📞

Xuất siêu năm 2021 đạt 4 tỷ USD, tạo đà phục hồi ‘sức khỏe’ doanh nghiệp hậu Covid-19 thế nào?

Thu Hà 14:17 | 29/12/2021
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, với việc xuất hiện ca nhiễn đầu tiên của biến thể Omicron, biến thể có tốc độ lây lan nhanh và “né” miễn dịch, việc phục hồi nền kinh tế trở nên khó khăn muôn phần.
Trong năm 2021, Việt Nam xuất siêu đạt 4 tỷ USD. (Nguồn: Robotics Business Review)

Vượt qua những khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Trong những tháng cuối năm 2021, nền kinh tế nước ta đã có nhiều tín hiệu khả quan.

Xuất siêu 4 tỷ USD

Sáng 29/12, trong cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý IV và năm 2021 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước tính xuất siêu 4 tỷ USD, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.

Trong năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%), trong khi đó, có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.

Năm 2021 xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD, tăng 53%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 127,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước tính xuất siêu 4 tỷ USD, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Việt Nam vẫn xuất siêu là kết quả tích cực, chứng tỏ các doanh nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để duy trì và phục hồi sản xuất phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.

Về dịch vụ, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,67 tỷ USD, giảm 51,7% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 19,41 tỷ USD, tăng 8,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2021 là 15,73 tỷ USD; trong đó, phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu là 8,24 tỷ USD.

Chính phủ hỗ trợ tạo đà

Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành kịp thời và tích cực triển khai đã đưa các hoạt động kinh tế-xã hội dần trở về trạng thái “bình thường mới”.

Tuy vậy, để tạo bước đột phá trong năm 2022, tạo đà giúp các doanh nghiệp “phục hồi sức khỏe”, ngoài việc tự thân doanh nghiệp, với vai trò là động lực cho nền kinh tế phát triển, cần chủ động hơn về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, một điều kiện quan trọng là sự chung tay của Chính phủ.

Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ sẽ tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP cũng như hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại đáp ứng phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh.

Bộ Công Thương cho hay, sẽ bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất, đồng thời tập trung vào các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhận được nhiều cơ hội hơn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ làm việc để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải cũng như tổ chức các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên nền tảng trực tuyến và các nền tảng mới.

Cùng với việc tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Với những tín hiệu tích cực trong quý IV/2021, cùng với các cam kết của Bộ Công Thương, đơn vị đầu tàu kinh tế của cả nước, chúng ta có quyền hy vọng vào một triển vọng kinh tế sáng trong năm 2022.