Nếu trong vòng 1 tuần, Hamas không chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn, Israel sẽ tấn công Rafah. (Nguồn: Times of Israel) |
Thông tin trên do báo Times of Israel công bố ngày 3/5, cho biết thêm, các quan chức Ai Cập trong nhóm đàm phán đã chuyển thông điệp này từ các nhà lãnh đạo Israel tới Hamas vào ngày 2/5.
Theo đề xuất của Israel, giai đoạn ngừng bắn đầu tiên kéo dài tới 40 ngày, trong đó tối đa 33 con tin Israel sẽ được thả. Vào khoảng thời gian này, các bên sẽ bắt đầu đàm phán để có một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn.
Giai đoạn thứ hai sẽ kéo dài ít nhất sáu tuần và chứng kiến các bên đồng ý thả con tin với số lượng lớn hơn và cam kết tạm dừng giao tranh trong thời gian dài, có thể kéo dài đến một năm.
Về phía Hamas, sau nhiều tháng đàm phán liên tục nhưng ít có tiến triển khả quan, ngày 1/5, Thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh cho biết, họ đang xem xét đề xuất thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza với "tinh thần tích cực" và sẽ sớm cử một phái đoàn đến Ai Cập để hoàn tất các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn.
Trong bối cảnh đó, người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) Jens Laerke cảnh báo, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn hơn đối với hơn 1,2 triệu người Palestine chạy nạn đang cư trú tại đây.
Theo ông, cuộc tấn công sẽ đe dọa tính mạng của hàng trăm nghìn người, là cú đánh mạnh vào hoạt động nhân đạo ở toàn bộ Dải Gaza.
Trong khi đó, AFP dẫn cảnh báo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đăng trên mạng xã hội X rằng: “WHO quan ngại sâu sắc rằng một chiến dịch quân sự toàn diện ở Rafah, Gaza có thể dẫn đến kết cục đẫm máu và làm suy yếu thêm hệ thống y tế vốn đã bị phá vỡ”.
WHO cho biết đã lập ra kế hoạch dự phòng có tên gọi “Cứu giúp” (Band-Aid) để sẵn sàng ứng phó với một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn tiềm tàng nhằm vào Rafah, tuy nhiên lưu ý, kế hoạch này chỉ là tạm thời và sẽ không đủ sức để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn do hệ quả của tấn công quân sự.