Lô bưởi Đoan Hùng đầu tiên đã chính thức 'lên đường' sang Nga ngày 8/1. (Nguồn: Báo Dân sinh) |
Bưởi Đoan Hùng "xuất ngoại"
Ngày 8/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng và Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn tổ chức xuất khẩu lô bưởi Đoan Hùng đầu tiên đi thị trường Nga.
Để đảm bảo cho việc xuất khẩu bưởi sang Nga, huyện Đoan Hùng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Hợp tác xã Bưởi và Dịch vụ tổng hợp xã Vân Đồn tuyển chọn, cung cấp cho đơn vị thu mua bưởi quả đạt tiêu chuẩn và dán tem truy xuất nguồn gốc.
Đây là sự kiện quan trọng, mở ra một giai đoạn mới, một thị trường mới, một tương lai mới cho cây bưởi và nông dân trồng bưởi huyện Đoan Hùng.
Trong thời gian tới, huyện Đoan Hùng kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, thương nhân thu mua và tham gia vào quy trình sản xuất, tạo đầu ra ổn định, từng bước hình thành chuỗi giá trị cho sản phẩm bưởi đặc sản và các sản phẩm khác của huyện Đoan Hùng.
Huyện Đoan Hùng có điều kiện tự nhiên rất phù hợp để phát triển nông lâm nghiệp, với nhiều sản phẩm đặc trưng như bưởi, thanh long ruột đỏ, vải Hùng Long, mì gạo, chè, cá lồng…
Đối với sản phẩm bưởi, huyện Đoan Hùng có diện tích gần 2.600 ha, sản lượng ước đạt 24.000 tấn. Huyện đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, chăm sóc bưởi, chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất, mở rộng vùng trồng bưởi theo quy mô hàng hóa, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh...
Bưởi Đoan Hùng đã được cấp bằng Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 3 lần được vinh danh là "Thương hiệu vàng nông nghiệp".
Thủy sản "lội ngược dòng", cán đích trên 8,9 tỷ USD
Xuất khẩu thuỷ sản năm qua tăng 6% so với năm 2020, được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá là kết quả vượt mong đợi. VASEP cho biết, nhờ cú lội ngược dòng những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã vượt mục tiêu với trên 8,9 tỷ USD.
Theo VASEP, Covid-19 từng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản, nhất là trong quý III. Tuy nhiên, nhờ Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mà ngành này có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, sau khi tăng mạnh 23% trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản tháng 12 tiếp tục tăng 29%, đạt trên 940 triệu USD. Trong tháng cuối năm, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực đều tăng mạnh 6-110%.
Năm qua, Mỹ vẫn là bạn hàng tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% kim ngạch, với trên 2 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước đó. Riêng tháng 12/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 176 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2020.
Thị trường EU chiếm 12% tổng kim ngạch, với trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Trong khi xuất khẩu sang các nước thuộc khối hiệp định CPTPP thu về khoảng 2,2 tỷ USD, gần tương đương năm 2020.
Xét về mặt hàng, nhờ tăng đột phá trong tháng 12, với mức tăng trưởng khoảng 80%, xuất khẩu cá tra cả năm 2021 về đích vượt xa dự đoán, với trên 1,6 tỷ USD, tăng 10%.
Xuất khẩu tôm năm qua cũng đạt 3,88 tỷ USD, tăng 4%. Xuất khẩu cá ngừ đạt 757 triệu USD; mực, bạch tuộc đạt trên 600 triệu USD. Các chuyên gia nhận định, sản phẩm tôm vẫn là "át chủ bài" của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới.
Năm 2021, thuỷ sản là một trong 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thuộc nhóm nông - lâm - thuỷ sản, cùng với gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cao su, rau quả và gạo. Trong đó, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 18,3% của nhóm ngành này (8,9 tỷ USD so với toàn nhóm 48,6 tỷ USD).
Còn nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu năm qua của cả nước là 336 tỷ USD, xuất khẩu thuỷ sản chiếm tỷ trọng 2,6%.
Ngành Công Thương tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 8% năm 2022
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương sáng 9/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là tác động nghiêm trọng, chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.
"Cùng với cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Những nỗ lực đó đã mang lại kết quả tích cực cho toàn ngành", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, năm 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Nhằm góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 ở mức 6-6,5%, ngành Công Thương phấn đấu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1-9,1%.
RCEP thực thi mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Hiệp định RCEP: Lực đẩy mới cho tăng trưởng xuất khẩu phục hồi
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ đầu năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy mới, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác ngoài ASEAN là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc; mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội xuất khẩu mới, đón đà phục hồi kinh tế.
RCEP có hiệu lực góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, nhất là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Hiệp định được thực thi mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, RCEP là một trong những ưu tiên hội nhập của ASEAN. Việc hiệp định lớn như RCEP được đưa vào thực thi với quy mô dân số đông và thương mại sôi động khiến các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đều hy vọng đây sẽ là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu Covid-19.
Sau khi có hiệu lực, thỏa thuận sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 27.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.
Bình luận về RCEP, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế có xuất khẩu đang muốn tìm kiếm không gian cho hàng hóa, nhất là thị trường bên ngoài trong quá trình phục hồi sau 2 năm Covid-19 hoành hành.
Doanh nghiệp chờ đợi những cơ hội được khai thác từ chuỗi cung ứng hàng hóa dài hạn, tạo nên sự cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hơn là các khoản lợi nhuận từ việc giảm giá, giảm chi phí do giảm thuế suất...
Bên cạnh những đánh giá lạc quan, ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng tỏ ra lo ngại, trong khi đã có hiệp định thương mại với khối ASEAN (ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc) và FTA song phương với Hàn Quốc, Nhật Bản... thì RCEP sẽ không mang lại cho Việt Nam quá nhiều lợi ích.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương bình luận, việc tham gia RCEP có tác động rất tích cực đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực.
"RCEP rất có lợi cho Việt Nam, giúp các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng tận dụng được không gian tăng trưởng xuất khẩu để có ưu đãi thuế quan tốt nhất. Lợi ích từ RCEP không chỉ giới hạn ở những lợi ích kinh tế, mà còn giúp phát huy vai trò trọng tâm của ASEAN trong các sáng kiến của khu vực.
Hiệp định là minh chứng rõ nhất cho việc duy trì, thúc đẩy, định hướng cùng các đối tác xây dựng sân chơi chung, gắn với việc hài hòa quy tắc xuất xứ, hài hòa từng FTA hiện có của ASEAN với từng đối tác trong hiệp định. Tuy nhiên, cơ hội mở ra cũng song hành với những thách thức, áp lực cạnh tranh mới đòi hỏi doanh nghiệp cần có phương hướng thích nghi và vượt qua", ông Dương nhấn mạnh.