Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (phải) và người đồng cấp Lithuania Ingrida Simonyte ký kết thỏa thuận hợp tác tại Kiev, ngày 24/11. (Nguồn: ukrinform) |
Ngày 24/11, phát biểu với các phóng viên ở Prague trong chuyến công du tới Czech, Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang bị chững lại, nó đang ở trong tình trạng có thể kéo dài tới năm 2029 hoặc 2030.
Tôi cho rằng cần phải đàm phán và dù quá trình này có kéo dài tới 10 năm, còn hơn là chờ 10 năm mới bắt đầu cuộc đàm phán, lúc đó có khi thương vong đã lên tới 500 hoặc 600 nghìn người”.
Cũng theo Thủ tướng Fico, cả Slovakia và Czech đã tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Ukraine, nhưng hai bên vẫn còn bất đồng về việc liệu có nên tiếp tục hỗ trợ quân sự.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Fico giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9. Ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Kiev.
Cũng trong ngày 24/11, trang mạng The New Voice of Ukraine đưa tin, Kiev sẽ nhận được thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Đức, để triển khai trong mùa Đông, giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của quốc gia Đông Âu trong cuộc xung đột với Nga.
Trả lời phỏng vấn với Ukrinform ngày 24/11, Đại sứ Đức tại Ukraine Martin Eger nói: "Tôi đã đề cập sự hỗ trợ của chúng tôi liên quan đến hệ thống phòng không trên. Ngoài hệ thống IRIS-T, một hệ thống Patriot khác của Đức sẽ được triển khai ở Ukraine vào mùa Đông".
Cũng theo The New Voice of Ukraine, trước đó, Đại sứ Eger ngày 11/11 thông báo, Berlin sẽ chuyển giao cho Kiev 2 hệ thống phòng không IRIS-T. Hiện Ukraine đã có 3 hệ thống IRIS-T, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 5 hệ thống vào cuối năm nay.
Đại sứ Eger cho rằng, việc gia tăng năng lực phòng không sẽ cải thiện đáng kể sự an toàn cho các thành phố của Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tiềm tàng của Nga.
Trong diễn biến khác, ngày 24/11, truyền thông Ukraine đưa tin, Thủ tướng nước này Denys Shmyhal và người đồng cấp Lithuania Ingrida Simonyte đã thảo luận về việc tăng cường phòng không và công thức hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Thủ tướng Ukraine cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về việc tăng cường năng lực phòng thủ, đặc biệt là việc tăng cường phòng không, cũng như công thức hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Trọng tâm của cuộc hội đàm là an ninh năng lượng, khôi phục công lý, tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga".
Cũng theo ông Shmyhal, chính phủ Lithuania “ủng hộ đầy đủ” việc thúc đẩy Ukraine “hội nhập châu Âu-Đại Tây Dương và Liên minh châu Âu (EU)”.