Xung đột Nga-Ukraine: Moscow tổng tấn công trên mặt trận kinh tế, ‘bốc hơi’ 30% GDP, Kiev bấu víu vào đâu? (Nguồn: Oilprice) |
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine 'đánh trúng' những điểm kinh tế trọng yếu, khiến nền kinh tế Ukraine “tê liệt” - mất tới 30% GDP trong năm ngoái và nguy cơ bị thu hẹp hơn nữa vào năm nay.
Khi GDP mất 30%
Ngoài ngành công nghiệp quốc phòng mà tên lửa Nga nhắm tới đầu tiên, luyện kim - ngành xuất khẩu chính của Ukraine trước xung đột, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà máy thép lớn thứ hai và thứ ba của nước này là Illich và Azovstal - đều nằm ở thành phố Mariupol phía Đông Nam, đã bị phá hủy.
Các nhà máy thép lớn khác nằm ở khu vực tiền tuyến đã phải giảm sâu sản lượng do các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc các cảng biển bị phong tỏa. Kết quả là, xuất khẩu kim loại đã giảm 60% trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 11/2022.
Lĩnh vực năng lượng là một mục tiêu lớn khác của Moscow. Nhà máy lọc dầu lớn nhất Ukraine, có trụ sở tại thành phố Kremenchuk đã bị phá hủy vào tháng 3/2022, cùng với các bể chứa nhiên liệu lớn trên khắp đất nước. Hồi tháng 11/2022, mục tiêu bị tấn công của nước này còn là các cơ sở sản xuất khí đốt, làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên mà Kiev tích lũy cho mùa Đông.
Từ tháng 10 đến tháng 11/2022, gần một nửa cơ sở điện của Ukraine đã bị hư hại, sau nhiều đợt tấn công bằng tên lửa của đối phương.
Một cuộc tấn công vào ngày 23/11/2022 đã khiến cả ba nhà máy điện hạt nhân do Ukraine kiểm soát tạm thời ngừng hoạt động. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine, ở vùng Zaporizhzhia, đã bị lực lượng Nga kiểm soát.
Mới đây, ‘cắt cầu’ vận chuyển khí đốt là đòn tấn công rõ ràng nhất. Theo số liệu chính thức của Gazprom, lượng khí đốt mà Tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga này xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) qua Ukraine trong 30 ngày đầu tháng 1/2023 đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục 951,4 triệu m3.
Cụ thể, từ 5/1, lượng khí đốt mà Gazprom chuyển sang EU qua Ukraine chỉ còn 24,4 triệu m3/ngày giảm mạnh từ 41-43 triệu m3 trong nửa cuối năm 2022. Châu Âu vốn là thị trường chính của Gazprom, nhưng nguồn cung từ Nga đã giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow liên quan vấn đề Ukraine.
Trước đó, Ukraine giữ vai trò trung gian vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, hằng năm, lượng khí đốt Nga quá cảnh qua nước này đạt không dưới 90 tỷ m3. Từ hoạt động này, mỗi năm, Kiev kiếm được khoảng hơn 60 tỷ USD tiền phí quá cảnh.
Ngành nông nghiệp Ukraine cũng bị thiệt hại nặng nề, khi những vùng đất canh tác rộng lớn đã trở thành bãi mìn và nhiều hầm chứa ngũ cốc trên khắp đất nước bị phá hủy. Nông dân mất khả năng tiếp cận tín dụng, hạt giống và phân bón.
Xuất khẩu nông sản cũng bị ảnh hưởng bởi các cảng biển bị phong tỏa, theo tính toán đã giảm tới 29%. Dù hồi tháng 8/2022, Nga đã đồng ý mở lại ba cảng biển của Ukraine theo thỏa thuận hành lang ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian, nhưng như thế là chưa đủ.
Niềm hy vọng của Kiev?
Những khoản thâm hụt như vậy đã khiến doanh thu tài chính của Kiev sụt giảm mạnh. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng tăng vọt 818% và chiếm con số khổng lồ 42% tổng chi tiêu tài khóa từ tháng 1 đến tháng 11/2022.
Giới quan sát nhận định, nền kinh tế Ukraine khó trụ vững sau những biến cố lớn như vậy, nếu không có sự hỗ trợ chưa từng có từ nước ngoài, mà chủ yếu từ Mỹ và EU. Các khoản tài trợ nước ngoài hiện chiếm 23% nguồn thu tài chính của quốc gia Đông Âu vào năm 2022.
Hỗ trợ tài chính quốc tế đã vượt quá 30 tỷ USD, tính từ 24/2 đến 20/12/2022. Tổng hỗ trợ nước ngoài, bao gồm cả hỗ trợ tài chính, nhân đạo và quân sự, đã lên tới 113 tỷ Euro (122 tỷ USD), bao gồm 48 tỷ Euro (52,37 tỷ USD) từ Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng, năm 2023, Ukraine sẽ phải dựa vào sự trợ giúp quốc tế nhiều hơn nữa, vừa để tự vệ vừa để giữ cho nền kinh tế đang bị tê liệt của mình tồn tại. Kiev dự kiến nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế sẽ tăng lên 38 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, nhu cầu chính xác sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột với Nga.
Tháng 11/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế Ukraine năm 2023 chỉ vỏn vẹn 1%. Trong khi, chính phủ Ukraine, EU và Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, chi phí tái thiết và phục hồi là 349 tỷ USD.
Kiev hy vọng sẽ sử dụng tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng, ước tính khoảng vài trăm tỷ USD, cho nhu cầu tái thiết.
Hồi tháng 11/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ rằng, EU đang tìm kiếm các cơ chế để trang trải một phần nhu cầu tái thiết của Ukraine từ khoản 300 tỷ Euro (327,29 tỷ USD) bị đóng băng trong dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga và 19 tỷ Euro (20,73 tỷ USD) trong quỹ của các nhà tài phiệt Nga.
Ukraine cũng tin tưởng rằng, họ sẽ thu hút được các nhà đầu tư tổ chức và tư nhân, nếu quá trình gia nhập EU tiến triển khả quan, sau khi nước này có được tư cách ứng cử viên chính thức của EU vào hồi tháng 6 năm ngoái.