📞

Xung đột ở Dải Gaza: EU cảnh báo tình hình 'không thể tồi tệ hơn'; Israel khiến Anh nói 'thật thất vọng'

Bảo Minh 06:17 | 23/01/2024
Ngày 22/1, các nước châu Âu đưa ra quan điểm về xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza, vốn đã khiến hàng chục nghìn người thương vong.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cảnh báo, tình hình nhân đạo ở Dải Gaza 'không thể tồi tệ hơn'. (Nguồn: AFP)

Reuters đưa tin, ngày 22/1, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng, không thể xây dựng hòa bình ở Trung Đông "chỉ bằng biện pháp quân sự".

Phát biểu tại cuộc họp hằng tháng của các ngoại trưởng EU, có sự tham dự của các ngoại trưởng Israel, Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan, Palestine và Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit, ông Borrell kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước trong xung đột Israel-Palestine.

Trước thềm hội nghị, nhà ngoại giao EU cũng nhấn mạnh: "Từ bây giờ, tôi sẽ không nói về tiến trình hòa bình mà tôi muốn một tiến trình về giải pháp hai nhà nước".

Bên cạnh đó, Đại diện cấp cao EU cảnh báo, tình hình nhân đạo ở Dải Gaza là "không thể tồi tệ hơn", trong bối cảnh Cơ quan Y tế tại Gaza cho biết, ít nhất 25.105 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7/10 và 62.681 người khác bị thương.

Trước đó, ngày 21/1, EU đã soạn thảo một kế hoạch 10 điểm cho một giải pháp toàn diện, đáng tin cậy về cuộc xung đột Hamas-Israel.

Kế hoạch của liên minh vạch ra một loạt bước đi mà cuối cùng có thể mang lại hòa bình cho Dải Gaza, thành lập một nhà nước Palestine độc lập, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab, đồng thời đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực.

Một yếu tố quan trọng trong lộ trình hòa bình mới của khối 27 quốc gia thành viên là “hội nghị hòa bình trù bị”, có sự tham gia của EU, Mỹ, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Liên đoàn Arab và Liên hợp quốc.

Tương tự EU, cũng ngày 22/1, Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhận định, sự phản đối của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với một nhà nước Palestine có chủ quyền trong tương lai là “đáng thất vọng”.

Trước đó, Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bất đồng trong việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Ông Netanyahu khẳng định sẽ không thỏa hiệp về "quyền kiểm soát an ninh toàn diện của Israel đối với toàn bộ lãnh thổ phía Tây sông Jordan".

Quan chức Anh nêu rõ: “Quan điểm của Vương quốc Anh vẫn là giải pháp hai nhà nước, với một nhà nước Palestine có chủ quyền và tồn tại cùng với một Israel an toàn và được bảo vệ, đây là con đường tốt nhất dẫn đến hòa bình lâu dài”.

Ngoài ra, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các cá nhân có liên quan phong trào Hồi giáo Hamas, trong đó có cả một thủ lĩnh của nhóm này. Một quan chức của tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine cũng bị trừng phạt cùng đợt.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna bày tỏ hy vọng EU sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người định cư Israel đang có hành động bạo lực đối với người Palestine ở khu Bờ Tây.