Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Xuất khẩu nông lâm thủy sản cao gấp 133 lần so với năm 1986
Dù gặp nhiều khó khăn, biến động, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn diễn ra tại Hà Nội sáng 13/1.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đóng vai trò quan trọng trong thành tích chung là kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... Một số mặt hàng chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu.
Những thành quả trên đạt được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và quyết tâm vượt khó của cả ngành nông nghiệp và sự tham gia hiệu quả, kịp thời của các Bộ, ban ngành từ Trung ương trong hỗ trợ sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản cho nông dân.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, tham gia hỗ trợ để thực hiện đàm phán, mở cửa thị trường, thực hiện thương mại tự do, phòng vệ thương mại để bảo vệ nhà sản xuất trong nước, tổ chức kết nối cung cầu tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề xuất một số nội dung hợp tác giữa hai Bộ gồm: Tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.
Nâng cao chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Sau 3 năm phong tỏa, cửa khẩu phía Bắc lại tấp nập hoạt động giao thương
Ngày đầu tiên khi Trung Quốc mở lại toàn bộ cửa khẩu đường bộ (ngày 8/1/2023), tại các cửa khẩu phía Bắc diễn ra sôi nổi các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua lại biên giới Việt- Trung, báo hiệu tích cực vào một năm mới hanh thông, phấn khởi sau 3 năm tạm đóng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Căn cứ các văn bản liên quan phía Việt Nam và Trung Quốc về việc tối ưu hóa việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và điều chỉnh hoạt động thông quan cửa khẩu, nâng cao hiệu quả công tác xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa, từ ngày 8/1, hoạt động xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái sẽ diễn ra từ 8-16h00 (giờ Hà Nội) và 9-17h (giờ Bắc Kinh). Dừng toàn bộ việc nhập cảnh hẹn trước. Người nhập cảnh có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 48 giờ được nhập cảnh bình thường.
Đáng chú ý, đối với hoạt động thông quan hàng hóa tại Cầu Bắc Luân 2, lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, Cửa khẩu Ka Long - Bến biên mậu Đông Hưng sẽ bãi bỏ hoàn toàn quy định phân cấp, phân vùng quản lý; bãi bỏ việc phân vùng nguy cơ (vùng đỏ) dịch Covid-19; dừng thực hiện việc phân cấp, phân vùng quản lý dịch Covid-19.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, tổng số phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong ngày 8/1/2023 là 617 xe, trong đó, tổng số phương tiện có hàng xuất khẩu: 212 xe hàng (181 xe hoa quả, 31 xe mặt hàng khác). Tổng số phương tiện nhập khẩu: 405 xe hàng.
Dẫn chứng cụ thể tại từng cửa khẩu, ông Hoàng Khánh Duy cho hay, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tổng số phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu thông quan là 397 xe, trong đó, số phương tiện có hàng xuất khẩu: 82 xe (61 xe hoa quả, 21 xe mặt hàng khác); số phương tiện nhập khẩu: 315 xe hàng.
Tổng số phương tiện quay đầu (chuyển cửa khẩu khác): 0 xe. Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên (từ 20h00 ngày 7/1/2023 đến 20h00 ngày 8/1/2023): 82 xe (hoa quả, hàng hoá khác).
Thị trường xuất khẩu nào của Việt Nam có kim ngạch vượt 100 tỷ USD/năm?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,63 tỷ USD, tăng 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,03 tỷ USD, tăng 1,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12 giảm 14%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 22,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 10,6%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,3 tỷ USD. (Nguồn: VnEconomy) |
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%.
Đáng chú ý, về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,3 tỷ USD. Đây cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỷ USD/năm.
Sau Hoa Kỳ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch đạt 57,2 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.
Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc), với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 24,29 tỷ USD, 24,23 tỷ USD và 10,9 tỷ USD.
Trong năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 836 triệu USD (năm trước nhập siêu 2,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ ASEAN 13,6 tỷ USD, tăng 10,6%.