Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp và nhà vườn có hàng xuất khẩu sang TQ lo ngại. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn gốc, xuất xứ các loại hàng xuất khẩu đã là thông lệ của thế giới, đây là lộ trình, đáng ra phải làm từ lâu. Bởi nó có lợi cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Do vậy, việc doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định là việc cần phải làm để hàng hóa không còn bị ách tắc khi xuất khẩu. Phía TQ đã cam kết không tạo khó khăn nào trong buôn bán với Việt Nam, song các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi phương thức buôn bán với TQ, bằng cách chuyên nghiệp hóa, có hợp đồng, hoá đơn, chứng từ.
Quy định về xuất xứ hàng nông sản (gồm: vườn trồng, trang trại, cơ sở đóng gói...) được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch TQ. Theo đó, trái cây Việt Nam xuất khẩu vào TQ và từ TQ vào Việt Nam phải có chứng nhận xuất xứ. Đây thực chất là tiêu chuẩn Viet GAP và Global GAP (chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) mà thế giới đang áp dụng phổ biến. Đây là quy định của cả 2 phía, và bước 1, Việt Nam mới chỉ thực hiện việc thống kê, thông báo vùng sản xuất cho phía TQ.
Hàng hóa phải có xuất xứ, nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời cần bỏ thói quen coi TQ là thị trường tiêu thụ hàng hóa rẻ, chất lượng thấp. TQ đang thay đổi chính sách nhập khẩu của mình theo hướng nâng cao chất lượng các sản phẩm. Nếu đáp ứng tốt nhu cầu này, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang TQ sẽ ít bị ảnh hưởng.
Bộ Công Thương đã lập Tổ công tác để phổ biến cho doanh nghiệp và nhằm tháo gỡ khó khăn khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các loại hoa quả nói trên vào TQ. Có thể bước đầu quy định này sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, nhưng về lâu dài sẽ tạo thuận lợi cho buôn bán giữa hai nước.
Ngày 25/5/2009, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ban hành Công văn số 1382/BNN-QLCL về việc xuất khẩu sắn và 5 loại trái cây sang TQ.
Đối với các sản phẩm trái cây, hai bên đã cam kết: phía TQ cung cấp danh sách các trang trại, vườn trồng và cơ sở bao gói tất cả các loại trái cây của TQ xuất khẩu sang Việt Nam, ngược lại phía Việt Nam cung cấp danh sách các trang trại, vườn trồng và cơ sở bao gói 5 loại trái cây (thanh long, vải, chuối, dưa hấu và nhãn) của Việt Nam xuất khẩu sang TQ; thời hạn để các bên cung cấp cho nhau danh sách là trước ngày 1/7/2009.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến ngày 8/6, mới có 29/63 tỉnh, thành trên cả nước gửi báo cáo thông báo về tình hình sản xuất, diện tích và đăng ký nguồn gốc xuất xứ, đóng bao gói về Cục Trồng trọt (đơn vị tiếp nhận đăng ký 5 loại hàng nông sản trên).
Phan Thanh