📞

Xung đột Israel - Hamas ‘bước vào giai đoạn mới’, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng, Nga nói gì?

Minh Vương 08:02 | 29/10/2023
Nhà nước Do Thái nỗ lực giải cứu con tin, Iran và Qatar chỉ trích… là một số tin tức đáng chú ý về xung đột Israel - Hamas.
Xung đột Israel - Hamas đang 'bước sang giai đoạn mới' - Ảnh: Pháo tự hành M109 155mm của Israel bắn vào Dải Gaza từ phía Nam Israel, ngày 28/10. (Nguồn: AFP/Getty Images)

* Israel: Xung đột ở Dải Gaza “bước vào giai đoạn mới”: Ngày 28/10, trong phát biểu qua video, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nêu rõ: “Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới của xung đột. Đêm qua, mặt đất ở Gaza đã rung chuyển. Chúng ta đã tấn công trên mặt đất và dưới lòng đất (ám chỉ mạng lưới các đường hầm quân sự của lực lượng Hamas bên dưới lòng đất của Dải Gaza)… Chỉ dẫn cho các lực lượng là rất rõ ràng: tiếp tục hành động cho đến khi có thông báo mới”.

Trước đó, ông Gallant tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình với các quan chức cấp cao, trong đó có Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (Shin Bet), Giám đốc Cơ quan Tình báo bí mật (Mossad) và chỉ huy các đơn vị tình báo để xác định vị trí giam giữ các con tin ở Dải Gaza.

Cùng ngày, IDF thông báo: “Kể từ tối 27/10, lực lượng chiến đấu tổng hợp gồm thiết giáp, công binh và bộ binh đã hoạt động trên mặt đất ở phía Bắc Dải Gaza”.

Lực lượng trên cũng phát thông báo yêu cầu người dân Palestine ở phía Bắc Dải Gaza nhanh chóng rời xuống phía Nam để Israel triển khai các chiến dịch quân sự.

Trong ngày, viết trên mạng xã hội X, người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nêu rõ: “Đây là một khuyến nghị quân sự khẩn cấp. Vì sự an toàn trước mắt của bạn, chúng tôi kêu gọi tất cả người dân ở phía Bắc Gaza và thành phố Gaza hãy tạm thời di dời về phía Nam. Hoạt động sắp tới của IDF đã được ấn định để vô hiệu hóa mối đe dọa của Hamas một cách chính xác và mạnh mẽ”.

Trước đó, cuộc tấn công ngày 7/10 của lực lượng Hamas vào Israel đã khiến 1.400 người dân nước này thiệt mạng. Đáp lại, Israel đã phong tỏa và bắn phá Gaza trong 3 tuần qua.

Tính đến ngày 28/10, Sở Y tế Dải Gaza thông báo, hơn 8.000 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó một nửa là trẻ em. Một báo cáo khác được công bố sáng sớm cùng ngày cho thấy có 7.703 người Palestine thiệt mạng.

* Thủ tướng Israel: Xung đột ở Dải Gaza “sẽ kéo dài và khó khăn”: Ngày 28/10, trả lời họp báo sau khi gặp gia đình các con tin ở Gaza, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ: “Xung đột ở Dải Gaza sẽ kéo dài và khó khăn, chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó… Đây là giai đoạn thứ hai của xung đột, với mục tiêu rõ ràng: tiêu diệt năng lực quân sự và lãnh đạo của Hamas, đồng thời đưa các con tin về nhà… Chúng tôi đã nhất trí đưa ra quyết định mở rộng chiến dịch trên bộ”.

Về công tác giải cứu con tin, ông cho biết, Israel sẽ xem xét "mọi phương án” để bảo đảm việc trả tự do cho hơn 220 con tin bị Hamas bắt giữ tới Dải Gaza hôm 7/10. Ông không đưa ra cam kết với bất kỳ thỏa thuận trao đổi nào nhưng khẳng định chính quyền sẽ “sử dụng mọi lựa chọn để đưa họ (con tin) về nhà”.

Trong khi đó, một nguồn thạo tin giấu tên tiết lộ, cuộc đàm phán giữa Israel và lực lượng Hamas nhằm giảm leo thang tình hình ở Gaza vẫn tiếp tục trong ngày 28/10, ngay cả khi Israel tăng cường tấn công tại khu vực này.

Theo nguồn tin, các cuộc thảo luận trên, do Qatar làm trung gian, chưa đổ vỡ, song đang diễn ra với “tốc độ chậm hơn nhiều” so với trước khi tình hình leo thang vào tối 27/10.

* Hamas cáo buộc Israel cản trở về vấn đề con tin: Ngày 28/10, người phát ngôn của Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam của Hamas Abu Ubaida tuyên bố, lực lượng này đã gần đạt được thỏa thuận với Israel về vấn đề các con tin đang bị phong trào này giam giữ, nhưng Israel đã “cản trở” khả năng này.

Ông Ubaida cũng cho biết, Hamas chỉ có thể thả toàn bộ con tin nếu Israel trả tự do cho tất cả tù nhân Palestine. Ngoài ra, lực lượng này có thể thương lượng với Nhà nước Do Thái về thỏa thuận “từng phần” liên quan đến các con tin.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp gỡ các gia đình có người thân bị Hamas bắt cóc tới Dải Gaza, ngày 28/10. (Nguồn: GPO)

* Các nước tiếp tục lên tiếng về tình hình Dải Gaza: Ngày 28/10, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết “trở ngại của Israel”, trong đó có thủ tục kiểm tra xe tải, đang cản trở việc chuyển hàng viện trợ nhanh chóng tới Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah nối Ai Cập với lãnh thổ Palestine.

Người phát ngôn của bộ này nêu rõ, các xe tải chở hàng cứu trợ phải được kiểm tra tại cửa khẩu Nitzana của Israel, trước khi đến Rafah trong hành trình dài 100 km tới dải đất ven biển. Điều này gây trở ngại, làm chậm trễ đáng kể việc chuyển hàng đến Gaza.

Cửa khẩu Rafah, do Ai Cập kiểm soát và không giáp biên giới Israel, đã trở thành điểm cung cấp viện trợ chính kể từ khi Israel bao vây Dải Gaza. Ngày 27/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, trước xung đột, mỗi ngày có khoảng 500 xe tải đi vào Dải Gaza, song trong những ngày gần đây, trung bình chỉ có 12 xe tải được phép vào vùng lãnh thổ này.

Cùng ngày, điện đàm với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố, sự ủng hộ Israel của một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã cho phép nước này thực hiện các hành vi ở Gaza.

Trong khi đó, Quốc vương Qatar đánh giá, những gì đang diễn ra tại Gaza là “bằng chứng về tiêu chuẩn kép của một số nước”, đồng thời nhấn mạnh, các nước Hồi giáo khu vực cần đoàn kết.

Về phần mình, phát biểu tại cuộc tuần hành ủng hộ Palestine ở thành phố Istanbul trước hàng trăm nghìn người ủng hộ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại rằng Hamas không phải là một tổ chức khủng bố".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho hay, nước này đã rút một số phái viên ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ. Viết trên mạng xã hội X, ông nêu rõ: “Trước những tuyên bố nghiêm trọng đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã ra lệnh cho các đại diện ngoại giao ở đó trở về để đánh giá lại mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về quyết định trên.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Belta (Belarus), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc Israel ném bom Dải Gaza là “trái với luật pháp quốc tế và có nguy cơ gây ra một thảm họa có thể kéo dài hàng thập niên”.

Theo ông, mặc dù Moscow chỉ trích gay gắt hành vi của Hamas, song nước này không đồng tình với việc “tấn công bừa bãi các mục tiêu có dân thường sinh sống, bao gồm cả những con tin đã bị bắt giữ”.

Ngoài ra, ông Lavrov nhận định rằng, không thể tiêu diệt Hamas, điều Israel thề sẽ làm, mà không phá hủy Gaza và làm tổn hại những người sinh sống ở đây. Ông cảnh báo: “Nếu Gaza bị phá hủy và 2 triệu dân phải rời đi… điều này sẽ gây ra thảm họa trong nhiều thập niên, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ. Cần phải dừng lại và đưa ra các chương trình nhân đạo cứu những người dân đang bị phong tỏa”.

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga khẳng định, Moscow đang liên lạc chặt chẽ với Israel và gửi tín hiệu về sự cần thiết của tìm kiếm giải pháp hòa bình.

(theo AFP, Reuters, Sputnik, Tân Hoa xã)