Y Tý - cảnh đẹp mê li cả 4 mùa: Vùng đất khiến du khách trở lại 10 lần chưa chán
14:58 | 13/08/2020
TGVN. Cao nguyên Y Tý là địa chỉ mà bất cứ tín đồ du lịch nào cũng muốn đặt chân tới để một lần thưởng ngoạn khung cảnh đẹp như "chốn bồng lai", là nơi người đi một lần thì nhớ, đi cả chục lần vẫn say mê.
Gặp những người từng đặt chân đến Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) thì ai cũng như ai, đều nhắc về Y Tý với vô vàn những cảm xúc đặc biệt. Mảnh đất này níu chân người đến, khiến họ yêu, họ nhớ và khao khát trở lại. (Ảnh: Phí Mạnh)
Anh Phí Minh Mạnh - một chàng trai 33 tuổi đã từng 10 lần đặt chân đến Y Tý trong 6 năm qua. Những chuyến đi Hà Nội - Lào Cai với anh đã trở nên quá đỗi quen thuộc, chỉ bởi, anh muốn ghi lại được vẻ đẹp cả 4 mùa trong năm của Y Tý. "Mình nghiện Tây Bắc và đặc biệt nghiện Y Tý mất rồi. Không khí trong lành, cảnh đẹp bình yên, người dân thân thiện... Tất cả đều níu chân mình", anh Mạnh chia sẻ. (Ảnh: Phí Mạnh)
Khác với anh Phí Minh Mạnh - một "khách quen" của Y Tý, anh Vũ Quân (TP. Hồ Chí Minh) mới chỉ một lần đặt chân đến mảnh đất này. Ấy thế mà anh cũng "trót thương", "trót yêu" Y Tý. Trở về rồi ý định trở lại thăm nơi đây vẫn nung nấu trong anh. "Mình ghé Y Tý vào những ngày trung tuần tháng 7 vừa qua. Đây là một địa điểm trong chuyến hành trình xuyên Việt, qua 30 tỉnh thành khác nhau của mình. Mọi mệt mỏi của cung đường xa, khó đi bị cuốn trôi khi mình được chiêm ngưỡng làn mây bềnh bồng như tiên cảnh ở nơi đây. Chuyến hành trình ấy, mình đặt chân tới nhiều điểm đẹp nhưng Y Tý vẫn ấn tượng nhất, độc đáo nhất với màn trình diễn tuyệt đẹp của mây trời", anh chia sẻ. (Ảnh: Phí Mạnh)
Mùa Xuân, Y Tý đón du khách với khung cảnh mây trôi bồng bềnh, chập chờn che phủ những cành đào nở rực rỡ nơi hiên nhà. (Ảnh: Phí Mạnh)
Ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, Y Tý lạnh hơn so với những vùng khác và sương mù bao phủ hầu như quanh năm. Nhưng theo kinh nghiệm của những người từng tới đây, mây nhiều nhất, đẹp nhất là vào khoảng tháng 3, tháng 4. Những mái nhà của người Hà Nhì lúc thì lặn đâu mất khi mây lên, còn khi mây xuống chỉ thấy hiện lên như những cái nấm mờ ảo khuất sau rặng tre. (Ảnh: Phí Mạnh)
Nếu đến Y Tý vào tầm cuối tháng 5, đầu tháng 6 thì bạn sẽ chiêm ngưỡng được những thửa ruộng bậc thang long lanh như gương vào mùa nước đổ. Lúc đó, người dân bắt đầu be bờ, đắp ruộng vào nước và bắt đầu một mùa cày cấy. (Ảnh: Xuân Toàn)
Nếu đến Y Tý vào tầm tháng 9, tháng 10 thì bạn sẽ thấy những thửa ruộng vàng óng ánh, những cành lúa nặng trĩu bông và hít hà được mùi lúa chín lan tỏa nhè nhẹ vào không gian. (Ảnh: Phí Mạnh)
Đây là thời điểm người già, trẻ nhỏ bắt đầu ra ruộng để gặt lúa, phơi lúa. (Ảnh: Phí Mạnh)
Khung cảnh ngày mùa bình yên đến lạ. (Ảnh: Phí Mạnh)
Một địa điểm "check-in" không thể bỏ qua khi đến Y Tý là "công viên Y Tý". Chẳng phải được xây dựng và quy hoạch như ở các thành phố, ‘công viên Y Tý’ đơn giản chỉ là vùng đất rộng nằm ở cuối đường thuộc bản Choản Thèn, nơi trẻ em vùng cao thường tụ tập vui đùa, nơi người dân bản dừng chân nghỉ ngơi, còn du khách thì tản mạn ngắm phong cảnh. Đến "công viên" vào những ngày đẹp trời, du khách có dịp ngắm mây bồng bềnh bên dưới, để chóp núi hiện lên như một ốc đảo lớn. (Ảnh: Phí Mạnh)
Chỉ cách thành phố Lào Cai khoảng 80 km và hạ tầng giao thông đến Y Tý ngày càng thuận lợi phát triển du lịch, thế nhưng, mảnh đất này dường như vẫn còn tách biệt với sự xô bồ bên ngoài. Ban ngày người dân Hà Nhì lên rẫy, ban đêm ấm cúng quây quần bên bữa cơm gia đình dưới mái nhà trình tường. Cuộc sống an yên diễn ra mỗi ngày như vậy. (Ảnh: Phí Mạnh)
Khung cảnh Y Tý mỗi khung giờ trong ngày lại mang một vẻ đẹp khác nhau. (Ảnh: Phí Mạnh)
Còn chần chừ gì mà không lên kế hoạch cho một chuyến đi Y Tý! (Ảnh: Phí Mạnh)
Theo Tiến sĩ Rachel Jahja từ Đại học RMIT Việt Nam, kiến trúc quy mô nhỏ ở Việt Nam là sự đối thoại sâu sắc giữa không gian, môi trường và di sản văn hóa.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ 'Mãi mãi tuổi 20' tổ chức sự kiện 'Ký ức và niềm tin' nhân dịp Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt ...
Sáng 15/12, tại Làng truyền thống dân tộc K’Ho, thôn Klong Trao 1 (xã Gung Ré, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã diễn ra Lễ Mừng lúa mới của dân tộc K'ho S'Rê.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nghệ thuật múa cổ truyền đã hòa quyện vào dòng chảy văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, tạo nên mạch nguồn văn hóa đặc trưng.