Kế hoạch chiến thắng đã hoàn toàn sẵn sàng, điều quan trọng bây giờ là quyết tâm thực hiện nó. Tổng thống Zelensky tuyên bố trên truyền hình hôm 21/9. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Ukraine) |
Nhà lãnh đạo Ukraine sẽ có một hành trình khá dài, bắt đầu bằng bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và sau đó là cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, đại diện lưỡng đảng tại Quốc hội và ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Thêm vào đó, Zelensky sẽ gặp đại diện các công ty quốc phòng và năng lượng của Mỹ và cộng đồng người Ukraine, cũng như có các cuộc hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế bên lề cuộc họp Đại hội đồng.
Thúc đẩy "công thức hoà bình Zelensky"
Theo firstpost, đây có thể là chuyến thăm cuối cùng của ông trước cuộc bầu cử có thể đảo ngược chính sách của Washington ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và ông sẽ phải tranh thủ đề cập mọi điểm tựa chính trị.
Ông Nykyforov cho biết: “Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ trình bày ‘Kế hoạch chiến thắng’ của mình với Tổng thống Biden. Ông ấy hy vọng sẽ thảo luận về các chi tiết của kế hoạch, cũng như sự hỗ trợ hơn nữa của Mỹ dành cho Ukraine”.
Về phía Nhà Trắng, Thư ký báo chí Karine Jean-Pierre tuyên bố ngày 19/9 rằng, ông Biden sẽ gặp riêng ông Zelensky vào ngày 26/9. Jean-Pierre cho biết: “Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh cam kết không lay chuyển của họ là sát cánh cùng Ukraine cho đến khi nước này giành chiến thắng trong cuộc xung đột”.
Đầu tháng 8, ông Zelensky đã tuyên bố ý định trình bày kế hoạch chiến thắng của mình cho cả 2 ứng cử viên tổng thống cũng như cho Tổng thống Biden. Ông tuyên bố: “Chúng tôi không biết ai sẽ là tổng thống, nhưng chúng tôi thực sự muốn thực hiện kế hoạch này”.
Trước đó, vào ngày 16/9, Tổng thống Zelensky tuyên bố “Kế hoạch chiến thắng” của Ukraine đã hoàn thành 90%. Ông nói: “Kế hoạch đang mang lại hiệu quả rất thực chất về quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế. Những người chủ chốt từ mỗi lĩnh vực đều tham gia. Các bước cần thiết cho Ukraine đã được xác định rõ ràng. Các bước được thiết kế để tạo cho chúng tôi vị thế mạnh nhất có thể nhằm mang lại hòa bình - một nền hòa bình thực sự, công bằng. Đối với mỗi bước, có một danh sách rõ ràng về những gì cần thiết và những gì sẽ củng cố chúng tôi. Không có gì là không thể trong kế hoạch này. Hơn 90% đã được soạn thảo kỹ càng”.
Để dẫn chứng cho tính khả thi của “Kế hoạch chiến thắng”, trong bài phát biểu trên video hằng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi quân đội Ukraine vì cuộc tấn công vào kho đạn dược của Nga ở Toropets, một thị trấn nằm cách biên giới với Ukraine khoảng 500 km. Ông nói rằng: “Đây là kiểu hành động làm suy yếu kẻ thù. Chúng tôi đang quản lý tình hình tại chỗ trong phạm vi kỳ vọng của mình. Chúng tôi cũng chú ý tối đa đến các hướng đi ở khu vực Kharkov và Donetsk - toàn bộ miền Đông, Pokrovsk, Toretsk, Kurakhove. Chúng tôi đang triển khai tăng cường, cả về vũ khí và nhân sự”. Trước đây, Tổng thống Ukraine từng nói rằng cuộc xâm nhập vào Kursk là một phần trong “Kế hoạch chiến thắng” của Ukraine.
Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng cho biết ông Zelensky có kế hoạch gặp “Tổng thống thứ 45 của Mỹ là Donald Trump”. Tuy nhiên, chưa có xác nhận nào từ phía ông Trump. Ông chỉ nói “có thể” sẽ gặp ông Zelensky vào tuần tới.
Cả Ukraine và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều lo ngại rằng cựu Tổng thống Trump nếu đắc cử có thể nới lỏng sự hỗ trợ của Mỹ đối với Kiev. Ông Trump đã nhiều lần ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và từ chối chọn phe trong cuộc tranh luận với Harris vào tuần trước khi chỉ nói rằng: “Tôi muốn cuộc xung đột chấm dứt”.
Trong khi đó, Tông thống Zelensky gây sức ép với chính quyền Tổng thống Biden để cho phép họ sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga. Ông Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã hoãn việc ra quyết định về vấn đề này vào tuần trước. Ông Starmer cho biết họ sẽ thảo luận thêm khi gặp nhau tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York vào tuần tới. Theo ông Zelensky, ông có ý định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về hòa bình để nêu rõ tầm nhìn của ông về việc chấm dứt chiến tranh vào tháng 11 và Nga sẽ được mời tham dự.
Theo Moscow Times, ngày 21/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay Nga sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ hai có thể diễn ra vào tháng 11 tới, mặc dù Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ám chỉ rằng lần này ông sẽ mời đại diện của Moscow.
Bà Zakharova nói: "Hội nghị thượng đỉnh sẽ có cùng mục đích: thúc đẩy “công thức Zelensky” không khả thi như là cơ sở duy nhất để giải quyết xung đột, tìm kiếm sự ủng hộ từ phần lớn thế giới và thay mặt cho họ đưa ra tối hậu thư yêu cầu Nga đầu hàng".
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 30 tháng, với việc Ukraine hiện đang kiểm soát một số khu vực thuộc vùng Kursk của Nga trong khi Moscow đang tiến vào miền Đông Ukraine.
Quan điểm trái chiều của phương Tây về "cấp phép" cho Kiev tấn công
Trang News.az ngày 21/9 dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Zelensky đã nói Mỹ và Anh không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa được các đồng minh phương Tây cung cấp để nhắm vào các mục tiêu ở Nga, với lý do lo ngại nguy cơ "leo thang" căng thẳng. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã cảnh báo rằng việc phóng vũ khí tầm xa vào Nga đồng nghĩa các nước NATO đang “gây hấn” với Moscow.
Ông Zelensky nói với các phóng viên ngày 21/9: “Cả Mỹ và Anh đều không cho phép chúng tôi sử dụng những vũ khí này trên lãnh thổ Nga, vào bất kỳ mục tiêu nào, ở bất kỳ khoảng cách nào”. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ họ lo ngại sự leo thang”.
Tuy nhiên, trái với nguồn tin này, theo trang tin LBC của Anh, Ukraine có thể sẽ được Mỹ và Anh lặng lẽ “gật đầu”, bí mật cấp phép để Kiev phóng tên lửa của phương Tây vào lãnh thổ Nga trong những tuần tới.
Các đồng minh của Ukraine đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho quân đội Ukraine, vốn đang phải vật lộn để ngăn chặn đà tiến công của lực lượng Nga ở phía Đông. Ông cho biết: “(Viện trợ) đã tăng tốc vào tháng 9. Chúng tôi rất vui. Chúng tôi có thể cảm nhận được sự khác biệt”. Sự chậm trễ trong cung cấp vũ khí do chia rẽ chính trị giữa các đồng minh đã khiến Ukraine thiếu hụt nguồn cung vũ khí vào đầu năm nay, đặc biệt trong bối cảnh Kiev phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ quân sự này.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định, Đức sẽ không cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn lên tới 500 km. Phát biểu ngày 20/9 trước khoảng 200 người dân ở thành phố Niedergorsdorf (bang Brandenburg), ông Scholz nhấn mạnh: “Mặc dù nhiều người gây sức ép với tôi, tôi vẫn sẽ không chuyển giao tên lửa hành trình có khả năng vươn tới tận Moscow”. Nhà lãnh đạo Đức khẳng định: “Tôi có thể bảo đảm rằng tôi sẽ giữ vững quan điểm này”.
Kiev từ lâu đã kêu gọi Berlin chuyển giao tên lửa hành trình Taurus, loại tên lửa được so sánh với Storm Shadow của Anh vốn đã được chuyển giao cho Ukraine. Tuy nhiên, tên lửa Taurus của Đức và Thụy Điển có tầm bắn xa hơn một chút. Ngày 19/9, Đức cập nhật danh sách vũ khí chuyển giao cho Kiev, bao gồm 22 xe tăng Leopard 1A5 cùng các bộ phận thay thế, ba hệ thống phòng không tự hành Gepard, máy bay không người lái và các loại vũ khí khác. Cũng có nguồn tin cho rằng, Đức có kế hoạch phân bổ 397 triệu Euro viện trợ quân sự bổ sung ngắn hạn cho Kiev.
Thủ tướng Đức Scholz đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét tới các phương án hướng tới một nền hòa bình trong cuộc xung đột. Ông nói: “Giờ là lúc để tìm kiếm các khả năng nào”. Tuy nhiên, ông không đồng ý rằng các cuộc đàm phán hòa bình có thể là giải pháp thay thế cho sự ủng hộ của Đức đối với Ukraine, ám chỉ quan điểm của Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) và đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).