Thủ tướng netanyahu cho biết, Israel sẽ tiếp tục tấn công phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine cho đến khi khôi phục bình yên cho mọi người dân Israel. (Nguồn: Anadolu) |
Tuyên bố trên được ông Netanyahu đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng, Ai Cập vừa đề nghị một lệnh ngừng bắn mới giữa Israel và nhóm Hamas đang quản trị Dải Gaza, bắt đầu từ 6h sáng ngày 20/5 (10h cùng ngày theo giờ Hà Nội).
Tuy nhiên, cổng thông tin Dunya Al Watan của Palestine dẫn lời quan chức thuộc nhánh chính trị của Hamas, ông Izzat al-Rishq, cho biết, phong trào này đã phủ nhận thông tin về khả năng sẵn sàng ngừng bắn với Israel.
Ông Izzat al-Rishq khẳng định: “Không có thỏa thuận nào đạt được. Không có khung thời gian chính xác cho lệnh ngừng bắn. Những nỗ lực hòa giải và tiếp xúc vẫn đang tiếp tục không ngừng nghỉ”.
Trước đó, ngày 18/5, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn một nguồn tin chính thức ở Cairo cho biết, Ai Cập phối hợp với chính quyền Mỹ đã đưa ra đề xuất ngừng bắn giữa Israel-Palestine vào lúc 6h ngày 20/5 theo giờ địa phương.
Trong khi đó, ngày 19/5, các nguồn tin từ cánh quân sự của phong trào Hamas đã bác bỏ tuyên bố rằng, chỉ huy của lực lượng này Muhammad Deif đã 2 lần trở thành mục tiêu trong các nỗ lực ám sát bất thành của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hồi tuần trước.
Phóng viên Ibrahim al-Madhoun tại Gaza, được cho là có quan hệ thân thiết với các thủ lĩnh quân sự của Hamas, dẫn các nguồn tin cho biết, ông Deif “đang tiếp tục chỉ huy cuộc chiến. Việc công bố thông tin về âm mưu ám sát là nhằm gây chiến tranh tâm lý… Đây là nỗ lực nhằm sửa chữa hình ảnh thất bại của Tổng tham mưu trưởng IDF Aviv Kohavi”.
Trong một diễn biến khác, ngày 18/5, Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi triển khai lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng thời khẳng định sẽ đẩy mạnh các hoạt động viện trợ dành cho Gaza.
Tuy nhiên, EU đã không thể đạt được sự nhất trí hoàn toàn, yếu tố có thể mang lại cho khối này tầm ảnh hưởng trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình.
Hungary, đồng minh thân cận nhất của Israel tại EU đã từ chối đưa ra tiếng nói chung với 26 ngoại trưởng khác trong khối, nhằm kêu gọi triển khai một lệnh ngừng bắn giữa quốc gia Do Thái và Hamas. Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto chỉ trích tuyên bố của EU mang tính “thiên vị”.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, Ngoại trưởng Hungary nói: “Tôi có một vấn đề chung với những tuyên bố của EU về Israel… Chúng thường xuyên rất thiên vị và những tuyên bố này chẳng mang lại bất cứ tác dụng nào, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, khi tình trạng căng thẳng đang ở mức cao”.
Bất chấp sự phản đối từ Budapest, ngoại trưởng của 26 quốc gia còn lại vẫn cam kết rằng, EU sẽ phối hợp với Mỹ, Nga và Liên hợp quốc (LHQ) để cố gắng tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bạo lực.
Phát biểu trước báo giới tại Paris, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định, nhóm “Bộ Tứ” hòa giải Trung Đông - gồm EU, Nga, LHQ và Mỹ - là diễn đàn thích hợp để nối lại tiến trình hòa bình Israel-Palestine, vốn rơi vào tình trạng tê liệt kể từ năm 2014.
Ông Le Drian nhấn mạnh: “Chúng tôi phải tái khởi động tiến trình hòa bình một cách nhanh nhất có thể và tìm ra một con đường dẫn đến đối thoại”.