Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Đinh Nho Hưng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Na Uy) |
Xin Đại sứ chia sẻ ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Na Uy lần này của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân?
Nhận lời mời của Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ thăm chính thức Na Uy từ ngày 22-25/11. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Phó Chủ tịch nước Việt Nam đến Na Uy. Tham gia Đoàn công tác, có lãnh đạo của một số bộ, ngành trung ương và địa phương có nhiều hợp tác với Na Uy.
Chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước ta sang Na Uy có ý nghĩa quan trọng, tạo xung lực mới làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ở cả bình diện song phương và đa phương. Những nội dung trao đổi sẽ tập trung vào việc gia tăng hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai nước và hiện thực hóa các tiềm năng, góp phần vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc và các chương trình phát triển, mục tiêu quốc gia có liên quan của hai bên.
Nội dung trao đổi trong các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ tại Na Uy của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ đề cập nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng, liên quan đến các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, thủy sản, giáo dục, khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai bên cũng sẽ trao đổi về việc hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong triển khai các quy hoạch, đề án phát triển trong lĩnh vực năng lượng và cam kết thực hiện phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam; Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam với Nhóm các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, một nội dung được cả hai bên quan tâm là trao đổi về việc cùng với các nước liên quan thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), gồm bốn nước thành viên là Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ, với quy mô GDP của cả khối là 1.200 tỷ USD.
Đại sứ Đinh Nho Hưng trình Thư ủy nhiệm lên Nhà vua Na Uy Harald Đệ ngũ. (Nguồn: Hãng thông tấn Nauy NTB) |
Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng như lợi thế địa lý về đường bờ biển, Na Uy rất có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế biển, kinh tế xanh… Hai nước có thể thúc đẩy hợp tác ra sao trong những lĩnh vực này?
Kinh tế biển, kinh tế xanh, với nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong đó, luôn giữ vai trò đầu tàu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của hai nước và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Sự phát triển đến ngày nay và trong tương lai của cả hai nước có sự đóng góp rất quan trọng từ các lĩnh vực này.
Xuất phát từ đó, nhiều lĩnh vực, chương trình hợp tác đã được triển khai rất hiệu quả, thiết thực như hàng hải, đóng tàu, năng lượng, thủy sản, nuôi trồng biển, nông nghiệp xanh, môi trường, rác thải nhựa trên biển, giảm thiểu phát thải…
Tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực này còn lớn. Trong đó, điểm mới của giai đoạn hiện nay và sắp tới là việc hai nước đang có cơ hội thúc đẩy hợp tác trong một số ngành “công nghiệp xanh”, những ngành công nghiệp tương lai không xa của thế giới. Tôi tin rằng, trong số đó, năng lượng tái tạo, thủy sản và nuôi trồng biển sẽ là những lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa hai nước.
Các doanh nghiệp Na Uy đã có sự quan tâm nhất định vào thị trường Việt Nam. Làm sao để thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư của Na Uy, cũng như thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Na Uy?
Tôi nhận thấy các doanh nghiệp, địa phương và các đối tác của Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, hiểu biết chuyên môn và ngày càng quan tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam, mong muốn cam kết đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Không chỉ có đầu tư trực tiếp, đầu tư vốn vào các dự án đang hoạt động cũng là hình thức khá phổ biến, trên cơ sở phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, hiệu quả của dự án, cũng như một số tiêu chí khác như cắt giảm phát thải, trung hòa carbon, hoặc góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc một cách có định lượng, đo đếm được.
Các cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ của hai nước đang và sẽ luôn hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp và địa phương kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại, cũng như trong các lĩnh vực khác.