Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, nếu tăng mạnh xuất khẩu sang Nga, liệu các công ty Trung Quốc có phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây? (Nguồn: THX) |
Những cơ hội tốt?
Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, các nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Nga, từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã đột ngột hủy bỏ việc sản xuất, thậm chí là đóng cửa các showroom bán hàng tại Nga, để lại một khoảng trống rộng rãi trên thị trường.
Liệu ba công ty Trung Quốc nói trên có nên tận dụng và tăng mạnh xuất khẩu sang Nga? Và khi làm như vậy, liệu họ có phải hứng chịu đòn trừng phạt từ các chính phủ và người tiêu dùng phương Tây, nơi các doanh nghiệp của nền kinh tế số 1 châu Á coi là thị trường lâu dài và quan trọng nhất của mình?
Năm 2021, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang Nga đạt 123.000 chiếc, tăng mạnh so với 43.000 chiếc vào năm 2020. Nga trở thành thị trường xuất khẩu ô tô lớn thứ ba của Trung Quốc sau Chile và Saudi Arabia. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đặt mục tiêu xuất khẩu 5 triệu chiếc ô tô vào năm 2025, tăng từ 2 triệu chiếc đạt được trong năm 2021.
Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, trên khắp Trung Quốc, các ngân hàng và doanh nghiệp đều phải đối mặt với tình thế khó xử giống nhau. Làm thế nào để kinh doanh với Nga dưới các lệnh trừng phạt trên diện rộng và chưa từng có của phương Tây?
Lấy ví dụ trong ngành xuất khẩu alumin. Ngày 20/3, Australia đã cấm xuất khẩu quặng alumin và nhôm sang Nga. Mỗi năm, 19% lượng hàng hóa này của Australia được bán cho Rusal - nhà sản xuất nhôm khổng lồ của Nga và lớn thứ hai trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, các công ty xuất khẩu alumin ở Trung Quốc có nên đáp ứng tình trạng thiếu hụt sản phẩm này của Rusal không?
Ông Xu Qin, Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc giáp với Nga, biết rõ việc địa phương phải làm.
Trong chuyến thăm tới Heihe ở biên giới giáp Nga vào ngày 20/3, ông nói rằng, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung-Nga phải được bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến nhánh mới. Theo ông Xu Qin, Trung Quốc phải tận dụng cơ hội để tăng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.
Trung Quốc hiện đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguồn cung dầu và 40% khí đốt.
Vào ngày 11/3, hơn hai tuần sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Hiệp hội vận tải và phân phối than Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trực tuyến giữa 12 nhà máy điện Trung Quốc và 20 công ty than của Nga nhằm thúc đẩy thương mại song phương.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất ở châu Á cho xuất khẩu than của Nga. Năm 2021, Nga là nhà cung cấp than lớn thứ hai của Trung Quốc.
Công ty Trung Quốc khác cũng đang phân vân trước cơ hội mở ra từ thị trường Nga là DJI Technology, một trong những nhà sản xuất thiết bị bay không người lái lớn nhất thế giới. Đây đồng thời là công ty đi đầu trong công nghệ sử dụng định vị vệ tinh để điều khiển máy bay không người lái đến các vị trí chính xác.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov đã kêu gọi DJI ngừng bán hàng cho Nga. Đáp lại, doanh nghiệp của quốc gia châu Á trả lời rằng họ "sẵn sàng thảo luận về những vấn đề này" nhưng không hứa sẽ ngừng xuất khẩu sang Nga.
Còn nhiều băn khoăn
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, năm 2021, thương mại giữa nước này và Nga đã tăng 35,9% so với năm 2020, lên mức kỷ lục 146,9 tỷ USD. Nga là nguồn cung cấp dầu, khí đốt, than đá, nông sản chính cho Trung Quốc và có thặng dư thương mại với nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga vào năm 2014 sau khi nước này sáp nhập Crimea, thương mại song phương Nga-Trung Quốc đã tăng hơn 50% và Bắc Kinh trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Nga.
Nhưng không phải tất cả các tin tức về thương mại giữa hai nước đều tích cực.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (18-24/3): EU tính bổ sung trừng phạt nhưng chưa thể ‘thoát Nga’ về khí đốt, các nhà nhượng quyền vẫn ‘lưu luyến’ Moscow |
Trong một cuộc khảo sát gần đây đối với 322 nhà xuất khẩu Trung Quốc của diễn đàn công nghiệp FOB Shanghai, 39% số người được hỏi cho biết, xung đột Nga-Ukraine đã làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của họ ở Nga.
Một lý do là phương Tây cấm một số ngân hàng Nga sử dụng hệ thống nhắn tin tài chính toàn cầu SWIFT. Điều này làm cho quá trình thanh toán quốc tế trong thanh toán thương mại trở nên phức tạp hơn.
Có một cách giải quyết vấn đề này, đó là sử dụng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ. Trong nửa đầu năm 2021, các khoản thanh toán bằng Nhân dân tệ chiếm 28% xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga, so với chỉ 2% vào năm 2013.
Tính đến tháng 6/2021, đồng nội tệ của Trung Quốc chiếm 13,1% dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga, so với chỉ 0,1% vào tháng 6/2017. Trong cùng kỳ, tỷ lệ nắm giữ USD của Moscow giảm từ 46,3% xuống 16,4%.
Vì vậy, các giám đốc của Geely Auto phải cân nhắc nhiều yếu tố. Trong một tuyên bố báo chí vào tháng 11 năm ngoái, công ty cho biết họ đặt mục tiêu bán 3,65 triệu chiếc xe vào năm 2025, bao gồm 600.000 sản phẩm xuất khẩu.
Thông báo của Geely Auto có đoạn: “Chúng tôi sẽ tập trung phát triển các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Đông Nam Á và Nam Mỹ… Lynk & Co (một thương hiệu của Geely) sẽ mở rộng sự hiện diện toàn cầu của mình bằng cách thâm nhập vào Nga, Malaysia, Australia và New Zealand cùng những nước khác”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các giám đốc doanh nghiệp Trung Quốc phải nhận định chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ diễn ra trong bao lâu. Liệu các lệnh trừng phạt của phương Tây có được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hòa bình hay không?
Với việc đồng Ruble mất giá và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm trong năm nay, sẽ có bao nhiêu người tiêu dùng Nga có thể mua ô tô của Trung Quốc?
Nếu chiến dịch quân sự kéo dài và Trung Quốc viện trợ tài chính, vật chất và quân sự cho Nga thì các công ty của họ có bị trừng phạt không?
Liệu có tốt hơn cho các công ty Trung Quốc không nếu rời Nga và tập trung vào các thị trường khác ít phức tạp hơn?
Đó quả thực là những lựa chọn không hề dễ dàng.
| Ảnh ấn tượng tuần (21-27/3): Ukraine đề nghị được cấp xe tăng, NATO áp trừng phạt ‘chưa từng có’ lên Moscow, thêm án tù với nhân vật đối lập Nga Xung đột Nga-Ukraine, Thượng đỉnh bất thường NATO, nhân vật đối lập Nga bị kết án 9 năm tù giam, Tết Ba Tư, Trung Quốc ... |
| Các công ty phương Tây ùn ùn rời Nga, tại sao nhiều ‘gã khổng lồ’ của Pháp lại lội ngược dòng? Nhiều doanh nghiệp phương Tây đang rời Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, một ... |