TIN LIÊN QUAN | |
"Sóng gió" chờ đón Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump | |
Ông Trump bác bỏ khả năng Triều Tiên phát triển tên lửa bắn tới Mỹ |
Những ngày này, dư luận đang đặt ra câu hỏi rằng, liệu việc viết tweet là chiến thuật hay chỉ là thói quen bình thường của ông Trump? Có những vấn đề lẽ ra ông Trump có thể bỏ qua, nhưng ông đã không làm như vậy. Trước việc Triều Tiên tuyên bố nước này đang phát triển vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ, ông Trump tweet: “Điều đó sẽ không xảy ra!”.
Tài khoản Twitter của ông Trump. (Nguồn: Turner4D) |
Có ý kiến cho rằng, đây là một việc làm đầy rủi ro của Tổng thống đắc cử Mỹ. Trước tiên, với việc thoải mái bình luận trên mạng về nhiều vấn đề, ông Trump có thể làm giảm giá trị và sức nặng trong các phát ngôn chính thức của mình. Bên cạnh đó, các dòng tweet của ông Trump cũng được cho là khó có chiều sâu, ngữ cảnh... khi bị giới hạn trong 140 ký tự.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng dường như Tổng thống đắc cử Trump luôn có những tính toán đằng sau những dòng tweet, vốn tưởng như ngẫu nhiên này. Theo những người hiểu rõ ông Trump, thông qua những bình luận trên mạng xã hội, ông đang muốn nhắm đến những mục tiêu lớn hơn.
Theo đó, ông Trump dùng Twitter để bày tỏ quan điểm về chính sách đối ngoại, đơn cử như trường hợp ở trên là vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, những nhà quan sát ở Hàn Quốc lại cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ đang muốn chuyển tải một thông điệp ít cứng rắn với Bình Nhưỡng.
Cựu Chủ tịch Thượng viện New Gingrich, người thường xuyên trò chuyện với ông Trump đồng thời đang biên soạn một cuốn sách về “chủ nghĩa Trump” (Trumpism), nhận xét ông Trump có phần nào đó tương tự cố Tổng thống Franklin Roosevelt: tạo ra sự hỗn loạn để phục vụ cho các sáng kiến của mình. Ông Gingrich cho rằng, phong cách này của ông Trump sẽ không thay đổi trong thời gian tới.
Ông Trump được cho là muốn chuyển tải quan điểm về chính sách đối ngoại qua Twitter. (Nguồn: WKYT) |
Trước tiên, thông qua Twitter, ông Trump muốn xác định vị thế cho một cuộc đàm phán hay thỏa thuận. Trump từng nói cách tốt nhất để hiểu cách ông làm việc là đọc cuốn “Nghệ thuật đàm phán” (The art of the deal). Theo Trump, vị thế khi bước vào một cuộc đàm phán rất quan trọng.
Ví dụ, trong bối cảnh Trung Quốc là quốc gia có mối quan hệ chính trị - kinh tế quan trọng với Mỹ, ông Trump lại nhận điện đàm từ nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn, một động thái chắc chắn khiến chính quyền Bắc Kinh không hài lòng. Sau đó, ông Trump đăng tải nhiều dòng tweet với ngầm ý Mỹ sẽ không chấp nhận lép vế trước Trung Quốc. “Đó là những tín hiệu rõ ràng gửi tới Trung Quốc rằng mọi chuyện sẽ khác trước đây”, theo ông Gingrich.
Trong một diễn biến khác, khi hải quân Trung Quốc bất ngờ thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ, ông Trump tweet rằng thiết bị đó không quan trọng và phía Trung Quốc có thể giữ lấy. Trong khi đó, hải quân Mỹ lại đang ra sức lấy lại thiết bị quan trọng này. Có thể thấy, thông qua Twitter, ông Trump muốn hạ thấp giá trị của UUV trong mắt Trung Quốc, qua đó để Bắc Kinh không đem thiết bị này ra làm con bài mặc cả với Washington.
Thứ hai, ông Trump muốn kiểm soát chương trình nghị sự. Những dòng tweet vào sáng sớm thường đề cập đến các chủ đề sẽ được bàn luận tới trong ngày. Đặc biệt, ông Trump đôi khi dùng Twitter để “chọc tức” Tổng thống Obama, Nhà Trắng, cũng như cố tình khiến cho cộng đồng quốc tế băn khoăn về chính sách thực sự của Mỹ.
Cụ thể, ông Trump tweet rằng Mỹ sẽ phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề người Israel định cư ở Bờ Tây, trước khi nghị quyết này được chính thức thảo luận. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về quan điểm của Tổng thống Mỹ tương lai Donald Trump và những điều Tổng thống đương nhiệm Barack Obama có thể làm trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.
Cuối cùng, ông Trump muốn dùng Twitter để định hướng dư luận. Trong 2 tuần, ông Trump loan tin rằng có thể sẽ chọn cựu ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney vào vị trí Ngoại trưởng. Cuối cùng, ông Trump lại không chọn ông Romney, nhưng ông đã khiến mọi người tin rằng ông có thể chọn những người từng là đối thủ của mình, đồng thời làm giảm chỉ trích về một chính quyền chỉ toàn tỷ phú trong tương lai.
Tóm lại, cho đến nay, những dòng tweet của ông Trump đang khiến dư luận quốc tế khá hoang mang, bởi họ không hiểu quan điểm thực sự của Washington về các vấn đề quan trọng như quan hệ Mỹ - Trung hay chương trình hạt nhân của Triều Tiên là gì. Vì vậy, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc nghe những gì Trump nói, cần nhìn vào những gì Tổng thống tương lai của Mỹ làm trên thực tế.
Dân Mỹ lo ngại khả năng xử lý khủng hoảng quốc tế của ông Trump Thong tin trên được Viện Gallup công bố ngày 2/1. |
Ông Trump và những thách thức ngoại giao những ngày đầu nhậm chức Ông trùm bất động sản Donald Trump được kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho xứ cờ hoa, nhưng ông sẽ phải ... |
Chuyên gia Anh: Ông Trump sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại “Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thay đổi chính sách đối ngoại của nước Mỹ nhiều hơn bất cứ chính quyền tiền nhiệm nào”. |