EU tiếp tục siết đòn trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine. (Nguồn: Agropolit) |
Nga tiếp tục hứng đòn trừng phạt
Ngày 27/2, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ đóng cửa không phận đối với các máy bay của Nga, kể cả máy bay cá nhân của các doanh nhân Nga.
Bên cạnh đó, EU cũng sẽ cấm kênh truyền hình nhà nước Russia Today và hãng thông tấn Sputnik của Nga phát sóng bên trong phạm vi của khối.
Ngày 28/2, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo, chi nhánh châu Âu của ngân hàng Sberbank (Nga) đặt tại Croatia và Slovenia nhiều khả năng sẽ sụp đổ do các lệnh trừng phạt Moscow.
Tại Anh, nước này tuyên bố: "Chính phủ sẽ thực hiện ngay lập tức mọi bước đi cần thiết để áp đặt các hạn chế có hiệu lực nhằm ngăn chặn mọi cá nhân hay tổ chức pháp nhân nào của Anh thực hiện các giao dịch tài chính với Ngân hàng trung ương Nga (CBR), Quỹ Tài sản Quốc gia Nga và Bộ Tài chính Nga".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sẽ đề xuất một dự luật lên Quốc hội nước này để kiểm soát dòng tiền của Nga đổ vào Anh, được một số người gọi là “Londongrad”.
Dự luật mới sẽ giúp Cơ quan Tội phạm quốc gia ngăn chặn các chủ sở hữu nước ngoài rửa tiền qua tài sản ở Anh.
Cùng ngày, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere thông báo, Quỹ Đầu tư quốc gia của nước này trị giá 1.300 tỷ USD sẽ rút vốn khỏi các tài sản của Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo chính phủ Na Uy, các tài sản Nga của quỹ này, bao gồm cổ phiếu của khoảng 47 công ty cũng như trái phiếu chính phủ, đạt giá trị 2,83 tỷ USD vào cuối năm 2021, giảm từ mức 3,3 tỷ USD một năm trước đó.
Về phía Nhật Bản, chính phủ và Ngân hàng trung ương nước này cùng ngày thảo luận việc soạn thảo một biện pháp trừng phạt tài chính quy mô lớn chống lại Nga.
Trong diễn biến liên quan, Hàn Quốc quyết định cấm xuất khẩu các vật liệu chiến lược sang Nga.
Bên cạnh đó, Seoul cũng có kế hoạch tham gia nỗ lực của các nước phương Tây nhằm loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và đã thông báo quyết định này với Mỹ.
Mỹ đã thông báo hạn chế xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ cho 49 thực thể quân sự của Nga, bao gồm cả Bộ Quốc phòng.
Các trừng phạt sẽ áp dụng với thiết bị bán dẫn, máy vi tính, viễn thông, thiết bị an ninh thông tin, máy cảm biến và laser, và các sản phẩm bao bì được sản xuất tại Mỹ hoặc các sản phẩm nước khác sản xuất nhưng sử dụng thiết bị và phần mềm của Mỹ.
Ngày 27/2, các nước phương Tây đã đồng ý đưa ra "các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn" mới chống lại Nga, bao gồm việc ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống liên ngân hàng SWIFT để truyền thông tin và thanh toán. Biện pháp này, với sự nhất trí của Mỹ, Pháp, Canada, Italy, Anh và Ủy ban châu Âu, cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng Ruble của Ngân hàng trung ương Nga. |
Belarus 'dính đạn'
Ngày 27/2, EU quyết định sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên các sản phẩm nhập khẩu từ Belarus, gồm các loại nhiên liệu, thuốc lá, gỗ, xi măng, sắt và thép, trong bối cảnh phương Tây cáo buộc Minsk hỗ trợ Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, Tokyo đang cân nhắc áp đặt trừng phạt đối với một số cá nhân ở Belarus, trong đó bao gồm các quan chức điều hành trong chính phủ quốc gia Đông Âu này.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh, Tokyo hy vọng đi đến một quyết định như vậy trong thời gian sớm nhất có thể.
Ngân hàng trung ương Nga (CBR) còng lưng chống đỡ trừng phạt
Để giảm thiểu những tác động của các biện pháp trừng phạt hà khắc do phương Tây áp đặt liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay tại Ukraine, ngày 27/2, CBR công bố một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước.
Ngân hàng trung ương Nga khẳng định, có các nguồn lực cần thiết để duy trì sự ổn định của lĩnh vực tài chính, bất chấp các trừng phạt của phương Tây.
Cơ quan này lưu ý rằng, thẻ ngân hàng cũng tiếp tục hoạt động như bình thường và tiền của khách hàng trên tài khoản luôn có sẵn cho họ bất kỳ lúc nào.
CBR sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước, thực hiện đấu giá mua lại không giới hạn và tăng phạm vi chứng khoán có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Cơ quan này cũng yêu cầu các công ty tham gia thị trường chứng khoán từ chối các lệnh chào bán chứng khoán Nga của khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, CBR sẽ tạm thời nới lỏng các hạn chế đối với trạng thái ngoại tệ mở của các ngân hàng, qua đó cho phép các ngân hàng chống chịu với “các hoàn cảnh bên ngoài”.
Ngân hàng này cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi những thay đổi trong trạng thái tiền tệ “để đảm bảo hoạt động bình thường của tiền tệ và thị trường tiền tệ, cũng như sự ổn định tài chính của các tổ chức cho vay”.
Trước đó, ngày 26/2, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, nước này có thể xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt Moscow.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, các biện pháp hạn chế này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, kể cả quyết định của Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.