📞

Xuất khẩu nông sản trong CPTPP: Cạnh tranh là động lực đổi mới

Hoàng Nam 20:00 | 12/10/2019
TGVN. Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước thành viên CPTPP, không có cách nào khác là hiểu rõ về Hiệp định, tăng cường liên kết và chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.
CPTPP mang lại những cơ hội lớn đi kèm thách thức cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra “sân chơi” với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân, mang lại những cơ hội lớn đi kèm thách thức cho xuất khẩu (XK) nông sản Việt Nam.

Cơ hội, thách thức song hành

Đánh giá về tiềm năng thúc đẩy XK nông sản vào thị trường CPTPP, tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” ngày 8/10, TS. Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Việt Nam có kim ngạch XK cao nhất trong CPTPP là vào Nhật Bản, sau đó đến Canada, Mexico, Malaysia và Brunei.

Nông sản Việt Nam còn có cơ hội đẩy mạnh XK nhờ ưu đãi thuế quan từ nhóm các nước như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand bởi giữa Việt Nam và các nước này đã có ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và FTA trong ASEAN.

Về cơ hội từ Hiệp định CPTPP, tại một hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục một cách hiệu quả những tồn tại của ngành nông nghiệp trong các vấn đề liên quan đến thị trường, chất lượng sản phẩm và tính kết nối giữa các doanh nghiệp.

Cụ thể, theo bà Mai, CPTPP giúp mở rộng thị trường tiêu dùng bởi có các thị trường lớn như Canada, Australia và Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu về 0% cho nông sản Việt Nam. CPTPP cũng tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp thông qua việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu và tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi sản xuất - phân phối còn gặp nhiều khó khăn, liên kết trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, phân phối chưa hiệu quả, việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo.

Đánh giá tầm quan trọng của liên kết giữa các doanh nghiệp và người sản xuất, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, doanh nghiệp là lực lượng tiên phong thâm nhập thương trường quốc tế, hiểu được quy định quốc tế, từ đó quay trở lại hướng dẫn người sản xuất, chế biến, đóng gói và giúp nông dân bao tiêu sản phẩm. “Sự liên kết, hợp tác đó là rất cần thiết và phải đẩy mạnh hơn nữa, đa dạng hơn, hướng sản xuất nông sản an toàn và giá trị cao hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh

Tại Diễn đàn trên, ông Park Hyang Jin, Tổng Giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc) cho rằng, điểm yếu nhất của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đó là công nghệ sản xuất và chế biến hạn chế, đồng thời sự liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản thấp.

Bởi vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, theo doanh nhân Park Hyang Jin, doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng quy chuẩn quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, trong CPTPP, hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật do từng nước quy định, để vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ từng ngành hàng cụ thể, từng nước cụ thể. Tuy nhiên, ông Toản cũng nhấn mạnh, quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc là cốt lõi đầu tiên phải đạt được, sau đó mới đến phát triển thị trường. Ngoài ra, theo ông Toản, doanh nghiệp Việt cũng cần tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Một trong những vấn đề mà các chuyên gia lưu ý, để tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP và sẵn sàng trên sân chơi lớn, doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định; thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Bên cạnh đó, hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn cũng là một hướng đi tốt.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, với tinh thần chủ động nhưng không chủ quan, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các thị trường CPTPP, bao gồm: cải cách thể chế, hành lang pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh như hoàn thiện các luật, nghị định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các nghị định đặc thù như nông nghiệp hữu cơ; triển khai tốt đề án cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu...; tiếp tục đàm phán kỹ thuật và mở cửa thị trường nông sản với các thành viên CPTPP. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khai thác có hiệu quả ưu đãi từ các thị trường CPTPP.

Hơn nữa, nông sản Việt còn phải đối diện với sức ép cạnh tranh tại “sân nhà” khi hàng hóa các nước CPTPP tràn vào, nên việc cải cách mô hình kinh doanh, đầu tư hơn vào dây chuyền sản xuất, nguồn lực lao động và tăng cường liên kết là yếu tố sống còn.