Xuất khẩu ngũ cốc Ukraine: Bất chấp quyết định của châu Âu thế nào, Ba Lan sẽ không mở cửa biên giới. Trong ảnh: Bóng máy bay trực thăng trên một cánh đồng lúa mì ở Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
“Hội đồng Bộ trưởng (Ba Lan) kêu gọi Ủy ban châu Âu gia hạn sau ngày 15/9/2023, lệnh cấm nhập khẩu bốn sản phẩm nông nghiệp, bao gồm: lúa mì, ngô, hạt cải dầu (colza) và hạt hướng dương từ Ukraine tới 5 nước EU (Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria); đề nghị hành động và có giải pháp ngay lập tức để các nhà sản xuất địa phương ở Ba Lan và Liên minh châu Âu yên tâm hoạt động ổn định và hiệu quả.
Nếu EC không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine sau ngày 15/9, Ba Lan sẽ đưa ra lệnh cấm như vậy ở cấp quốc gia", chính phủ Ba Lan đã công bố rõ điều này trong một tuyên bố ra ngày 12/9.
Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Robert Telus và người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Müller đều đã thông báo điều này với giới truyền thông.
“Ba Lan sẽ không tràn ngập ngũ cốc Ukraine”. Thủ tướng Morawiecki viết trên mạng xã hội X, bất chấp quyết định của các quan chức Brussels, Ba Lan sẽ không mở cửa biên giới.
Ông đính kèm bài đăng của mình một đoạn video của đảng Luật pháp và công lý cầm quyền, trong đó người đứng đầu chính phủ Ba Lan nhấn mạnh, "Ba Lan đã tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ Ukraine". Đồng thời, khi bảo vệ lợi ích của Ba Lan, chính phủ sẽ bảo vệ lợi ích của cả vùng nông thôn.
Trong video, Thủ tướng Morawiecki nhấn mạnh rằng, chính “lập trường vững vàng” của Ba Lan đã dẫn đến việc nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào thị trường chung châu Âu phải tạm dừng. Ông lưu ý, trong khi Brussels đang quyết định có nên duy trì lệnh cấm vận đối với ngũ cốc Ukraine hay không, Ba Lan sẽ không cho phép thị trường Ba Lan bị thống trị bởi các sản phẩm nông nghiệp Ukraine.
Phát biểu trên Đài phát thanh Ba Lan, Bộ trưởng Telus cho biết, Bộ của ông khuyến nghị chính phủ Ba Lan thông qua nghị định xác nhận rằng, "ngũ cốc Ukraine sẽ không được đưa vào thị trường Ba Lan sau ngày 15/9".
Tuy nhiên, ông đảm bảo Warsaw sẽ hỗ trợ việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ Ba Lan để đến thị trường các nước thứ ba, đặc biệt là tới châu Phi.
Trước đó, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Müller cũng đã tiết lộ với giới truyền thông về quyết định trên của Ba Lan. Cảnh báo được gửi tới EU sẽ nhấn mạnh rằng, nếu EC không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine tới năm nước thành viên, Warsaw sẽ đưa ra quyết định tương ứng ở cấp quốc gia dựa trên điều khoản an ninh.
Hồi tháng 5, EC đã ra quyết định cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hướng dương từ Ukraine sang Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Romania trước sự kiên quyết của các nước này. Ngày 5/6, lệnh cấm được gia hạn đến ngày 15/9. Khi hạn này sắp đến, năm nước thành viên EU nói trên muốn gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine đến cuối năm, thậm chí yêu cầu mở rộng sang một số sản phẩm khác.
Trước tình hình này, chính quyền Ukraine khẳng định, nếu EC gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine sau ngày 15/9, Kiev có thể xem xét các biện pháp tương tự.
Trong khi đó, EC đang thực sự gặp khó với "Làn đường đoàn kết" khi họ chưa thể tìm được một giải pháp thỏa đáng để các bên cùng có thể chấp nhận cho vấn đề xuất khẩu ngũ cốc Ukraine sang 5 nước láng giềng đều là các thành viên của EU.
Khi thời hạn 15/9 đã đến quá gần, phát ngôn viên của Ủy ban Nông nghiệp và thương mại châu Âu Miriam García Ferrer cho biết, các quan chức có liên quan đã gặp nhau 8 lần, các bên vẫn đang tích cực tìm kiếm giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực của “làn đường đoàn kết”, nhằm xác định các vấn đề và xem xét cách giải quyết. Đến hiện tại, "cùng với đại diện Kiev, họ đã chia sẻ dữ liệu và thông tin thống kê về xuất nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, nhưng không có quyết định nào được đưa lên EC. Họ vẫn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp mà cả hai bên cùng chấp nhận được", phát ngôn viên Ferrer tiết lộ.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến các động thái trừng phạt và trả đũa lẫn nhau, trong đó, nhằm đối phó với việc các cảng Biển Đen của Ukraine bị phong tỏa, EU đã tạo ra "các tuyến đường đoàn kết" ở biên giới các nước thành viên châu Âu với Ukraine, để giúp nước này vận chuyển các thực phẩm, bao gồm cả ngũ cốc, xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đến nay, Ukraine đã trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến đường thay thế của EU.
Tuy nhiên, "tác dụng phụ" của "các tuyến đường đoàn kết" là làm gia tăng lưu lượng nông sản từ Ukraine, gây ra sự phức tạp trên thị trường của 5 quốc gia láng giềng, bao gồm: Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Romania. Điều này khiến nông dân ở các nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ngũ cốc Kiev giá rẻ trên chính thị trường của họ.
Theo thống kê, từ khi "các làn đường đoàn kết" được khởi động cho đến cuối tháng 7/2023, 44 triệu tấn ngũ cốc, hạt hướng dương và các sản phẩm liên quan của Ukraine đã được vận chuyển từ quốc gia này. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều nhóm nông dân ở 5 quốc gia láng giềng với Ukraine tham gia biểu tình để phản đối tình trạng nhập khẩu nông sản ồ ạt từ Ukraine. Các nhà sản xuất ngũ cốc đã chặn một số cửa khẩu biên giới bằng các phương tiện nông nghiệp để phản ứng.
Tính đến tháng 4/2023, theo ước tính, EC cho biết, nông dân từ Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia đã thiệt hại tổng cộng 417 triệu Euro bởi ngũ cốc từ Ukraine có giá rẻ hơn.
Trong khi đó, trong một diễn biến có liên quan ngũ cốc Ukraine, "các tuyến đường thay thế để xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine khó có thể so sánh với các tuyến đường qua Biển Đen", Bộ Quốc phòng Anh mới đây đã nêu điều này trong một báo cáo. “Ukraine đã đạt được thành công khi sử dụng các phương pháp thay thế như đường sông, đường sắt và đường bộ để xuất khẩu ngũ cốc của mình; tuy nhiên, điều này khó có thể so sánh với năng lực của các tuyến xuất khẩu qua Biển Đen”, đánh giá nêu rõ.
| Giá vàng hôm nay 13/9/2023: Giá vàng trong nước neo ở mức cao, thế giới chờ tin Fed, vàng 'mắc kẹt' trong vùng giá thấp Giá vàng hôm nay 13/9/2023 lùi gần về ngưỡng nhạy cảm - 1.900 USD, trong khi các nhà đầu tư vẫn chờ đợi công bố ... |
| Giá cà phê hôm nay 12/9/2023: Giá cà phê tăng mạnh trên các sàn, xuất khẩu giảm tại nhiều nguồn cung khắp thế giới Báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 chỉ đạt 84.647 ... |
| Thêm một thành viên EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng Nga bất ngờ ‘quay xe’ Thủ tướng Hungary Viktor Orbán có kế hoạch thay thế nhiên liệu của Nga tại nhà máy điện hạt nhân. Lý do Budapest ra quyết ... |
| Thổ Nhĩ Kỳ có mạo hiểm khi 'đi trên dây’ trong quan hệ với Nga và phương Tây? Với Thổ Nhĩ Kỳ, giữ mối ràng buộc với phương Tây quan trọng, nhưng cam kết quan hệ với Nga, thậm chí tăng cường hợp ... |
| Bù đắp doanh thu dầu mỏ giảm mạnh, Nga ghi nhận tin vui từ khoản thu chính ngoài năng lượng Bảy tháng đầu năm, doanh thu phi dầu khí của Nga đạt 10,332 nghìn tỷ Ruble (khoảng 106,2 tỷ USD), tăng 19,8% so với cùng ... |