📞

Xung đột Nga-Ukraine: Giành giật ‘miếng bánh còn lại’, Moscow đang đe dọa huyết mạch kinh tế cuối cùng của Iran?

Minh Anh 15:06 | 09/06/2022
Xung đột Nga-Ukraine đi kèm các lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có, đang buộc hai quốc gia dồi dào dầu mỏ hàng đầu thế giới là Nga và Iran phải nhảy vào cuộc tranh giành “miếng bánh” còn lại trên thị trường.
Xung đột Nga-Ukraine: Giành giật ‘miếng bánh còn lại’, Moscow đang đe dọa huyết mạch kinh tế cuối cùng của Iran? Trong ảnh: Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Gulfif)

Cùng với Mỹ và Anh, cuối cùng sau nhiều chia rẽ và tranh cãi nội bộ, gói trừng phạt thứ 6 (kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine) đã được EU công bố vào ngày 3/6. Đáng chú ý nhất trong gói trừng phạt lần này là điều khoản cấm vận dầu mỏ với mục tiêu nhằm giới hạn "khả năng của Nga trong việc cung cấp tài chính cho cuộc tấn công quân sự của Moscow tại Ukraine".

Các thành viên EU có 6 tháng để ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga và 8 tháng để chấm dứt nhập các "sản phẩm xăng dầu tinh chế khác". Tuy nhiên, có một "ngoại lệ tạm thời" với thời hạn chưa xác định dành cho các quốc gia thành viên mà "vì đặc điểm địa lý, phụ thuộc riêng vào nguồn cung từ Nga và không có phương án thay thế nào khác".

"Cùng hội" hay đối đầu?

Mặc dù lên tiếng chỉ trích EU "tự lấy đá ghè vào chân", nhưng chắc Nga đã biết trước được rằng, một khi thỏa thuận đạt được, nó sẽ tước khỏi tay Nga thị trường dầu mỏ chủ chốt.

Trong khi, đối với Iran, quốc gia có nền kinh tế vốn phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu dầu mỏ, cũng đang chịu chung cảnh khó khăn vì các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và phương Tây, buộc phải chia thêm cho người khác "miếng bánh" vốn đã không lớn còn lại.

Tuy nhiên, các khách hàng mua dầu mỏ, khí đốt trong thị phần hạn chế này sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Thậm chí, khi người mua ít, người bán thì nhiều, thị trường có nguy cơ nổ ra cuộc chiến về giá, giữa hai nhà xuất khẩu đều dư thừa tiềm năng như Nga và Iran.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Saudi Arabia, Iran cũng đứng trong hàng các nhà xuất khẩu dầu khí hàng đầu, trước khi chịu các lệnh trừng phạt nặng nề.

Trung Quốc vốn là khách hàng mua dầu số 1 của Iran trong 2 năm qua, nhưng Nga có thể đã bắt đầu "cắn" vào miếng bánh đó.

Tình hình cũng có thể tạo nên một sức ép cấp bách hơn cho Tehran, trong việc đạt được một thỏa thuận với các cường quốc trên thế giới, nhằm hồi sinh Thỏa thuận Hạt nhân năm 2015, đã bị chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi vào năm 2018. Thỏa thuận sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và mở cửa dầu mỏ của Iran ra thị trường thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc đã sụt giảm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, cùng với đó là sự gia tăng xuất khẩu của dầu Nga sang Trung Quốc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, kể từ đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc đã mua nhiên liệu hóa thạch trị giá hơn 7 tỷ Euro (7,5 tỷ USD) của Nga. Phần lớn trong số đó là dầu thô. Trong khi đó, doanh số bán hàng của Iran cho Trung Quốc đã giảm hơn 1/4.

"Tôi dự đoán, ngay bây giờ doanh số đã giảm khoảng 1/4 và sớm chỉ còn khoảng 1/3 trong thời gian tới", chuyên gia Amir Handjani thuộc Viện Quincy (Mỹ) nói. Theo ông, khi Bắc Kinh mua ít hơn và yêu cầu chiết khấu lớn hơn, Iran có thể mất nguồn thu ngoại tệ quan trọng.

Nga cung cấp cho Trung Quốc những thùng dầu rẻ hơn, loại dầu chất lượng hơn và hơn nữa là không bị một biện pháp trừng phạt thứ cấp nào của Mỹ áp đặt lên các thực thể không thuộc nền kinh tế này. Các chuyên gia cho biết, một thỏa thuận với Iran rất có thể dẫn đến nguy cơ bị cắt hoàn toàn khỏi mối liên hệ với thị trường Mỹ. Tình hình đang khiến một số người ở Iran lo ngại về một cuộc chiến giá cả.

"Cứu cánh duy nhất mà nền kinh tế Iran thực sự có lúc này là nguồn ngoại tệ từ bán dầu cho đối tác quan trọng như Trung Quốc. Bắc Kinh đang thực sự là "người bảo hiểm" cho huyết mạch kinh tế Iran", chuyên gia Handjani phân tích.

Trong tháng này, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết, Tehran đang bán dầu với "giá tốt" và "các thị trường mới đã được xác định". Nhưng "chính phủ cần lưu ý, xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc có thể bị tác động mạnh, khi Nga thâm nhập thị trường hạn hẹp còn lại của họ", Hamid Hosseini, thành viên Hội đồng Quản trị Liên minh các nhà xuất khẩu dầu, khí và hóa dầu của Iran cảnh báo.

Nga và Iran, thường "cùng hội, cùng thuyền" trong các vấn đề quốc tế, giờ lại thấy mình đang ở trong thế đối đầu.

Tuy nhiên, theo Abhi Rajendran, Giám đốc nghiên cứu của Energy Intelligence, sự gia tăng xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc chưa thể làm thay đổi tình hình đáng kể, bởi Trung Quốc, hay rộng hơn là châu Á là một thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn. Tuy nhiên, với "giới hạn" người mua trong một nguồn cung quá dồi dào, giá cả cạnh tranh rất có thể có tác động đáng kể. Ngoài ra, chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến nhu cầu phải tính đến.

Vậy Nga có phải là đối tác đáng tin cậy của Iran không?... Mối quan hệ Nga-Iran gắn liền với những thách thức của chính họ, trong những năm gần đây, dù hai nước vẫn là đối thủ trong lĩnh vực dầu khí, với cùng một trữ lượng khổng lồ và thị phần đáng kể.

Moscow vốn không muốn Iran phát triển bất kỳ mối quan hệ nào với phương Tây để có thể gây ra khoảng cách giữa hai nước, hoặc quan trọng là cho phép Iran xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu để cạnh tranh với Moscow. Nhưng khi Moscow và Tehran theo đuổi cùng một lợi ích sẽ là một thách thức lớn đối với cả hai bên trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp ở những nơi khác.

"Pháo đài Nga" nghênh chiến

Về phần Nga, Moscow đang cố gắng chứng minh rằng, họ có thể sống chung với các lệnh trừng phạt. Trong thời gian gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành thời lượng phát sóng đáng kể để trấn an dư luận Nga rằng, các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho phương Tây hơn là làm tổn thương Nga. Ông cũng đang chuẩn bị cho đất nước của mình "một chặng đường dài".

Tổng thống Putin từng khá tin tưởng khi nói trong một sự kiện với các nhà điều hành ngành hàng không rằng, một tập thể gồm nhiều quốc gia thành viên như phương Tây sẽ khó đồng thuận với kế hoạch gây áp lực kinh tế lên Nga. Tuy nhiên, ông vẫn xác định, mọi lĩnh vực của nền kinh tế Nga cần được “lập kế hoạch dài hạn dựa trên các cơ hội từ nội tại".

Chính sách tự lực cánh sinh của Tổng thống Putin là điều có thể đoán trước được. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014, nước này đã chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt gia tăng từ phương Tây, với chiến lược được mệnh danh là "Pháo đài nước Nga".

Tuy nhiên, quy mô của cuộc phản công kinh tế do phương Tây tiến hành, kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine (24/2), cùng với làn sóng gia tăng các công ty quốc tế cắt đứt kinh doanh với Nga để đề phòng rủi ro về uy tín hoặc các lệnh trừng phạt trong tương lai, vẫn là một "cú sốc" không hề nhẹ đối với Moscow.

Cho đến nay, Nga vẫn xoay sở tốt để chống lại các lệnh trừng phạt ban đầu của phương Tây mà hệ thống tài chính của nước này không bị sụp đổ. Theo IMF, nền kinh tế Nga có thể giảm 8,5% trong năm nay, sự mất mát có thể còn lớn hơn khi lệnh cấm vận dầu Nga từ phương Tây có hiệu lực hoàn toàn. Lạm phát của Nga đang ở mức 17,5%, điều mà ngay cả Tổng thống Putin cũng thừa nhận đang gây tổn hại cho người dân Nga. Nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn khi Nga vốn vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu quan trọng.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Điện Kremlin chỉ đang bị làm khó, nhiều hơn khả năng các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế vĩ mô Nga. Moscow vẫn đang tiến hành các cuộc tấn công quân sự mới tại Ukraine và các khoản tiền thu được do bán dầu giá cao vẫn đều đặn chảy vào ngân khố.

(theo CNN, Gulfif)