📞

Xuất khẩu nhạc Việt: Con đường còn dài

15:25 | 03/04/2008
Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Đàm Vĩnh Hưng… liên tục "bay show" hải ngoại, lịch diễn "xếp hàng" trước hàng tháng.

"Bé tiếng" hơn một chút trong thị trường nhạc Việt như Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Hoàng Hải, Quang Hà… cũng kiếm được không ít show diễn ở "trời Tây"... Nhìn những chuyến xuất ngoại hát hò rộn ràng ấy, những tưởng ước mơ xuất khẩu nhạc Việt của giới ca hát trong nước đã cận kề hiện thực. Nhưng có đi vào phía trong tấm màn nhung sân khấu biểu diễn mới hiểu, ước mơ ấy vẫn còn là một con đường dài.

 Cộng đồng người Việt ở Mỹ là "điểm đến" rộn ràng nhất của các ca sỹ trẻ Việt Nam. Đắt show nhất phải kể đến Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương. Sau họ là Quang Dũng, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà… Họ xuất ngoại liên tục với lịch diễn kín đặc cả năm. Đi và hát, rồi lại trở về, hát rồi lại đi… sân khấu trong nước và nước ngoài có cảm giác như trong gang tấc, tựa như những chuyến đi lưu diễn ở tỉnh. Phải nói rằng, đó là niềm mơ ước và đích hướng tới của không ít ca sỹ trẻ mới chân ướt chân ráo bước vào làng ca hát, bởi lợi nhuận từ những chuyến đi ấy gấp hàng chục lần so với biểu diễn trong nước. Nhưng có vào cuộc rồi, chạm tới sân khấu chuyên nghiệp rồi mới thấm những nhọc nhằn và nỗi niềm của những chuyến "bay show". Không hề có lối đi hy vọng cho chuyện xuất khẩu nhạc Việt ở đây, bởi những chuyến xuất ngoại biểu diễn này vẫn tiến diễn không theo một kế hoạch, hoặc chương trình có tính tổ chức và quy mô pháp lý chính thức. Tất cả do tài năng tìm kiếm, quan hệ của những ca sĩ năng động trước cơ chế mở hoặc nhờ hoạt động tích cực của manager của các ca sỹ.

 

Đàm Vĩnh Hưng là một điển hình, anh còn có cả một công ty Tiếng hát Việt có khả năng "móc nối" tìm các show diễn cho các ca sỹ trẻ Việt ở nước ngoài. Nhưng hết thảy chỉ loanh quanh trong phạm vi phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà thôi. Và các bài hát hành trang trong các chuyến bay show của ca sỹ Việt hỏi ra mới biết, toàn những ca khúc quen thuộc đến mòn tai người nghe. Ây là các ca khúc tiền chiến hoặc của các nhạc sỹ nổi tiếng như Phạm Duy, Cung Tiên, Phạm Đình Chương... Những ca khúc ấy thì ca sỹ hải ngoại đã mang đến mang về trên sân khấu không biết bao lần. Chỉ có điều mới là ca sỹ trẻ Việt hát không giống họ mà thôi! Ngoài lợi nhuận ra thì chẳng có một mối dây liên hệ nào để ca sỹ Việt có thể bước ra sân khấu biểu diễn với những khán giả đích thực là người nước ngoài. Ca khúc không mới mẻ, nghệ thuật không giàu sang, người nghe cũng trong một phạm vi hẹp… vậy thì lấy đâu ra chuyện xuất khẩu nhạc Việt như một số người từng "nói quá" lên cho những chuyến bay show này?

 Gần đây, giới thưởng thức có nghe phong phanh chuyện ca sỹ Việt hợp tác với các công ty biểu diễn nước ngoài. Sản phẩm "mắt thấy tai nghe" là album "Anh nhớ em" của Lam Trường kết hợp với tập đoàn giải trí Thái Lan GMM, album "Vút bay" của Mỹ Tâm phối hợp với một công ty của Hàn Quốc. Rồi Mỹ Linh phát hành album tại Nhật, Thanh Lam sang Mỹ, Đan Mạch… Thêm cả những kế hoạch dài hơi và đầy triển vọng của Minh Thư, Hồ Ngọc Hà, Đan Trường… ở nước ngoài. Đây không còn là những chuyến bay show hải ngoại nữa mà có thể gọi là những kế hoạch hướng ra quốc tế của các ca sỹ thuộc hàng "đẳng cấp". Và chuyện xuất khẩu nhạc Việt có chăng chỉ có thể tin cậy và đặt tên ở những "dự án âm nhạc" này. Tuy nhiên, đi xa hơn được trên lối mở ấy để đưa nhạc Việt hội nhập với thị trường âm nhạc quốc tế không phải là chuyện dễ làm. Câu chuyện mới chỉ bắt đầu và một con đường dài vẫn đợi chờ các ca sỹ Việt ở phía trước.

 

Thực tế, một số công ty kinh doanh âm nhạc Hàn Quốc đã đến nghiên cứu thị trường Việt Nam. Và, sắp tới sẽ còn nhiều đầu mối sản xuất âm nhạc ở Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan dừng chân trên đất Việt. Chuyện xuất, nhập khẩu âm nhạc dường như đã manh nha hình thành, nhưng ngoái nhìn thị trường trong nước, chợt thấy như thiếu một số điều để có thể hội nhập. Ngoài chất lượng âm nhạc - điều quan trọng hàng đầu - hình như ta còn thiếu những đơn vị quản lý chuyênxuất nhập khẩu âm nhạc, thiếu những nhà quản lý nghệ thuật nhà nghề để có những chiến lược cụ thể để tiếp cận và lăng xê nhạc Việt. Có lẽ giới ca hát phải bù lấp được những khoảng trống kia thì mới mong có cơ hội đưa nhạc Việt ra thế giới.

 

Theo Kinh Tế Đô Thị