Các nhà phân tích của Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) đánh giá, Ukraine đã chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thời chiến, ngay cả khi nước này tiếp tục hứng chịu một loạt cuộc tấn công liên tục.
Xung đột Nga-Ukraine: Chuyên gia châu Âu đánh giá về cơ hội tái sinh kinh tế Ukraine từ ‘đống tro tàn'? (Nguồn:in-cyprus) |
Tất nhiên, những nỗ lực đó không có nghĩa là sẽ giảm được các thách thức to lớn của chương trình tái thiết nền kinh tế Ukraine - được dự tính sẽ có trị giá khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Nhưng ít nhất cho thấy, nước này đã vật lộn và đạt được thành công nhất định trước những khó khăn chưa từng có.
Trông đợi hoàn toàn vào nguồn tiền nước ngoài
Mặc dù trọng tâm ban đầu sẽ là tái thiết nền kinh tế sau xung đột quân sự, nhưng các mục tiêu chiến lược dài hạn của Ukraine là đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn viện trợ, thiết lập lòng tin và sự minh bạch, với các chính phủ phương Tây để mở rộng “thị trường nợ”.
Các cuộc truy quét chống tham nhũng rộng rãi, bao gồm cả việc bắt giữ và sa thải các quan chức chính phủ vào ngày 1/2 cho thấy, chính quyền Tổng thống Zelensky muốn bắt đầu làm trong sạch đội ngũ.
Tính đến tháng 10/2022, thuế chỉ cung cấp hơn một nửa nguồn thu ngân sách của Ukraine, cho thấy vai trò chính trong việc hỗ trợ nền kinh tế là nguồn hỗ trợ tài chính từ nước ngoài.
Theo Giáo sư Maksym Vavrin, chuyên gia kinh tế tại Đại học Công giáo Ukraine, mặc dù Ngân hàng Quốc gia đã đưa ra các giải pháp được thiết kế để ngăn dòng vốn chảy ra khỏi đất nước, nhưng Kiev sẽ vỡ nợ nếu không có sự hỗ trợ to lớn này.
Khi S&P nâng hạng Ukraine lên CCC+ (tình trạng mất khả năng thanh toán, có rủi ro tín dụng cao) từ tình trạng vỡ nợ có chọn lọc với triển vọng ổn định vào mùa Hè năm 2022, họ cho biết, đánh giá này “phản ánh sự hỗ trợ tài chính quốc tế với cam kết mạnh mẽ dành cho nền kinh tế quốc gia Đông Âu này, cùng với tình trạng dự trữ ngoại hối đang bị xói mòn, mặc dù vẫn còn tương đối cao”.
Như vậy, sự phụ thuộc toàn bộ nền kinh tế vào viện trợ của phương Tây là rõ ràng.
Các số liệu thống kê cho thấy một “bức tranh khá tối màu”. Phân tích của Trung tâm Chiến lược kinh tế cho thấy, GDP của Ukraine đã giảm 41% vào năm 2022, giá sản phẩm tăng trung bình 33% và lạm phát chung cho năm 2022 là 26,6%.
Tiền lương thực tế cũng đã giảm đáng kể, công ăn việc làm của nhiều người bị ảnh hưởng phải rời khỏi đất nước. Số người đăng ký thất nghiệp trên mỗi vị trí tuyển dụng đã tăng từ 6 lên 12 kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 40%.
Giới quan sát nhận định, bất chấp những khó khăn, các bước đã được thực hiện để tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có. Với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế lớn, Kiev đã tạo ra các quỹ mạo hiểm để tích lũy tài chính cho việc tái thiết kinh tế.
Bộ Kinh tế nước này đã lên chương trình di dời các doanh nghiệp trong hoặc gần vùng xung đột đến các khu vực an toàn hơn ở phía Tây Ukraine. Ngoài việc hỗ trợ tìm kiếm các địa điểm thay thế, chính phủ còn giúp vận chuyển thiết bị, tái định cư và tuyển dụng nhân viên, hậu cần, cũng như tìm kiếm nguyên liệu thô và thị trường.
Bộ này cũng đang cung cấp các khoản tài trợ để khuyến khích việc lập các công ty mới, như một phần trong chiến lược chống thất nghiệp. Tất cả các doanh nhân có kinh nghiệm và lần đầu khởi nghiệp đều có thể đăng ký tài trợ để thành lập doanh nghiệp riêng, tập trung vào công nghệ thông tin và sản xuất thực phẩm.
Chương trình cũng nhằm giúp đỡ những người đã di dời và mất việc làm bắt đầu làm việc, giúp ích cho cả bản thân và nền kinh tế.
Cơ hội để cải cách toàn diện?
Nhưng không có lý do gì để mơ hồ về kinh tế Ukraine trước năm 2022. Mặc dù sở hữu một cơ sở kỹ thuật và điện tử từng được chứng minh là cực kỳ có giá trị trong phát triển, nhưng nền kinh tế không thể thay đổi đầy đủ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Năm 1992, Ba Lan nghèo hơn Ukraine nhưng hiện đã đạt được tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người cao gấp 4 lần.
Bởi vậy, theo bình luận của các nhà phân tích thuộc CEPA, trong khi xung đột quân sự là một thảm họa, thì nó vẫn có thể tạo cơ hội để Ukraine tái thiết một nền kinh tế thiên về phương Tây, với kỳ vọng thịnh vượng hơn.
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, nỗ lực tái thiết sẽ phụ thuộc vào phương Tây. Những lo ngại về vấn đề tham nhũng cũng đã xuất hiện, đây sẽ là một thách thức lớn mà chính phủ Ukraine và các nhà tài trợ phải vượt qua, để tạo dựng thể chế mới, cũng như đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt.
Rõ ràng, cơ hội cải thiện đã không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn hơn khi cuộc xung đột quân sự với Nga vẫn chưa thể chấm dứt, cơ sở hạ tầng vẫn trong tình trạng bị đe dọa bất cứ lúc nào.
Tất nhiên, khó có thể nói trước điều gì, nhưng theo dự đoán của giới phân tích, ít nhất một năm rưỡi nữa mọi việc mới có thể kết thúc. Tuy nhiên, Ukraine sẽ phải dành những nguồn lực đáng kể để xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của mình.
Thậm chí như quan điểm của GS. Maksym Vavrin, ngay cả sau khi xung đột với Nga kết thúc, kinh tế Ukraine vẫn có khả năng bị ảnh hưởng từ quốc gia láng giềng: “Chúng tôi sẽ phải sắp xếp cuộc sống và nền kinh tế của mình theo tấm gương của Israel, nếu xung đột không hoàn toàn dừng lại”.
Theo chuyên gia kinh tế của Đại học Công giáo Ukraine, hệ thống của Israel cũng có thể là một khuôn mẫu để Ukraine tiếp cận. Chẳng hạn, thông qua tái cấu trúc hệ thống giáo dục, nhân lực có chất lượng sẽ được đào tạo tại các trường, học viện và nghiêm túc hơn trước đây.
"Mọi người đều là lính nghĩa vụ và đều được huấn luyện quân sự chất lượng cao. Ngoài chuyên môn dân sự, mọi người còn có chuyên môn quân sự sau khi tốt nghiệp đại học, để luôn sẵn sàng được triệu tập, nếu cần”, GS. Vavrin chia sẻ.
Ukraine sẽ cần nhiều chuyên gia kiến tạo có tư duy mới, những người có thể hướng tới một tương lai hợp tác với thế giới phương Tây phát triển.
Để duy trì nền kinh tế và sự thịnh vượng của đất nước, cũng cần phải tạo việc làm cho những người trở về từ mặt trận. Nhưng công việc phải bắt đầu ngay bây giờ và phải có sự tham gia của các chuyên gia phương Tây.
"Làm được như thế, Kiev sẽ có cơ hội lựa chọn được các chiến lược tái thiết tốt nhất sau xung đột, tránh những sai lầm đã mắc phải ở Balkan và Afghanistan, đồng thời tạo ra hệ thống kinh tế kiểu phương Tây độc đáo của riêng mình", theo quan điểm của GS. Maksym Vavrin.