Khu vực châu Mỹ, vốn là thị trường nhập gần 129 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam đã giảm mạnh. (Nguồn: Người lao động) |
Thiếu vắng đơn hàng xuất khẩu là tình cảnh chung của các ngành hàng xuất khẩu nước ta trong nửa đầu năm 2023, từ hàng điện tử, dệt may, giày dép cho tới thủy sản, lâm sản..
Tất cả các thị trường xuất khẩu lớn đều giảm đặt hàng từ các nhà cung cấp tại Việt Nam. Trong đó, khu vực châu Mỹ, vốn là thị trường nhập gần 129 tỷ USD hàng hóa của nước ta trong năm ngoái đã giảm mua hàng với trị giá lên tới hơn chục tỷ USD.
Dữ liệu của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang châu Mỹ chỉ đạt 52,58 tỷ USD, bằng 79,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng đơn đặt hàng suy giảm tương đương 13,5 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu sang Bắc Mỹ đạt gần 47 tỷ USD, giảm 22,1% (tương ứng mức giảm 13,3 tỷ USD). Điển hình, 6 tháng qua, xuất sang Mỹ chỉ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ, Canada đạt 2,8 tỷ USD, giảm 13,7%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ bao gồm: điện thoại và linh kiện, máy tính và sản phẩm điện tử, dệt may và da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc và thiết bị phụ tùng, các mặt hàng nông và thủy sản.
Năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng so với năm 2021, đặc biệt trong xuất khẩu.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 153,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 128,2 tỷ USD, tăng 13% và nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3,4%. Việt Nam xuất siêu sang khu vực châu Mỹ 102,5 tỷ USD.
Đóng góp cho mức tăng trưởng xuất khẩu trong khu vực châu Mỹ chủ yếu đến từ các thị trường chính như Mỹ, các nước CPTPP trong khu vực châu Mỹ (Canada, Mexico, Chile và Peru) và các nước khối Mercosur.
Cầu tại các thị trường lớn đều phục hồi chậm, nhưng lo ngại với các ngành hàng xuất khẩu trong nước, điển hình là dệt may, da giày…là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét.
Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam), khiến cho đơn hàng ít đi.