Lực lượng chức năng kiểm tra lô ngũ cốc trên con tàu chở hàng ở Biển Đen, gần Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 3/8. Đây là chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc rời cảng Odessa kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Vội vã lạc quan?
Trong bài viết mới đây trên Bloomberg, tác giả Amanda Little*, xét trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, đã chỉ ra những bài học con người nhận được để đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu không bị gián đoạn.
Khi 26.500 tấn ngô rời cảng Odessa, Ukraine trong tuần trước - đợt xuất khẩu nông sản đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhiều chuyên gia an ninh lương thực đã thở phào nhẹ nhõm.
Thông tin trên, kết hợp với việc giá lúa mì giảm sau khi tăng gần gấp đôi, đã khiến các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách đặt câu hỏi liệu mối đe dọa về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu có giảm bớt hay không.
Thực chất, còn quá sớm cho sự lạc quan trên, vì nhiều vấn đề thúc đẩy lạm phát lương thực, xuất hiện từ trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine, vẫn tồn tại. Đó là giá năng lượng và hóa chất sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho các trang trại và việc vận chuyển thực phẩm bị gián đoạn gây tốn kém hơn.
Thêm vào đó, thời tiết khắc nghiệt và hạn hán đang làm suy giảm sản lượng nông nghiệp nhiều nơi trên thế giới, từ Waterloo (Canada) đến Bangalore (Ấn Độ) và Bordeaux (Pháp), đồng thời, biến đổi khí hậu được dự báo là sẽ khó lường và khắc nghiệt hơn.
Tuy nhiên, không còn quá sớm để đánh giá những gì thế giới đã học được trong hơn 5 tháng qua từ một trong những sự cố khiến việc gián đoạn nguồn cung lương thực thực phẩm trở thành vấn đề quan ngại nhất và có quy mô trên toàn cầu trong nhiều thập niên.
Xung đột Nga-Ukraine đã buộc các nhà sản xuất, kinh doanh lương thực toàn cầu và các chương trình viện trợ phải nhanh chóng thích ứng để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Phản ứng này đã dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách các nhà sản xuất thực phẩm, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết các vấn đề hiện tại.
Những bài học giá trị
Dưới đây là những bài học quan trọng từ xung đột Nga-Ukraine đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
Khi nguồn cung cấp ngũ cốc từ Nga và Ukraine - cùng chiếm 1/4 lượng lúa mì thế giới - đột ngột bị cắt giảm, nông dân ở các nước sản xuất chính đã hành động.
Nguồn cung thắt chặt và giá lúa mì tăng đã khuyến khích nông dân tại nhiều khu vực, từ miền Trung Tây nước Mỹ, Brazil đến Australia và Nhật Bản, trồng các loại cây lương thực cho thu hoạch hằng năm khác, chẳng hạn như đậu nành và ngô, để khôi phục nguồn dự trữ bị đe dọa bởi xung đột.
Chúng ta cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc dự trữ một lượng ngũ cốc đủ lớn sau mỗi vụ thu hoạch. Việc này đặc biệt cần thiết để lấp đầy khoảng trống trước mắt do sự thiếu hụt từ Nga và Ukraine.
Những nguồn dự trữ này hiện cần được bổ sung đầy đủ. Hiệu quả của chiến lược “tấn công kép” trên chắc chắn sẽ góp phần duy trì nguồn dự trữ mạnh mẽ trong khi người dân ở những nơi khác tiếp tục canh tác vụ mùa mới.
Bài học tiếp theo chúng ta nhận ra, đó là nguồn cung cấp trái cây và rau quả dễ hỏng thì ít khả năng phục hồi hơn.
Hơn 5 tháng qua kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu đã làm nổi bật sự khác biệt giữa thị trường hàng hóa, vốn có thể dựa vào sản phẩm dự trữ và thị trường thực phẩm tươi sống. Các loại cây trồng và thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ hỏng như trái cây, rau, thịt và sữa dễ bị tổn thương hơn trước áp lực khí hậu.
Điều này đòi hỏi điều kiện sản xuất và trồng trọt cụ thể hơn bởi chúng khó sản xuất hơn và dễ bị phân phối tự phát khi xảy ra gián đoạn nguồn cung. Hơn nữa, việc lưu trữ lâu dài đối với thực phẩm tươi sống tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên.
Sự gián đoạn nguồn cung bắt nguồn từ xung đột ở Ukraine nhắc nhở tất cả các nước, kể cả các quốc gia thịnh vượng, về tầm quan trọng của việc mở rộng nguồn cung cấp trái cây và rau quả tươi tại địa phương và khu vực.
Ở một số vùng, điều này có thể cần thiết bao gồm mạng lưới trang trại nhà kính, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Thêm vào đó, việc tài trợ cho những dự án mới như nuôi cấy tế bào thịt - được tiến hành trong phòng thí nghiệm - nên là một phần quan trọng của kế hoạch ứng phó với an ninh lương thực, thực phẩm. Những khoản đầu tư này tuy tốn kém nhưng ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn trong bối cảnh ngành nuôi trồng phải thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xung đột Nga-Ukraine cũng một lần nữa tái khẳng định một điều rằng, những người nghèo nhất sẽ phải chịu tổn thương nhiều nhất và mọi người cần chung tay hỗ trợ họ.
Ngoài các áp lực về địa chính trị và môi trường, nạn đói đang gia tăng trên khắp thế giới cùng với việc gián đoạn sản xuất lương thực đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước nghèo, thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Bối cảnh hiện nay đang khiến 300 triệu người thiếu ăn và 45 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói.
Các quốc gia bị nạn đói hoành hành như Yemen đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc xuất khẩu lương thực của Ukraine bị gián đoạn.
Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh cũng vậy. Trước xung đột, mỗi năm, những nước này nhập khẩu hàng tỷ USD lúa mì từ Ukraine. Trong bối cảnh hiện nay, họ đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Do đó, các quốc gia giàu có phải dự trữ ngũ cốc nhiều hơn để giúp đỡ, chia sẻ cho những nhóm người dân dễ bị tổn thương nhất, đồng thời phân bổ nhiều tài chính hơn cho viện trợ lương thực quốc tế.
Trong những tháng gần đây, số tiền trợ cấp đó eo hẹp đến mức chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định chi toàn bộ quỹ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho các vùng bị đói kém. Giám đốc USAID Samantha Power vừa cam kết tài trợ thêm 1,2 tỷ USD cho các nỗ lực cứu trợ nạn đói.
Hơn nữa, cũng cần nhận thức đầy đủ rằng, dù nông dân ở các nước giàu có nhanh nhẹn đến đâu, nạn đói nghiêm trọng sẽ tiếp tục lan rộng và tác động sâu sắc hơn trong những năm tới do cả xung đột và biến đổi khí hậu. Do đó, an ninh lương thực phải là một phần của tất cả các hiệp định kinh tế và thương mại quốc tế lớn giữa nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển.
Trọng tâm của sự hợp tác này nên vượt ra ngoài việc cứu trợ khẩn cấp và bao gồm đầu tư đáng kể vào sự thay đổi mô hình hướng tới nông nghiệp bền vững.
Những thiệt hại gây ra do xung đột đã giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về tương lai của nông nghiệp trong một thế giới ngày càng gia tăng bất ổn về môi trường và địa chính trị.
Khi tiếp thu và thực hiện những bài học trên, chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn cho những gián đoạn không thể tránh khỏi trong tương lai.
* Amanda Little là nhà báo của Bloomberg, chuyên gia viết về nông nghiệp và khí hậu. Bà cũng là Giáo sư thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ), tác giả cuốn The Fate of Food: What We'll Eat in a Bigger, Hotter, Smarter World.