM (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Ireland, Na Uy, Latvia) tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Thụy Điển và Na Uy.

Đoàn giao thương được tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu, năng lực và hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Thụy Điển, Na Uy. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Thụy Điển, Na Uy thông qua việc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, giao dịch trực tiếp và tạo dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác nhập khẩu tiềm năng tại các nước này.

Từ đó, giúp các doanh nghiệp khai thác tiềm năng thị trường Thụy Điển và Na Uy để tăng kim ngạch xuất khẩu vào các nước này; giảm dần việc xuất khẩu thông qua trung gian nhằm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Thông qua chương trình, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường Thụy Điển, Na Uy; giúp doanh nghiệp phát triển các chiến lược kinh doanh xuất khẩu hiệu quả với các thị trường này.

Dự kiến, có khoảng 15 đến 20 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đoàn giao thương trong thời gian từ ngày 17-27/7/2022 tại Stockholm, Malmo, Gothenburg (Thụy Điển); Oslo (Na Uy).

Doanh nghiệp các ngành nghề đều có thể tham gia đoàn giao thương, trong đó ưu tiên doanh nghiệp thuộc các ngành nghề nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng...

Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Đoàn, sau khi kết thúc chương trình, sẽ tiếp tục được Cục XTTM hỗ trợ kết nối với các đối tác Thụy Điển, Na Uy tiềm năng (nếu có), cung cấp dịch vụ thẩm định đối tác, tư vấn lập hợp đồng ngoại thương... theo nhu cầu.

Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.

Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030. (Nguồn: VnEconomy)

Đề án đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD.

Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.

Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Xuất khẩu thuỷ sản tăng vọt 2 tháng đầu năm

Theo VASEP, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tôm và cá tra là mặt hàng có sức tăng mạnh nhất trong tháng 2 khi tăng trưởng 3 con số. Luỹ kế 2 tháng, cá tra đạt doanh số 384 triệu USD, tăng 93%, còn tôm 550 triệu USD, tăng 46%.

Với các mặt hàng hải sản, 2 tháng đầu năm xuất khẩu 156 triệu USD, tăng 83%, còn mực, bạch tuộc đạt 97 triệu USD, tăng 45%.

Tại Mỹ, thủy sản đông lạnh đang được ưa chuộng hơn thủy sản tươi sống. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng tập trung vào thực phẩm tiện dụng, đồ chế biến sẵn, ăn liền và đồ bảo quản lâu. Trong tháng 2, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh nhập thủy sản Việt Nam, tăng 85% với 146 triệu USD.

Ở thị trường Nhật, 2 tháng qua, xuất khẩu thuỷ sản tăng 15%, đạt 209 triệu USD, trong khi Trung Trung đạt 168 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian qua, Trung Quốc khắt khe trong phòng chống dịch Covid-19 nhưng đây không phải là trở ngại chính của các công ty xuất sang thị trường này. Để thuận lợi hơn, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt vệ sinh khử khuẩn nhất là khâu bốc dỡ để giảm thiểu các lô hàng có thể bị cảnh báo chỉ tiêu liên quan đến Covid-19.

VASEP dự báo, nhu cầu về tiêu thụ thuỷ hải sản trên thị trường thế giới tăng cao. Dẫu vậy, căng thẳng Nga - Ukraine đang tác động tiêu cực đến việc xuất khẩu, đẩy chi phí giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty thủy sản. Theo đó, các hoạt động khai thác mặt hàng này sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn so với thủy sản nuôi.

Thủy sản hiện chiếm 18% trong tổng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Mỹ đang dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với 23% thị phần năm 2021.

(tổng hợp)