Back to E-magazine
e magazine
08:50 | 08/03/2023
Xúc động cuộc gặp mặt Hội Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis

08:50 | 08/03/2023

Niềm xúc động và tự hào dường như vẫn vẹn nguyên với các cựu thành viên hai Đoàn Đại biểu quân sự ta trong Ban Liên hợp quân sự khi họ dự cuộc gặp mặt để ôn lại những sự kiện đã lùi xa 50 năm.

Xúc động cuộc gặp mặt Hội Cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự - Trại Davis

Niềm xúc động và tự hào dường như vẫn vẹn nguyên với các cựu thành viên hai Đoàn Đại biểu quân sự ta trong Ban Liên hợp quân sự khi họ dự cuộc gặp mặt để ôn lại những sự kiện đã lùi xa 50 năm.

Cuộc gặp mặt xúc động của các Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis

Đầu tháng 3 này, tại Hà Nội, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự (BLHQS) - Trại Davis đã tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023), tiến tới kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và kết thúc thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự của hai đoàn Đại biểu quân sự thi hành Hiệp định Paris ở miền Nam.

Tới dự buổi gặp mặt có gần 80 thành viên Hội Cựu chiến binh BLHQS - Trại Davis.

Ba nhiệm vụ quan trọng của "trận địa tiền tiêu"

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa 4 bên: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Phát biểu khai mạc cuộc gặp, Đại tá Đào Chí Công, Trưởng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh BLHQS - Trại Davis, cho biết, theo điều khoản của Hiệp định, BLHQS 4 bên được thành lập để bảo đảm việc thực thi Hiệp định.

Cuộc gặp mặt xúc động của các Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis

Đại tá Đào Chí Công phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt, được tổ chức ngày 5/3 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Phúc)

Trại Davis chính là trụ sở của BLHQS 4 bên (sau là trụ sở BLHQS 2 bên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) từ ngày 28/1/1973 đến ngày 30/4/1975. Trong bối cảnh Mỹ và ngụy quyền tìm cách phá hoại tiến trình thực hiện Hiệp định, tại Trại Davis, hai đoàn đại biểu quân sự ta dựa trên các điều khoản đã được ký kết của Hiệp định để đấu tranh giành thắng lợi trên lĩnh vực ngoại giao pháp lý quân sự và trận địa dư luận; đồng thời biến trại thành một “trận địa tiền tiêu” ngay giữa lòng Sài Gòn.

Trong diễn văn đọc tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang của hai Đoàn đại biểu quân sự năm 2012 đã nêu: “Nếu như Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài đầy khó khăn phức tạp, thì cuộc đấu tranh buộc đối phương phải tuân thủ và thực thi các điều khoản của Hiệp định là cuộc đấu trí đấu lý hết sức cam go, quyết liệt, gian khổ, hy sinh trên mặt trận ngoại giao quân sự”.

Nhiệm vụ của hai đoàn đại biểu quân sự được xác định trong Hiệp định Paris là bảo đảm phối hợp hành động của các bên trong việc thi hành các điều khoản về quân sự đã được ký kết giữa các bên, trong đó, các nhiệm vụ đặc biệt phải thực hiện là: Đấu tranh buộc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày; đấu tranh buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải thực hiện việc trao trả tù binh và tù dân sự; đấu tranh tố cáo, vạch trần âm mưu thủ đoạn của Mỹ tiếp tục thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng cố vấn, đô la, vũ khí hiện đại và các căn cứ quân sự của Mỹ để tiếp tay cho chính quyền Sài Gòn tiếp tục âm mưu chia cắt lâu dài nước ta; tổ chức tốt các hoạt động thông tin báo chí dư luận, lên án mạnh mẽ âm mưu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc chúng phải chấm dứt việc vi phạm Hiệp định”.

Trong cuộc tấn công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh, hai Đoàn đại biểu quân sự ta vẫn bám trụ kiên cường ở Trại Davis và đã thực hiện thành công ba nhiệm vụ rất quan trọng: Phát huy cao độ cuộc đấu tranh dư luận để góp phần cô lập triệt để đối phương; thực hiện quan sát tại chỗ tình báo chiến thuật và chiến lược, giúp các cấp lãnh đạo và chỉ huy đánh giá đúng tình hình địch; và thực hiện nghi binh chiến lược, làm cho đối phương hoang mang và phán đoán sai ý đồ, kế hoạch chiến lược và hoạt động quân sự của ta. Ông Đào Chí Công cho rằng đây là những kết quả rất độc đáo mà đội quân ngoại giao quân sự đã thực hiện.

Cuộc gặp mặt xúc động của các Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis

Ông Phan Đức Thắng cho rằng, quá trình thi hành Hiệp định Paris là cuộc đấu tranh để đưa Hiệp định vào thực tiễn khốc liệt ở chiến trường miền Nam, để kiểm nghiệm tính đúng đắn của việc ký kết Hiệp định.

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Và 832 ngày bám trụ tại Trại Davis là quãng thời gian đấu trí, đấu lý đầy cam go với nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với các nhân chứng lịch sử một thời.

Ông Phan Đức Thắng, nguyên sĩ quan phiên dịch, từng là thành viên Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong BLHQS - Trại Davis cho biết, thời đó, hai Đoàn Đại biểu quân sự ta gặp rất nhiều khó khăn. Đó là phải hoạt động trong lòng địch, bị “giam lỏng” trong Trại Davis; khi đi công tác bên ngoài Trại luôn có quân cảnh “dẫn đường”, cảnh sát “khóa đuôi” và các nhân viên an ninh, mật vụ, tình báo vây quanh; khi đi công tác ở các địa phương, thường bị đe dọa và hành hung, gây ra thương vong cho một số đồng chí...

“Nếu hai Đoàn đại biểu ta đàm phán ở Paris giống như ‘chơi trên sân nhà’, thì hai Đoàn đại biểu quân sự ta đấu tranh thi hành Hiệp định Paris ở miền Nam giống như ‘chơi trên sân đối phương’ - một đối phương thù nghịch, bất chấp mọi luật chơi và tìm mọi cách để cô lập chúng ta, kể cả với các ‘cổ động viên’ của chúng ta”.

Ông Thắng cũng kể về cuộc họp báo hằng tuần cuối cùng sáng 26/4/1975 - một sự kiện theo ông đã để lại ấn tượng hết sức sâu đậm.

“Hôm đó phòng họp báo đông nghẹt người. Đồng chí Võ Đông Giang công bố Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời về các điều kiện để mở đàm phán, gồm 9 điều kiện với Mỹ và 7 điều kiện với chính quyền Sài Gòn, thực chất là ‘tối hậu thư’ buộc Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào tình hình nội bộ miền Nam và chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Cuộc họp báo cho thấy thế đứng vững vàng của chúng ta trước dư luận, thế đứng của những người chiến thắng. Đấy là kết quả của mặt trận đấu tranh dư luận nói chung, trong đó có đóng góp của cuộc đấu tranh dư luận mà hai Đoàn đại biểu quân sự ta thực hiện ở Sài Gòn”.

Cuộc gặp mặt xúc động của các Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis

“Lúc đó, nước mắt tôi cứ trào ra, cảm xúc không thể kìm chế được”, ông Phạm Văn Lãi nói.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Lãi, cũng là một thành viên Đoàn đại biểu quân sự ta trong BLHQS - Trại Davis, bồi hồi khi kể lại khoảnh khắc treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) trên đỉnh cao nhất của tháp nước trong trại Davis - Sân bay Tân Sơn Nhất lúc 9h30 sáng ngày 30/4/1975 lịch sử.

Ông cho biết, được lệnh của Trưởng đoàn - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và Trưởng ban chính trị Mười Sương, ông đã vào kho chọn được một lá cờ lớn nửa xanh, nửa đỏ, giữa là sao vàng 5 cánh - cờ của MTDTGP, và nhanh chóng ôm cờ chạy về phía tháp nước. Lấy ống nước làm cán cờ, ông được đồng đội là Nguyễn Văn Cẩn - lúc đó đang đứng gác, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời treo cờ vào cán và buộc vào đỉnh cao nhất của tháp nước.

"Lúc đó, nước mắt tôi cứ trào ra, cảm xúc không thể kìm chế được".

Khi nhìn thấy lá cờ tung bay phần phật trên bầu trời Sài Gòn lộng gió, trong lòng ông dâng lên niềm tự hào khôn tả, vì nghĩ rằng, các mũi tấn công của quân ta khi đang tìm cách tiến vào nội đô, nhìn thấy lá cờ ngạo nghễ tung bay trên đỉnh cao của tháp nước sẽ có thêm động lực tấn công vào sào huyệt của địch. Còn đối phương, nhìn thấy lá cờ của MTDTGP bay trong Trại Davis gần Bộ Tổng tham mưu của chính quyền Sài Gòn cũng sẽ hoang mang mà tự tan rã.

“Lúc đó, nước mắt tôi cứ trào ra, cảm xúc không thể kìm chế được”, ông nói.

Với ông Phạm Văn Lãi, những ngày tháng đấu tranh ngoại giao quân sự tại Trại Davis và nhất là giờ phút thiêng liêng ngày 30/4/1975 lịch sử - một mốc son chói lọi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thực sự là quãng thời gian khiến ông luôn tự hào.

Kể về quá trình xây dựng và bảo vệ lực lượng thông tin, báo chí tại trụ sở BLHQS - Trại Davis, ông Trương Việt Cường - Kỹ sư, Trưởng phòng Kỹ thuật thông tin-TTXVN phụ trách kỹ thuật trong Trại Davis, cho biết, từ ngày 28/1/1973 cho đến ngày 30/4/1975, ta đã xây dựng và bảo vệ được hệ thống thu phát vô tuyến điện tử thông tin đủ mạnh giữa “Ốc đảo Sài Gòn”, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Paris và Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

“Hệ thống thông tin thu phát vô tuyến điện tử và thông tin báo chí của chúng ta ở Trại Davis đã vượt qua khó khăn về vật chất kỹ thuật và sự phá hoại điên cuồng của kẻ địch, là tai mắt hiệu quả giúp cho ban lãnh đạo BLHQS”, ông Cường nói.

Ông cho biết, lực lượng sĩ quan, phóng viên thông tấn của BLHQS đã đi đến các điểm để giám sát các cuộc trao trả tù binh, chống lại sự phá hoại hành hung của kẻ địch và trong những ngày tổng tiến công của ta đã vững vàng lập trận địa giao thông hào, địa đạo, sẵn sàng chống lại cuộc phá hoại của kẻ địch khi chúng cùng đường tháo chạy.

Trong những ngày đầu giải phóng 30/4/1975, Hệ thống kỹ thuật thu phát và phóng viên, biên tập cũng đã thực hiện ngay những nhiệm vụ được giao, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

Cuộc gặp mặt xúc động của các Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis

Ông Trương Việt Cường - Kỹ sư, Trưởng phòng Kỹ thuật thông tin-TTXVN phụ trách kỹ thuật trong Trại Davis, chia sẻ tại cuộc gặp mặt.

Nghệ thuật ngoại giao quân sự đỉnh cao

Nhiều đại biểu dự cuộc gặp mặt cho rằng, nói đến Hiệp định Paris là nói đến quá trình đàm phán gần 5 năm ở Paris, nội dung của các văn bản ký kết ngày 27/1/1973 và quá trình thi hành Hiệp định (28/1/1973 - 30/4/1975). Khi có cả ba mảng nội dung này, thì Hiệp định Paris được coi là đầy đủ, hoàn chỉnh.

Quá trình thi hành Hiệp định Paris là cuộc đấu tranh để đưa Hiệp định vào thực tiễn khốc liệt ở chiến trường miền Nam, để kiểm nghiệm tính đúng đắn của việc ký kết Hiệp định, quyết định tại chỗ những kết quả đã giành được trên bàn đàm phán và khẳng định thắng lợi trọn vẹn của Hiệp định. Bằng cuộc đấu tranh đó, chúng ta buộc đối phương phải thi hành Hiệp định trên thực địa, mở ra khả năng kết thúc chiến tranh, đất nước được hòa bình và thống nhất, hòa giải và hòa hợp dân tộc được thực hiện.

Nếu đối phương ngoan cố phá hoại, chúng ta sẽ có đầy đủ cơ sở chính trị, ngoại giao, pháp lý và lợi thế về so sánh lực lượng để giành thắng lợi quyết định trên chiến trường, giải phóng miền Nam bằng bạo lực cách mạng. Thực tế trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ đã diễn biến theo hướng thứ hai.

Thay mặt các cựu chiến binh từng tham gia mặt trận ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Paris đọc bài tham luận về quá trình thi hành Hiệp định, ông Phan Đức Thắng cho biết, trong cuộc đấu tranh quyết liệt để buộc đối phương phải thi hành các điều khoản về quân sự, chúng ta đã thu được những kết quả cụ thể, có ý nghĩa to lớn. Trong đó, hai Đoàn đại biểu quân sự ta đã đấu tranh trực diện, quả cảm và khôn khéo, góp phần buộc Mỹ phải rút hết quân Mỹ và quân đồng minh (53.956 người) trong thời hạn 60 ngày theo quy định tại Hiệp định Paris và đúng với chủ trương nhất quán của Đảng ta là “quân Mỹ phải ra, còn quân ta thì ở lại”.

Hai Đoàn cũng đấu tranh kiên quyết để thực hiện việc trao trả tù binh và tù dân sự của các bên, trong đó ta đã trả cho Mỹ 554 tù binh (gồm 527 phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc và 27 binh sỹ Mỹ bị bắt ở miền Nam); nhận lại phần lớn tù binh của ta (26.492 người) và một phần tù dân sự của ta (5.075 người). Ta cũng trả cho phía Sài Gòn 5.426 tù binh và 637 tù dân sự của họ bị ta bắt trong chiến tranh.

Theo ông Thắng, những kết quả trên đây chứng minh việc ký kết Hiệp định Paris là một chủ trương đúng đắn, góp phần quyết định tại chỗ kết quả giành được trên bàn đàm phán và khẳng định thắng lợi trọn vẹn của Hiệp định Paris. Ông cũng cho rằng, những kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng ta, trong đó có chủ trương mở mặt trận tiến công ngoại giao (tháng 1/1967), tiến hành song song ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.

"Như vậy, yếu tố quyết định thắng lợi cuối cùng của chúng ta là sức mạnh tổng hợp của cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, trong đó ngoại giao quân sự là một bộ phận của mặt trận đấu tranh ngoại giao nói chung. Nhờ sức mạnh tổng hợp đó, chúng ta đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán sau 14 năm chiến đấu, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris sau gần 5 năm đám phán và giành được thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn chỉ sau 823 ngày thi hành Hiệp định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, ông Thắng nói.

Cuộc gặp mặt xúc động của các Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis

Tại buổi gặp mặt, Ban liên lạc Trại Davis thừa ủy quyền của Bộ Ngoại giao, trao quyết định tặng 6 cá nhân là hội viên Kỷ niệm chương “Về thành tích đóng góp vào việc thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam”.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Văn Khả (95 tuổi), nguyên Cục phó Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Trưởng ban Bảo vệ, kiêm Phó Trưởng ban trao trả tù binh Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Trưởng Ban liên lạc Trại Davis chia sẻ, đọc cuốn sách Tổng kết chiến tranh của Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, ông rất tâm đắc với bài học kinh nghiệm về chiến tranh nhân dân, đó là: “Nghệ thuật tiến hành chiến tranh hay nhất, đạt hiệu quả chiến lược lớn nhất của ta là nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao phát triển đến trình độ cao”.

“Nghệ thuật tiến hành chiến tranh hay nhất, đạt hiệu quả chiến lược lớn nhất của ta là nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao phát triển đến trình độ cao”.

Kể về thời khắc 11h30 ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ông Khả cho biết, lúc đó cả hội trường sở chỉ huy tiền phương của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã như vỡ òa. Các tiếng hô vang lên: “Toàn thắng rồi!”, “Dân tộc Việt Nam toàn thắng rồi!”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng rồi!”. Mọi người siết chặt tay nhau, nhiều người vui trào nước mắt…

“Đúng là cả một đời người mới có được một lần như thế, nhiều đời người mới có một lần như thế! Dân tộc Việt Nam, sau hơn 100 năm bị đế quốc thực dân xâm lược, đã cảm thấy rất hạnh phúc, ai cũng vinh dự tự hào được góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng cao nhất của dân tộc Việt Nam”, ông nói.

Ông Khả cũng bày tỏ, những nhân chứng lịch sử có mặt trong khán phòng hiện đã ở lứa tuổi 70, 80 sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia các cuộc gặp mặt sau này, để có thể tiếp tục kể mãi những câu chuyện về quãng thời gian đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Paris đầy cam go, quyết liệt, nhưng cũng rất xúc động và tự hào.

Cuộc gặp mặt xúc động của các Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis

Bài: Nguyễn Kim-Đức Trí

Ảnh: Phan Đức Thắng, Quang Phúc

Đọc thêm

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham dự cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Nga lần thứ 20

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham dự cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Nga lần thứ 20

Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Nga và đề nghị Nga phối hợp thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tầm vóc mối quan hệ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng điện đàm với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao UAE Ahmed Ali Al Sayegh

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng điện đàm với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao UAE Ahmed Ali Al Sayegh

Chiều ngày 26/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã điện đàm với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arb thống nhất (UAE) Ahmed Ali Al Sayegh.
Sâu lắng chương trình 'Cùng hát vang bài ca cuộc đời' chào mừng lễ 30/4 và 1/5

Sâu lắng chương trình 'Cùng hát vang bài ca cuộc đời' chào mừng lễ 30/4 và 1/5

Đêm nhạc 'Cùng hát vang bài ca cuộc đời' trình diễn các ca khúc được viết lời bởi PGS.TS Lê Thanh Bình để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam: Hiệp định Geneva gợi nhắc về tầm quan trọng của hòa bình

Các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam: Hiệp định Geneva gợi nhắc về tầm quan trọng của hòa bình

Tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng và những bài học còn nguyên giá trị đến ngày nay của sự kiện lịch sử này.
Trao Giấy Chấp nhận lãnh sự cho Tổng Lãnh sự của Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng

Trao Giấy Chấp nhận lãnh sự cho Tổng Lãnh sự của Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng

Ngày 25/4, tại trụ sở Cục Lãnh sự, Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh đã trao Giấy Chấp nhận lãnh sự cho ông Mori Takero, tân Tổng Lãnh sự của Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng.
Việt Nam kêu gọi chấm dứt leo thang căng thẳng Trung Đông

Việt Nam kêu gọi chấm dứt leo thang căng thẳng Trung Đông

Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực hòa giải hướng tới một giải pháp bền vững, lâu dài cho cuộc xung đột đang diễn ra và tiến trình hòa bình Trung Đông trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.