Đoàn xe của LHQ bị IDF bắt giữ ngày 9/9. (Nguồn: X) |
Hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin, Quân đội Israel (IDF) đã bắt giữ một đoàn xe của Liên hợp quốc (LHQ) ở phía Bắc Dải Gaza để kiểm tra, nghi ngờ vận chuyển người bị truy nã. IDF nhấn mạnh rằng, đoàn xe không chở vaccine bại liệt và sự việc vẫn đang được giải quyết.
Người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres xác nhận, Văn phòng Tổng thư ký đã nắm được thông tin và đang tìm hiểu sự việc.
Trước đó ngày 31/8, cơ quan quản lý y tế ở Gaza đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine bại liệt cho trẻ em, phối hợp với các tổ chức nhân đạo từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổ chức y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Cơ quan cứu trợ và việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).
Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters cho hay, ít nhất 14 người Palestine đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào sáng sớm 10/9, tại trại tị nạn ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza.
Khu vực bị tấn công nằm trong vùng Al-Mawasi, được chỉ định là khu vực nhân đạo, nơi có đông đảo người Palestine phải di dời từ các vùng khác.
Nhân chứng và nhân viên y tế cho biết, ít nhất bốn tên lửa đã rơi xuống, gây cháy nhiều lều trại và tạo ra các hố sâu tới 9 mét. Dịch vụ khẩn cấp tại Gaza cho biết, ít nhất 20 lều đã bị cháy rụi trong khi đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm người bị thương và thiệt mạng.
Theo phía IDF, cuộc không kích nhằm vào một trung tâm chỉ huy của Hamas nằm trong khu vực trên. Israel khẳng định Hamas đã sử dụng khu vực nhân đạo để tiến hành các cuộc tấn công vào quân đội và lãnh thổ Israel.
Tình hình căng thẳng tiếp diễn ở Gaza đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Ngày 9/9, các nhà ngoại giao các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), đang có cuộc họp tại Riyadh, Saudi Arabia, đã ra tuyên bố chung yêu cầu Israel "ngay lập tức dừng hoạt động quân sự ở Dải Gaza".
Tuyên bố cũng cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm về "các hành vi vi phạm và tấn công nhằm vào dân thường".
Cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Đối thoại chiến lược Ấn Độ-GCC ở Riyadh, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar kêu gọi Israel-Hamas ngừng bắn "càng sớm càng tốt", nhấn mạnh, tình hình Gaza là "mối quan tâm hàng đầu" của New Delhi.
Khẳng định lập trường nhất quán của Ấn Độ về xung đột ở Gaza cũng như việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine, nhà ngoại giao hối thúc mọi hành động cần tuân thủ nguyên tắc nhân đạo.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã yêu cầu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về tình hình Gaza và Jerusalem.
Ông Erdogan cáo buộc Israel "bành trướng" và nhắm mục tiêu vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, lưu ý rằng địa điểm này là "ranh giới đỏ" của Ankara.
Cũng liên quan Gaza, ngày 9/9, trong cuộc gặp với Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ở thủ đô Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và EU gây sức ép mạnh mẽ nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza và bạo lực ở Bờ Tây.
Cảnh báo về nguy cơ leo thang bạo lực tại Trung Đông, theo Tổng thống El-Sisi, việc chấm dứt xung đột sẽ giúp xoa dịu căng thẳng và khôi phục ổn định khu vực.