📞

Ý nghĩa nhân lễ Noel

16:21 | 18/12/2015
Lễ Noel (Chúa giáng sinh) bắt đầu được tổ chức ở phương Tây vào khoảng thế kỷ IV, để đánh dấu ngày sinh của Chúa Jesus (25/12), trong bối cảnh những lễ hội đông chí của các dân tộc không theo đạo Thiên Chúa. Do đó mà lễ Noel “chính cống Thiên Chúa giáo” đã thụ nhập nhiều tập tục của các dân tộc ấy. Và lễ Noel trở thành một nét sinh hoạt văn hóa chung cho cả mọi người ở phương Tây (Noel là ngày lễ gia đình và là ngày cho quà của Thiên Chúa giáo).

Ở Việt Nam, dĩ nhiên những người công giáo tổ chức lễ Noel một cách long trọng. Nhưng có lẽ từ những năm 20 – 30 thế kỷ trước, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, ... một số dân lương thuộc tầng lớp khá giả, tiểu tư sản, thanh niên cũng coi tối Noel là một buổi lễ hội vui chơi, đi nhà thờ hoặc gặp nhau ở nhà thờ, ở quán cà phê. Nó đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa thành phố.

Ấy thế mà cách đây khoảng một thế kỷ rưỡi, ai cả gan lảng vảng đến một nhà thờ Công giáo vào đêm Noel có nhiều khả năng bị vua quan trừng trị.

Khác với Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo hòa nhập được vào nước ta (tuy cũng du nhập ở ngoài vào), Công giáo suốt một thời gian dài bị coi là ngoại lai do nhiều lý do. Thứ nhất là vì Công giáo không chấp nhận những thần linh của các đạo khác, trong khi các đạo Phật-Khổng-Lão thờ các thần linh lẫn lộn, kể cả thần linh thuộc tín ngưỡng dân gian, ma quỷ, ông bà, ông vải cô hồn,...

Lý do thứ hai là lý do tôn giáo chính trị. Vào thế kỷ XVI, các nước hùng mạnh châu Âu khám phá ra những “đất mới” ở châu Á, đồng thời mở rộng phạm vi các thuộc địa; Công giáo La Mã cũng mở rộng vương quốc của Chúa. Công cuộc truyền bá thường bị xen lẫn với đánh chiếm thuộc địa: Thí dụ, bác sĩ nhà binh Hốcca theo quân đội viễn chinh Pháp đánh Bắc Kỳ (1884-1886) đã dẫn chứng về giám mục Puyginiê, người xây dựng Nhà thờ lớn Hà Nội: “Tu sĩ ấy đã được gắn huân chương... vì sẵn sàng luôn luôn phục vụ tướng Tổng chi huy khi cần được cung cấp thông tin về đất nước này”.

Thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, tu sĩ các dòng Đa Minh Phanxicô bắt đầu đến Việt Nam. Sau đó Dòng Tên đã bám dân, đến năm 1650 đã có được ba vạn giáo dân. Trong khi đó Hội Truyền giáo ra nước ngoài Paris để tìm mọi cách ngăn cản ảnh hưởng của các giáo sĩ Bồ Đào Nha.

Năm 1627, giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes đến Ba Làng ở Thanh Hóa. Một hôm, trong khi ông đang giảng đạo cho dân làng tụ tập ở bãi biển xem tàu Pháp, Chúa Trịnh Tráng đi qua, ngừng lại. Ông cố đạo liền biếu Chúa một chiếc đồng hồ và một cuốn sách toán. Thế là ông được phép truyền đạo ở vùng đó, và chỉ trong hai tháng thuyết phục được 200 dân theo Công giáo.

Nhưng Công giáo sớm bị ngăn chặn vì những lý do như trên đã nói. Quan hệ của Công giáo với chính quyền trở nên tồi tệ từ nửa sau thế kỷ XIX khi Nhà thờ luôn tiếp tay cho thực dân, cô lập giáo dân với phong trào giải phóng dân tộc của toàn dân. Tình hình này kéo dài qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điển hình nhất là chế độ Ngô Đình Diệm đã nhân danh Chúa để tàn sát những người yêu nước.

Nhưng có một bộ phận ngày càng lớn các giáo dân giác ngộ, biết phân biệt được việc đời việc đạo đã tham gia đấu tranh cho Tổ quốc và đưa cộng đồng giáo dân trở về với dân tộc.

Có một điều ít được nêu mà cần nhấn mạnh là có một nền văn hóa Thiên Chúa giáo, thành tố của văn hóa dân tộc Việt Nam. Khoảng một phần mười dân Việt Nam theo Công giáo. Tiếp biến văn hóa (Công giáo với văn hóa cổ truyền) đã tạo ra những giá trị chung cho dân tộc và những nhà văn hóa xuất sắc. Xin nhắc đến nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ, họa sĩ Lê Văn Đệ, nhà thơ Hàn Mặc Tử và nhiều công trình kiến trúc, nghiên cứu...

Hữu Ngọc