Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố triển vọng chấm dứt giao tranh giữa nước này với phong trào Hamas của người Palestine chưa hiện hữu. (Nguồn: Getty Images) |
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: "Chiến dịch của chúng ta chống lại các tổ chức khủng bố sẽ được duy trì với toàn bộ sức mạnh. Chúng ta đang và sẽ hành động chừng nào còn cần thiết nhằm khôi phục sự ổn định tới tất cả các bạn - những công dân Israel. Điều này sẽ cần thời gian".
Ngoài ra, Thủ tướng Netanyahu cũng cho biết, tòa nhà cao tầng tại Gaza bị Israel không kích vào cuối tuần này - vốn có văn phòng của các hãng tin AP và Al Jazeera - "có văn phòng tình báo của tổ chức khủng bố Palestine, vốn đã âm mưu và tiến hành các vụ tấn công khủng bố chống lại dân thường Israel, vì vậy đây là mục tiêu hợp pháp".
Theo nhà lãnh đạo Israel, thông tin liên quan tới vụ tấn công hôm 15/5 đã được chia sẻ với giới chức Mỹ.
Cũng trong ngày 16/5, cảnh sát thông báo, một vụ đâm xe đã xảy ra tại "điểm nóng" Sheikh Jarrah, ở Đông Jerusalem bị Israel chiếm đóng - khiến một số người bị thương, trong đó có 4 cảnh sát. Đối tượng tấn công đã bị bắn.
Cùng ngày, báo Bild and Sonntag đã dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đề xuất ý tưởng 3 bước nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột có nguy cơ bùng phát diện rộng này, gồm ngừng tấn công bằng tên lửa; chấm dứt bạo lực và trở lại đàm phán về các bước cụ thể nhằm xây dựng lòng tin giữa Israel-Palestine và về giải pháp hai nhà nước.
Theo kế hoạch, vào ngày 18/5 tới, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp khẩn trực tuyến bàn về tình hình hiện nay nhằm thảo luận các biện pháp EU có thể làm nhằm góp phần chấm dứt bạo lực.
Trong khi đó, ứng cử viên Thủ tướng Đức của đảng Xanh Annalena Baerbock cũng kêu gọi chính phủ Đức can dự mạnh mẽ hơn vào cuộc xung đột Israel-Palestine và đưa chuyên gia hòa giải tới khu vực.
Theo bà Baerbock, chính phủ Đức giờ đây phải đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao và cử các đại diện cấp cao tới khu vực nhằm phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để lập tức chấm dứt bạo lực giữa các bên xung đột.
Các chính trị gia đối ngoại của liên đảng CDU/CSU và đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng kêu gọi Đức cần đẩy mạnh vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Trung Đông hiện nay.