📞

Xung đột Nga-Ukraine: WHO họp khẩn theo yêu cầu của Kiev, Nga bị tố phá hủy cơ sở hạ tầng y tế

Chu Văn 17:48 | 03/05/2022
Ngày 3/5, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tarik Jasarevic khẳng định, WHO khu vực châu Âu sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào tuần tới về tác động của việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đối với lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.
Xung đột Nga-Ukraine: WHO họp khẩn theo yêu cầu của Kiev, Nga bị tố phá hủy cơ sở hạ tầng y tế.

Phát biểu họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Jasarevic nêu rõ: "Sẽ có một cuộc họp vào ngày 10/5 về tác động của chiến tranh đối với hệ thống y tế Ukraine".

Hãng Reuters tuần trước đưa tin, Kiev đã yêu cầu tổ chức cuộc họp nêu trên, trích dẫn một bức thư của cơ quan đại diện ngoại giao Ukraine tại Geneva, trong đó có chữ ký của đại diện 38 quốc gia khác.

Hiện Nga, một trong 53 thành viên của WHO khu vực châu Âu, chưa phản hồi khi được Reuters đề nghị bình luận về sự kiện này.

Trước đó, ngày 1/5, giới chức Ukraine đã lên tiếng cáo buộc quân đội Nga đang tiến hành phá hủy các cơ sở hạ tầng y tế, mang đi các trang thiết bị cũng như từ chối chăm sóc sức khỏe người dân Ukraine tại một số thành phố và thị trấn.

“Các máy thở cùng nhiều trang thiết bị khác được những tổ chức quốc tế và chính quyền Kiev quyên góp vào năm 2014 đã bị đưa khỏi bệnh viện Starobilsk thuộc tỉnh Lugansk. Trong khi đó, người dân vùng Volchansk thuộc tỉnh Kharkiv bị từ chối tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, hãng tin Al Jazeera dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.

Tuy nhiên, hiện Al Jazeera cũng biết, chưa thể xác minh được tuyên bố trên của Bộ Quốc phòng Ukraine.

Trong khi đó, theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, tính tới ngày 29/4, đã có gần 5,5 triệu người Ukraine rời khỏi đất nước do chiến tranh. Đức nằm trong số các nước châu Âu tiếp nhận nhiều người tị nạn từ Ukraine nhất.

Thông báo của Bộ Nội vụ Đức cho biết, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, giới chức Đức đã ghi nhận hơn 392.600 người tị nạn từ Ukraine nhập cảnh nước này. Phần lớn số người tị nạn đến Đức là phụ nữ, trẻ em và người già. Tuy nhiên, con số người tị nạn nhập cảnh Đức có thể cao hơn nhiều vì thường không có hệ thống kiểm soát cố định tại biên giới các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

(theo Reuters)