Azerbaijan đã vô hiệu hóa S-300 trong xung đột với Armenia. (Nguồn: Sputnik) |
Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, một ngày trước đó, trong cuộc giao tranh tại khu vực Khojavend ở Nagorno-Karabakh, các binh sĩ Azerbaijan đã vô hiệu hóa hệ thống S-300 của Lực lượng vũ trang Armenia.
Cơ quan này cho biết thêm, kể từ khi cuộc xung đột ở Karabakh leo thang, Armenia đã mất khoảng 130 xe bọc thép và khoảng 2.700 người thiệt mạng và bị thương.
Cùng ngày, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói với BBC rằng Nga, Mỹ và Pháp, trên cương vị đồng Chủ tịch của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (CSTO) tại Nhóm Minsk, nên tích cực hơn trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Ông Pashinyan nêu rõ: “Moscow, về mặt chính thức và pháp luật, là đối tác chiến lược của Armenia, nhưng thực tế hiện tại Moscow hoàn toàn trung lập... Nga là một thành viên đồng Chủ tịch Nhóm Minsk, và thành thật mà nói, nhiệm vụ của Nga là trung lập. Nhưng tôi nghĩ Nga, Mỹ và Pháp không chỉ nên ủng hộ sự ổn định và hòa bình, mà còn có thể nỗ lực hơn nữa vì điều đó."
Tuy nhiên, ông Pashinyan đã từ chối tham gia các cuộc hòa đàm với Azerbaijan do Nga làm trung gian, tuyên bố rằng: "Rất không thích hợp khi nói về một hội nghị cấp cao giữa Armenia, Azerbaijan và Nga vào thời điểm những hành động thù địch gia tăng. Cần phải có bầu không khí và điều kiện phù hợp cho các cuộc đàm phán".
Ngoài ra, Thủ tướng Pashinyan cũng cho biết, Yerevan không cân nhắc việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh.
Trước đó, ngày 28/9, Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toganyan tuyên bố, Yerevan không có ý định nộp đơn lên CSTO để được hỗ trợ về tình hình ở Nagorno-Karabakh, nhưng có thể đề nghị Nga cung cấp vũ khí mới.
Tuy nhiên, hôm 29/9, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin kiên quyết phản đối hành động đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh khi nói về khả năng Nga hỗ trợ quân sự cho Armenia thông qua CSTO.