📞

Xung đột Nga-Ukraine: Moscow tiết lộ nguyên nhân tấn công cơ sở hạ tầng Kiev, tiếp tục sản xuất hàng loạt tên lửa Sarmat

Hạnh Lê 11:46 | 24/11/2022
Ngày 23/11 (theo giờ địa phương), Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzia đã đưa ra lí do Moscow tăng cường tấn công cơ sở hạ tầng Ukraine trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ.
Một tòa nhà cư dân ở ngoại ô thủ đô Kiev bị phá hủy sau đợt tấn công tên lửa mới nhất của Nga trong ngày 23/11. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nebenzia cho biết, những cuộc tấn công này của Nga nhằm đáp trả việc các nước phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, và việc Kiev đưa ra tuyên bố “phi lý” giành chiến thắng quân sự trước Moscow.

Theo ông, một trong những mục tiêu chính của chiến dịch đặc biệt là làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine - mối đe dọa đối với an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Hơn nữa, Moscow sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp quân sự cho đến khi chính quyền Kiev “có được lập trường mang tính thực tế”. Khi đó, hai bên sẽ trao đổi và đàm phán để giải quyết “những vấn đề đã khiến Nga phải bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Kể từ ngày 10/10 vừa qua, lực lượng quân đội Nga đã bắt đầu các đợt tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, từ Kharkov và Kiev đến Lvov và Ivano-Frankovsk. Trong đó, mục tiêu chính bao gồm các cơ sở năng lượng, tổ hợp phòng thủ, các sở chỉ huy quân sự và thông tin liên lạc.

Trước đó, trong ngày 23/11, Nga đã phóng khoảng 70 tên lửa hành trình vào các mục tiêu trên khắp Ukraine. Theo Thị trưởng thành phố Kiev Vitali Klitschko, tên lửa của Moscow đã tấn công vào một cơ sở hạ tầng trọng yếu tại thủ đô nước này.

Các cuộc tấn công vừa qua đã gây ra tình trạng gián đoạn quy mô lớn đối với nguồn cung cấp điện cũng như nguồn nước trên toàn Ukraine.

Cùng ngày, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước mang tên Makeeva của Nga, ông Vladimir Degtyar thông báo, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hiện đại Sarmat đang trong quá trình sản xuất hàng loạt.

Ông Degtyar cũng tiết lộ thêm rằng những ICBM này sẽ đảm bảo an ninh cho Moscow trong khoảng 40-50 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Sarmat cũng sẽ trở thành "lá chắn đáng tin cậy, nhân tố chính trong khả năng răn đe hạt nhân", trong tình hình địa chính trị hiện nay.

Các tên lửa Sarmat đầu tiên sẽ có mặt trong trung đoàn tên lửa hàng đầu, thuộc binh đoàn tên lửa Uzhur đóng tại tỉnh Krasnoyarsk. Sarmat cũng sẽ dần thay thế tên lửa chiến lược nặng nhất thế giới Voevoda.

(theo AFP/Reuters/Sputnik)